Thứ Hai, 21/11/2011 06:13

Tiền 'nhảy múa' trong túi, bí chỗ đầu tư

Tài chính, BĐS, chứng khoán, vàng... đang gặp nhau ở một điểm chung: có tiền không biết chơi gì sinh lãi, quay vòng vốn hiệu quả. Biết đầu tư vào gì khi hai tháng cuối năm tình hình được dự báo không có gì tiến triển hơn?.

Thị trường tài chính, BĐS Việt Nam giữa quý IV/2011 trùm một màu ảm đạm. Trên các sàn giao dịch, dân chơi chứng khoán tỏ rõ sự e dè trong từng tờ giấy lệnh. Nhà đầu tư bất động sản thì chán nản, tìm lối thoát sau phát pháo hạ giá vừa qua. Những người thích tranh thủ lướt lãi suất tiết kiệm không hài lòng với mức lãi suất cố định ở mức 14% hiện nay. Dân chơi vàng hoang mang với những thay đổi mới. Tất cả họ đang gặp nhau ở một điểm chung: có tiền không biết chơi gì sinh lãi, quay vòng vốn hiệu quả. Biết đầu tư vào gì khi hai tháng cuối năm tình hình được  dự báo không có gì tiến triển hơn?

Bất động sản: Chán nản

Thị trường bất động sản vài tuần qua có vẻ như được hâm nóng sau những đợt hạ giá nhà chung cư được các chủ đầu tư phát đi. Tuy nhiên, độ nóng chủ yếu là về PR, dư luận hay có chăng cũng chỉ là hỏi han về mặt bằng giá mới còn thực tế mua bán kinh doanh vẫn ảm đạm như thường.

Minh chứng rõ nét cho điều này là diễn biến tại buổi bốc thăm đấu giá lần đầu tiên 15 căn hộ tại dự án PetroVietNam Landmark của Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí. Buổi bốc thăm sáng 8/11 đã không thể diễn ra như dự kiến do quá vắng người mua. Tại thời điểm diễn ra việc bốc thăm, chỉ có 2 hồ sơ đăng ký mua, không đủ để tiến hành bốc thăm đấu giá.

Những người có nhu cầu mua nhà thực sự vẫn muốn chờ đợi thêm những đợt hạ giá tiếp theo để có thể mua được nhà với giá rẻ nhất có thể. Kỳ vọng này không phải khó xảy ra, khi mà nhiều doanh nghiệp BĐS đang chuẩn bị căng biển hạ giá theo chân Địa ốc Dầu khí. Họ khó có thể chịu đựng thêm sức ép đáo hạn trả nợ từ ngân hàng.

Gửi ngân hàng vẫn là cách tốt nhất khiến tiền sinh lời hiệu quả 

Trong khi đó, các nhà đầu tư thứ cấp đang lo lắng và cũng muốn bán ra cắt lỗ. Họ là những người đã mua lại các dự án từ chủ đầu tư với kỳ vọng bán lại cho người sử dụng để lướt sóng, thu lời ngắn hạn. Tuy nhiên, việc các chủ đầu tư hạ giá khiến họ không còn cơ hội này. Lỗ là rõ ràng và nhiều người đang tính chuyện chịu lỗ bán nhanh để tránh sa lầy một khi bất động sản ảm đạm hơn và tránh chịu chi phí vốn vay để đầu cơ.

Trong khi doanh nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp đang tính cách thoát thân thì người mua chưa muốn vội vã. Do vậy, theo dự báo của giới chuyên gia trong ngành, thị trường này vẫn ảm đạm và khó có thể sôi động được hơn trong thời điểm hai tháng còn lại của năm 2011.

Chứng khoán: Kẹt thanh khoản

Chính cú sốc trên thị trường BĐS vô hình chung lại là một tác nhân quan trọng khiến cho TTCK vốn đã chẳng sôi nổi gì lại càng thêm kém hấp dẫn trong thời gian này. Số lượng các công ty niêm yết có ngành nghề chính hoặc liên quan trực tiếp đến BĐS chiếm tỷ trọng khoảng hơn 30% trên hai sàn niêm yết HOSE và HNX, do vậy những ảnh hưởng tương ứng là hiển nhiên. TTCK trong tháng 10/2011 vì vậy đã diễn biến khá trầm lắng, thanh khoản khá èo uột.

Hai tháng còn lại, tình hình dự báo không có gì sáng sủa hơn cho TTCK Việt Nam.

"Sức ép tỷ giá sẽ lớn hơn khi thời điểm cuối năm đang gần kề. Ngoài ra, diễn biến thị trường thế giới vẫn còn nhiều phức tạp nên khó có thể kỳ vọng vào sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, truyền thông nhiều tuần qua về tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng và thanh khoản của công ty chứng khoán sẽ ít nhiều ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. Mức độ giảm lãi suất cũng không đủ mạnh để có thể thu hút thêm dòng tiền mới cho thị trường ngay trong tháng 11/2011", báo cáo Chiến lược đầu tư của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) có đoạn viết.

Hơn nữa, với tình hình hiện tại, với tình hình kinh tế còn khó khăn, lãi suất vay vẫn cao và đầu ra đang bị thu hẹp, dự báo kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp khó có thể có đột biến để có thể hấp dẫn các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu.

Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho rằng, dòng tiền vào TTCK sẽ không thể duy trì bền vững và khó có sự cải thiện đột biến đồng thời khuyến nghị các nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt với tỉ lệ cao hơn cổ phiếu.

Trong bản báo cáo của mình, Công ty Chứng khoán Ocean Bank (OCS) cũng chia sẻ quan điểm trên khi cho rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn vào trong hai tháng cuối năm 2011 và đầu quý I/2012. Các chuyên gia của công ty này dự báo VnIndex sẽ đạt mức xung quanh 400 điểm ở thời điểm cuối năm.

Chốt phiên cuối tháng, VN-Index còn 420,81 điểm, giảm so với mức 422,12 điểm của phiên đầu tháng. Quan trọng hơn, thanh khoản bình quân một phiên toàn thị trường chỉ đạt xấp xỉ 445 tỷ đồng trên HOSE và gần 317 tỷ trên HNX, giảm gần 50% so với mức bình quân của tháng 9 (trung bình mỗi phiên trong tháng 9 giao dịch đạt 866 tỷ đồng trên HOSE và 605 tỷ trên HNX). Những ngày đầu tháng 11, giao dịch vẫn ảm đạm và thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc gì hơn tháng 9 vừa qua.

Với quan điểm, thị trường có thể lên, có thể xuống, miễn là có giao dịch sôi động thì dân chơi chứng khoán có thể hào hứng ra vào thị trường. Còn khi chợ vắng ngày cuối năm, cơ hội không có nhiều để dân chơi lướt sóng.

Vàng: Bất an

Trong bối cảnh các kênh rủi ro cao như chứng khoán hay bất động sản đều không còn hấp dẫn như vậy, lẽ thường, nhà đầu tư chọn gia tăng nắm giữ tiền mặt và các tài sản cất trữ giá trị có tính thanh khoản cao. Tất nhiên, đại diện ưu tú nhất của trường phái đầu tư này là vàng.

Không thể phủ nhận vàng vẫn là giải pháp khá an toàn cho các nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, với những biến động liên tục, nhất là về chính sách, trên thị trường vàng thời gian qua, nhà đầu tư cũng chưa hẳn đã yên tâm.

Việc NHNN can thiệp sâu để hạ nhiệt thị trường vàng trong những thời điểm sốt khiến biên độ biến động giá không còn cao như kỳ vọng của dân lướt sóng vàng. Thay vào đó, tính bất ngờ của giá vàng trong nước lại trở nên khó đoán hơn. Bên cạnh việc bán vàng bình ổn, NHNN cũng đưa ra các yêu cầu về kiểm soát cho vay, cầm cố, thế chấp bằng vàng. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay để mua vàng. Thị trường có thể ổn định hơn theo sự điều chỉnh của bàn tay hữu hình. Tuy nhiên, điều đó cũng làm tính hấp dẫn của kênh này phần nào giảm bớt, nhất là trong mắt giới đầu cơ muốn đánh nhanh thắng nhanh.

