Tương lai Mỹ sẽ giống EU?
Những nguyên nhân gây ra nợ công ở Mỹ khác căn bản so với Châu Âu nhưng chúng đều làm nản chí tất cả mọi người và làm tồn tại dai dẵng nỗi lo về khủng hoảng nợ công sẽ xảy đến với nước Mỹ.
Nước Mỹ sẽ cần bao lâu để xóa hết nợ công? |
Trong khắp thế giới các quốc gia giàu có, nợ công gia tăng và dân số già đang gây ra sự bất ổn kinh tế. Tại Châu Âu, vấn đề này đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng và ngày càng tồi tệ hơn đến mức khu vực đồng tiền chung Châu Âu không thể còn nguyên vẹn.
Theo vết xe đổ?
Điều đó làm nảy sinh câu hỏi liệu với cấu trúc kinh tế đang gặp phải những vấn đề tương tự, chúng có tất yếu làm cho nước Mỹ đi theo vết xe đổ đó không vì hiện tại với số nợ công khổng lồ lên tới hơn 14 ngàn tỷ USD, Mỹ luôn nằm trong tình trạng ngấp nghé rơi vào khủng hoảng nợ.
Giới phân tích kinh tế Mỹ cho rằng câu trả lời ngắn gọn là không hoặc ít nhất là không chắc chắn và đưa ra các nguyên nhân lý giải cho điều đó nhưng cũng khẳng định điều cốt yếu cần hiểu nguyên nhân tại sao như vậy vì nếu không nắm chính xác vấn đề của nước Mỹ thì hậu quả sẽ thiệt hại hơn rất nhiều cho kinh tế toàn thế giới.
Rắc rối nợ của Châu Âu là tổng hậu quả của những khoản nợ công trong quá khứ và bị làm tồi tệ thêm vì tỷ lệ lãi suất cao và thực tế là không bao giờ có thể trả được (gọi tắt là nợ số học). Ngược lại, Mỹ trong quá khứ gần đây chưa bị nợ số tiền lớn như thế. Nhưng cả hai đều có một điểm chung là khó khăn trong kiểm soát ngân sách hiện tại.
Xét một mặt, nợ công quốc gia như việc chi tiêu thẻ tín dụng thanh toán sau: nếu tiền lãi của số nợ hiện đang tồn tại lớn hơn khả năng chi trả hàng tháng của người dân có thể chịu được thì khoản nợ đó sẽ không bao giờ xóa được. Nó sẽ tăng, tăng mãi cho tới mức tối đa mà người cho vay còn có thể chịu đựng. Tất nhiên, đối với các nước vấn đề nợ thường phức tạp hơn. Nếu tỷ lệ lãi chỉ là 3% hoặc 4% và ngân sách hiện tại ở điểm xung quanh mức cân bằng ngân sách thì sự phát triển của nền kinh tế có thể đủ mạnh để giữ mức nợ không thay đổi so với tổng sản lượng nội địa – GDP. Tình hình đó sẽ được duy trì lâu dài kể cả khi mức nợ công tăng lên khá cao.
Mặt khác, một khi các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại rằng một quốc gia có thể rơi vào vòng nợ nần hoặc vỡ nợ thì vòng luẩn quẩn khủng hoảng sẽ nảy sinh: lãi suất bị đẩy lên, nợ công tăng, nguy cơ vỡ nợ hiển hiện (như trường hợp Italia). Khu vực đồng tiền chung Châu Âu muốn thoát ra nhưng càng giãy giụa càng rơi vào vòng luẩn quẩn. Các nước EU tìm cách giảm bớt áp lực với những nước nợ công lớn, tuy nhiên các nhà đầu tư trái phiếu không tin tưởng và đòi hỏi mức lãi suất cao hơn và một khi tỉ lệ lãi vượt quá 7% (như Italia) thì khủng hoảng nợ công sẽ khó tránh khỏi.
Bức tranh sáng - tối
Đối với Mỹ, bức tranh nợ công có cả gam màu sáng và tối. Về mặt tích cực, Mỹ có đủ thời gian giải quyết trước khi mức nợ công lên đến trần nguy hiểm. Khi nợ công bằng 60% GDP, không có vấn đề gì xảy ra, khi nợ công bằng 120% GDP như Italia tình hình rất nguy hiểm. Nước Mỹ hiện đang ở mức nợ cận dưới 100% GDP, trong đó khoảng một phần ba số nợ công là của các cơ quan tổ chức của Mỹ nợ lẫn nhau, chẳng hạn như Quỹ An sinh xã hội và như vậy có thể không cần tính đến. Hơn thế, vì Mỹ rất rộng lớn và giàu có, đồng thời vấn đang kiểm soát được đồng đôla (sự lựa chọn số một của các nước khác khi cần dự trữ ngoại tệ) nước Mỹ có thể chịu đựng mức nợ lớn hơn Italia. Vì thế nước Mỹ vẫn còn khả năng vay thêm tới 3%.
Về mặt tiêu cực, Mỹ không có khả năng đưa mức cân bằng ngân sách trở về bình thường như một số nước Châu Âu duy trì. Nhờ vào các khoản cắt giảm ngân sách khắc khổ, Italia đang đưa mức nợ công về chỉ tiêu thâm hụt ngân sách hàng năm trong khi con số này của nước Mỹ vượt quá 7%. Các chương trình kinh tế lớn của Mỹ có vẻ như chưa thật sự đúng hướng, hiệu quả; nước Mỹ đang cần các gói kích thích kinh tế ngắn hạn và cắt giảm chi tiêu dài hạn như giảm ngân sách quốc phòng, tăng thuế tuy nhiên các nhà chính trị quá sa đà vào bàn luận, tranh cãi mà chưa đưa ra giải pháp thực sự hiệu quả.
Nước Mỹ sẽ cần bao lâu để xóa hết nợ công ? Nếu theo viễn cảnh không tốt thì khoảng 10-12 năm nữa nước Mỹ sẽ rơi vào mức nợ công lớn như của Italia hiện nay. Trong khi đó, số tiền phải trả lương hưu cho người già (ngày một tăng) sẽ là gánh nặng của quốc gia tới năm 2030 và vì thế tổng số nợ của Mỹ sẽ vẫn chưa thể thoát khỏi kiểu nợ của Châu Âu. Vấn đề giờ đây của nước Mỹ là phải nhìn thẳng vào nợ nần và không để lãng phí thời gian trước khi quá muộn.
Hoa Chi
diễn đàn doanh nghiệp
|