Thứ Hai, 28/11/2011 07:03

NHNN lấy thương hiệu hay lấy bộ máy SJC?

Khuôn dập vàng thì dễ nhưng điều quan trọng là kiểm soát chất lượng và làm thương hiệu vàng quốc gia.

Sắp tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng và dùng thương hiệu SJC làm thương hiệu quốc gia, đổi tên thành SBV (tên viết tắt bằng tiếng Anh của NHNN). Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến băn khoăn rằng quá trình để trở thành thương hiệu vàng quốc gia sẽ tiến hành như thế nào, bộ máy của SJC cũ sẽ được sử dụng ra sao.

Phải được quốc tế công nhận

Về việc SJC được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia, ông Nguyễn Công Tường, Phó Trưởng phòng Kinh doanh SJC, cho biết lý do chính là vì SJC chiếm trên 90% thị phần cả nước. Mặt khác, SJC là doanh nghiệp nhà nước cho nên việc chuyển đổi cũng dễ dàng. Bên cạnh đó, SJC nhiều năm được nhận danh hiệu thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, SJC còn nằm trong top dẫn đầu thương hiệu mạnh nhất năm 2010.

Để SJC “lột xác” trở thành thương hiệu vàng quốc gia, chúng ta còn rất nhiều tiêu chuẩn phải phấn đấu. Theo ThS Trần Trọng Quốc Khanh, vàng quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế phải có đủ ít nhất hai yếu tố chính: Thứ nhất là nếu được quốc tế công nhận thì khi mua vàng này, họ sẽ không phải đem đi nấu lại để kiểm định nữa. Thứ hai, phải được gia nhập Hiệp hội Thị trường vàng London. Đây là tiêu chí quan trọng và là chuẩn quốc tế. Hiện nay Thụy Sĩ là một trong những nước có nhiều thương hiệu vàng đạt được chuẩn này, sau đó đến Úc. hiện nay các thương hiệu vàng trong nước vẫn chưa đạt được chuẩn này.

“Để nâng vàng của chúng ta theo chuẩn quốc tế thì phải được quốc tế công nhận. Vì thế chúng ta nên coi Hiệp hội Thị trường vàng London là mốc để phấn đấu. Việc gia nhập WTO với chúng ta khó như vậy nhưng vẫn làm được thì việc trở thành hội viên Hiệp hội Thị trường vàng London là hoàn toàn khả thi” - ông Khanh nói.

Vàng SJC chiếm trên 90% thị phần cả nước nên được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia. Trong ảnh: Khách hàng viết phiếu đổi vàng nhỏ tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). 

NHNN lấy thương hiệu hay lấy bộ máy?

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), sau quyết định của thống đốc, điều không chỉ người dân mà giới doanh nghiệp quan tâm là NHNN lấy thương hiệu hay lấy luôn bộ máy của SJC. Nếu lấy thương hiệu nghĩa là NHNN sẽ lấy vàng miếng SJC. Từ đó, SJC sẽ chỉ là đơn vị gia công cho NHNN và SJC không được gia công cho các đơn vị khác. Khi SJC là của NHNN thì toàn bộ lợi nhuận từ vàng miếng là của NHNN. Vậy lợi nhuận của SJC còn lại là vàng nữ trang, mà vàng nữ trang của SJC lại rất thấp, thua xa PNJ.

Bên cạnh đó, vấn đề phân phối phức tạp hơn rất nhiều. “Theo tôi, việc quyết định chọn SJC là thương hiệu quốc gia mới chỉ là bước đầu. Còn nhiều việc khác nữa” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, ngay cả đối với SJC, hệ thống phân phối cũng là nhờ các bạn hàng, qua nhiều cấp phân phối. SJC không thể nào mở các chi nhánh được. Bởi đặc thù của việc kinh doanh vàng là ở đâu có dân cư thì ở đó có tiệm vàng, có mua và bán. Vì thế các tiệm vàng rải khắp từ Bắc vào Nam. Nếu các chi nhánh của NHNN mở thêm dịch vụ phân phối này cũng không thể được. Trong khi đó, chi phí để mở các điểm phân phối rất tốn kém. Đấy là chưa kể vàng có giá trị lớn nên khi mua bán thì cần lòng tin. Chẳng hạn ở Cà Mau, muốn mua vàng trên Sài Gòn thì chỉ cần điện thoại chốt giá với đại lý cấp 1, sau vài tiếng đồng hồ đại lý này sẽ gửi vàng xuống. Nhưng liệu NHNN có thể làm như vậy trong những lúc giá cả biến động mạnh hay không?

Theo một chuyên gia khác, khi xây dựng thương hiệu vàng quốc gia, NHNN nên mua lại các thiết bị công nghiệp của các thương hiệu vàng khác. Việc nhập máy mới rất tốn kém và mất thời gian. Trong khi hầu hết máy móc, thiết bị của các thương hiệu vàng khác đều nhập từ châu Âu. Đây cũng là một cách chia sẻ với các xưởng vàng vì sự thay đổi môi trường pháp lý mà bớt lãng phí. Như vậy trước đây NHNN đang quản lý công nghệ in và lưu thông tiền thì nay quản lý và lưu thông vàng.

Hiện nay vấn đề mà người ta đang quan tâm là việc các xưởng vàng khác sẽ dập vàng SJC. Theo ThS Trần Trọng Quốc Khanh, về phía SJC không hẳn họ muốn điều này, bởi vì SJC không thể kiểm soát 24/24 giờ được. Trong khi đó, ai cũng biết thị trường vàng Việt Nam khá nhạy cảm, việc thả nổi vàng đã tạo cơ hội cho một số tổ chức gian lận tuổi vàng. “Chính vì thế, theo tôi SJC sẽ lo lắng với chất lượng tuổi vàng. Đến lúc này thương hiệu vàng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Thế nên NHNN sớm thành lập thương hiệu vàng SBV và việc này có thể làm sớm. Bởi theo tôi, việc làm khuôn dập vàng SBV rất dễ dàng. Cái quan trọng là kiểm soát chất lượng và làm thương hiệu vàng quốc gia” - ông Khanh nói.

YÊN TRANG

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Vẫn còn những bất an (27/11/2011)

>   Dự thảo kinh doanh vàng: Phép thử hay chính sách? (26/11/2011)

>   Vàng tăng nhẹ sau tin SJC thành thương hiệu quốc gia (26/11/2011)

>   Vàng giảm hơn 2%/tuần xuống sát 1,685 USD/oz (26/11/2011)

>   Định giá thị phần vàng miếng ra sao? (26/11/2011)

>   Doanh nghiệp vàng ủng hộ SJC thành thương hiệu quốc gia (25/11/2011)

>   Lại đổ xô đi mua vàng ở TPHCM và Hà Nội (25/11/2011)

>   Vàng SJC sẽ đổi sang thương hiệu... Ngân hàng Nhà nước (25/11/2011)

>   "Kiếm đậm" với mác bình ổn giá vàng (25/11/2011)

>   SJC bán 20.000 lượng vàng (25/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật