Dự thảo kinh doanh vàng: Phép thử hay chính sách?
NHNN vừa đăng tải toàn bộ nội dung dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Liệu đây đã thực sự là những giải pháp căn cơ?
Tất cả các loại vàng miếng đã được NHNN cho phép sản xuất và lưu thông trong thời gian trước đây vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thi hành là nội dung được rất nhiều người quan tâm. Việc đăng tải toàn bộ nội dung dự thảo Nghị định trình Chính phủ được coi là động thái tiếp theo sau khi có thông báo ngày 28/10/2011 về các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng của NHNN.
Cũng phải nói thêm rằng, việc “chỉnh sửa” của NHNN được thực hiện sau khi gặp phải sự phản ứng rất lớn từ phía các DN sản xuất kinh doanh vàng cũng như phản ứng tiêu cực từ thị trường (Xem DĐDN số 93 ra ngày 23/11/2011). Thị trường vàng trong nước đã có có những biến động bất thường biểu hiện rõ nét qua cơ chế hai giá giữa các nhóm vàng miếng trong nhiều ngày trước: giá vàng SJC cao hơn giá vàng Thăng Long, AAA và một số thương hiệu khác khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Trở lại với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà NHNN vừa công bố, liệu đây có thực sự là một giải pháp toàn diện sau khi đã nhìn thấy thực tế phản ứng của thị trường hay chỉ là “bình mới, rượu cũ”?
Có thể nhận ngay ra rằng, về bản chất dự thảo mà NHNN đưa ra không có gì mới và thông tin mà NHNN đưa ra chỉ như “liều thuốc an thần” đối với thị trường vàng đang “loạn giá”. Trong khi đó thị trường vàng cần có “liều thuốc” điều trị toàn diện hơn. Bởi về bản chất so với dự thảo cũ các DN chỉ được “ân hạn” thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ là 12 tháng; Thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là 6 tháng.
Một số DN sản xuất kinh doanh vàng cho rằng: Không rõ NHNN căn cứ vào đâu để đưa ra thời gian chuyển tiếp 12 tháng đối với hoạt động mua bán vàng trang sức mỹ nghệ và 6 tháng đối với vàng miếng?
Mặt khác, trong dự thảo lần này NHNN vẫn giữ nguyên điều kiện hoạt động sản xuất vàng miếng là: Có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên; Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất.
Trong khi đó, theo chính thông tin của NHNN đưa ra thì hiện nay vàng miếng SJC đang chiếm khoảng 90% thị phần. Quy định như vậy rõ ràng chẳng khác nào đánh đố bởi sẽ chẳng có DN nào đáp ứng được điều kiện chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Một câu hỏi được đặt ra là nên chăng đi cùng với quy định này NHNN cần có một lộ trình “ép” SJC giảm thị phần xuống ít nhất là dưới 75% để DN khác còn có cơ hội. Hoặc nếu NHNN muốn để độc quyền sản xuất vàng miếng thì nắm giữ độc quyền đó phải là NHNN.
Một điều bất hợp lý nữa, theo dự thảo: Thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là 6 tháng trong khi đó lại yêu cầu DN phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Quy định như vậy thì dù DN muốn cố tăng thị phần cũng chẳng được. Một DN sản xuất vàng miếng nói rằng: Nếu chúng tôi muốn phấn đấu và cứ cho rằng sẽ chiếm được 25% trong năm nay thì để tiếp tục được sản xuất vàng miếng chỉ còn cách là... 3 năm nữa Chính phủ mới thông qua nghị định này.
Kinh nghiệm quản lý đối với thị trường vàng không ít nhưng có vẻ như NHNN chưa hướng tới các thông lệ quốc tế cũng như kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng. Và với dự thảo nghị định mới, nhiều chuyên gia cho rằng: Dường như NHNN vẫn đang làm phép thử đối với thị trường hơn là một chính sách lâu dài đối với thị trường vàng?
Phan Nam
diễn đàn doanh nghiệp
|