Vào lúc này, dân lướt sóng vàng lại nhớ tới những ngày giao dịch vàng qua tài khoản với nhịp độ biến động tương tự thị trường thế giới. Với việc chơi vàng qua tài khoản, ít nhất họ không phải chịu cảnh mua cao - bán thấp do cách ấn định giá của doanh nghiệp vàng. Và họ chỉ cần theo dõi biến động chung của thế giới thay vì phải phấp phỏng dõi theo các động thái bất ngờ từ cơ quan quản lý thị trường trong nước.

Lãi ngân hàng: Kịch khung, hết hấp dẫn

Chỉ mới vài tháng trước, người gửi tiền tiết kiệm ngoài việc nhận lãi suất 14% như quy định thì còn có thể thương lượng, nhận ngoài khoản phụ trội. Tính tổng lãi nhận về, có trường hợp xấp xỉ 20%. Nay chuyện đã khác hẳn. NHNN nghiêm khắc ép các ngân hàng thương mại tuân thủ trần 14%. Một số trường hợp phá rào bị xử lý thẳng tay. Do vậy, người gửi tiền hiện nay chỉ nhận được lãi suất đúng quy định, không quá 14%.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tính tới tháng 10.2011 đã tăng 17,05% so với tháng 12.2010. Lãi suất không còn cao, trừ lạm phát thì lãi suất nhận được thực sự thấp, rõ ràng là không đủ hấp dẫn người có tiền. Dự kiến lạm phát trong chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%, theo mức đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 vừa được thông qua tại phiên họp sáng 9/11.

Tuy nhiên, lạm phát được chính phủ tìm cách hạ thấp là để tạo điều kiện giảm lãi suất ngân hàng, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn kinh doanh dễ dàng hơn. Nói cách khác, mức lãi suất thực mà người gửi tiền nhận được cũng sẽ không cao. Người gửi tiền tới với nhà băng chẳng qua vì không còn lựa chọn đầu tư khác, và cũng chỉ là để gửi trong lúc chờ đợi cơ hội mới.

Phía trước chưa sáng sủa cho giới đầu tư ở các kênh chủ chốt trên thị trường tài chính. Vẫn có những người hy vọng vào một sự khởi sắc trong những tháng cuối năm. Những người này lập luận rằng lạm phát của Việt Nam đang có chiều hướng giảm, các chính sách của chính phủ đã đủ thấm vào thị trường, hoặc kỳ vọng tình hình nợ công châu Âu sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khó có thể kỳ vọng một sân chơi khởi sắc hơn cho giới đầu tư khi mà tình hình thế giới đang diễn biến xấu trong khi bản thân kinh tế Việt Nam cũng không có gì đặc biệt để có thể đi ngược dòng lúc này.

Nhìn chung, thị trường những ngày tháng cuối năm không có nhiều đất cho những nhà đầu tư, đặc biệt là giới đầu tư tài chính, vốn ưa thích quay vòng vốn nhanh và thu lãi theo từng nhịp lên xuống của các thị trường. Với dân đầu cơ lướt sóng ngắn hạn, cơ hội càng hiếm hơn.

Giải pháp cho họ lúc này có lẽ là, chọn kênh ít xấu nhất trong bối cảnh các sân chơi chính đều đồng loạt u ám như hiện nay.

"Theo tôi, tùy khẩu vị từng người để chọn kênh đầu tư cho mình. Trong bối cảnh hiện nay, gửi tiền vào ngân hàng có lẽ là giải pháp tốt nhất có thể, khi các kênh còn lại đều không hứa hẹn lợi nhuận cao trong khi rủi ro lại cao", chuyên gia kinh tế Bùi Văn, nguyên Phó Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam, nhận định.

Hồng Quý

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 21-25/11 (21/11/2011)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: ‘Chưa cần nới tín dụng bất động sản’ (20/11/2011)

>   21/11: Bản tin đầu tuần (21/11/2011)

>   Trả giá vì đầu cơ (20/11/2011)

>   Chứng khoán thời... “của nợ” (19/11/2011)

>   TTCK chờ cuộc "đại phẫu" bắt đầu từ 2012 (19/11/2011)

>   AVS khởi động chương trình mua cổ phiếu lẻ (18/11/2011)

>   Tuần qua, khối ngoại bán ròng 122 tỷ đồng trên HOSE (18/11/2011)

>   Chứng khoán chưa thể lạc quan với chính sách tiền tệ (18/11/2011)

>   Khi nhà đầu tư dần rơi rụng (18/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật