Thứ Tư, 09/11/2011 09:22

Thái Lan lũ lụt, vốn có 'chảy' sang Việt Nam?

Thảm họa lũ lụt tại Thái Lan đã khiến nhiều nhà máy sản xuất điện tử, ô tô của các tập đoàn hàng đầu thế giới đặt tại nước này bị đình trệ và phải tìm bến đỗ mới để thay thế. Nhưng với nền CN hỗ trợ èo uột, liệu Việt Nam có cơ may được "để mắt" tới?

Thái Lan từ lâu đã trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp chính của châu Á. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã tập trung đầu tư vào Thái Lan với số vốn lớn để sản xuất những linh kiện, sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà cho toàn thế giới.

Thảm họa lũ lụt kéo dài tại Thái Lan đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các DN đặt nhà máy sản xuất tại nước này. Nhiều nhà máy ngập chìm trong nước khiến cho sản xuất đình đốn, dẫn đến nguồn cung cấp linh kiện, sản phẩm bị gián đoạn, nhiều DN trên toàn thế giới đã phải phải cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngành công nghiệp quan trọng như điện tử và ôtô.

Thái Lan là quốc gia sản xuất ổ cứng (HDD) lớn thứ hai thế giới, cung cấp tới 40% sản lượng các thiết bị này trên phạm vi toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Các hãng sản xuất ổ cứng lớn như Western Digital, Seagate, Toshiba, Hitachi... đều bị ảnh hưởng nặng nề do trận lũ lụt đang hoành hành tại nhiều tỉnh của Thái Lan.

Western Digital đã phải đóng cửa hai nhà máy tại Thái Lan từ giữa tháng 10/2011, Toshiba cũng đã phải đóng cửa cả 9 nhà máy tại khu công nghiệp Bangkadi, nơi sản xuất thiết bị gia dụng, chip bán dẫn, bóng đèn và một nhà máy sản xuất ổ cứng tại Navanakorn bởi chúng nằm ở hai tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt.

Công ty tư vấn công nghệ IHS iSuppli dự báo, thị trường các thiết bị ổ cứng lưu trữ dữ liệu sẽ giảm khoảng 30% trong ba tháng cuối năm 2011 vì trận lụt lần này ở Thái Lan.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra đối với các hãng xe hơi lớn. Nissan cho biết họ buộc phải ngừng hoạt động nhà máy tại Samut Prakan, nơi sản xuất các dòng xe Frontier, Navara, Teana, Tiida và Almera.  Toyota, Honda, Isuzu, Mitsubishi, Ford, Mazda... cũng đều phải đóng cửa nhà máy.

Ford Motor cho biết, tính đến thời điểm này, hãng đã sản xuất chậm 17.000 sản phẩm so với kế hoạch và tổng thiệt hại về sản lượng có thể lên đến con số 30.000 chiếc do thiếu nguồn cung cấp linh kiện từ Thái Lan.

Do không có nguồn cung cấp linh kiện từ Thái Lan mà Honda Nhật Bản đã ra thông báo giảm sản lượng xuống 50% tại Mỹ và Canada cũng như dừng sản xuất tại nhà máy ở Philippines. Toyota cũng vậy, phải cắt giảm sản lượng ô tô ở nhiều thị trường trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo rằng, sau trận lụt lịch sử này, sẽ có một làn sóng chuyển dịch đầu tư sang các quốc gia khác. Bị dính đòn đau do quá phụ thuộc vào Thái Lan, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ xem xét lại việc có tiếp tục đầu tư thật nhiều vào đây hay không. Câu nói bất hủ: "Không bỏ tất cả trứng vào 1 giỏ" lại trở nên đúng hơn bao giờ hết và để phân tán rủi ro thì cần chuyển dịch đầu tư.

Tuy nhiên, dự báo có chính xác, thì làn sóng này chắc cũng không lan tới Việt Nam, nhất là với 2 ngành công nghiệp ôtô và điện tử.

Điều khiến các hãng ô tô, điện tử lớn trên thế giới không muốn "bỏ trứng" vào Việt Nam chính là ngành công nghiệp hỗ trợ quá yếu kém. Các DN không tìm kiếm được nhà cung cấp linh kiện ngay tại chỗ kể từ chiếc ốc vít, vì vậy có đầu tư vào Việt Nam thì cũng phải nhập linh kiện từ Thái lan, Trung Quốc, Malaysia hay Indonesia...

Vì vậy khi lựa chọn địa điểm đầu tư, Việt Nam thường không được ưu tiên hàng đầu. Nhiều tập đoàn ô tô cho biết nếu không đầu tư vào Thái Lan thì cũng sẽ là các nước như Malaysia, Indonesia hay Philippines, ở đó công nghiệp hỗ trợ phát triển hơn và việc tìm kiếm nhà cung cấp không khó khăn như tại Việt Nam.

Công ty Ford Motor sau khi tìm địa điểm đầu tư nhà máy sản xuất động cơ ô tô với vốn  450 triệu USD tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã quyết định đầu tư vào Philippines bởi ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển hơn cùng với đó là các chính sách ưu đãi tốt hơn.

Hơn 10 năm trước, Việt Nam cũng đã được Ford Motor chọn là những điểm đầu tư mới ở khu vực châu Á. Tuy nhiên đến nay, tại Việt Nam, Ford chỉ có một nhà máy với vốn đầu tư 102 triệu USD và đến 2007 mới đầu tư tiếp 10 triệu USD. Các kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới của Ford tại Việt Nam còn khiêm tốn hơn nữa, chỉ vài triệu USD.

Toyota mới đây đã đầu tư 250 triệu USD để mở rộng nhà máy tại Indonesia để phát triển các sản phẩm ô tô cung cấp cho khu vực, trong đó có mẫu xe Innova, còn tại Việt Nam, sau 15 năm hoạt động, Toyota chỉ đầu tư cỡ 100 triệu USD.

Trước đây, Toyota đã từng có kế hoạch phát triển dòng xe Innova tại Việt Nam với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và xuất khẩu. Tuy nhiên, do liên tục thay đổi chính sách và hạn chế tiêu dùng ô tô đã khiến cho nhà đầu tư này nản lòng.

Cũng tương tự như vậy là ngành công nghiệp điện tử. Việt Nam hiện chỉ có lắp ráp giản đơn, linh kiện sản xuất được không có gì ngoài vỏ hộp carton, xốp chèn... nhà cung cấp không có, vì vậy chỉ với lợi thế nhân công giá rẻ, chưa đủ để thu hút đầu tư vào sản xuất chip hay ổ cứng.

So với các quốc gia như Malaysia, Philippines, thì ngành công nghiệp điện tử phát triển rất mạnh, có nhiều nhà cung cấp linh kiện cũng như có doanh thu lớn về xuất khẩu sản phẩm, linh kiện điện tử. Vì vậy lựa chọn đầu tư vào các quốc gia này chắc chắn thuận lợi hơn vào Việt Nam.

Có thể nói, Việt Nam đã bị các nước trong khu vực bỏ xa rất nhiều và đang bỏ lỡ thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp quan trọng.

 Trần Thủy

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Luật Đầu tư đang cản trở môi trường kinh doanh (09/11/2011)

>   Chủ dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm “mất tích” (09/11/2011)

>   Quốc hội 'giục' Chính phủ lập đề án tái cơ cấu kinh tế (08/11/2011)

>   Quốc hội “chốt” chỉ tiêu CPI từ 5 -7% vào 2015 (08/11/2011)

>   Đón làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc (08/11/2011)

>   Công ty FDI báo lỗ: Không phải 'cá mè một lứa' (08/11/2011)

>   Siết không muốn buông, đòi chẳng muốn trả (07/11/2011)

>   'Chưa hẳn vay tiền mua voi dễ vỡ nợ hơn mua chuột' (07/11/2011)

>   Phú Yên thu hồi 8 dự án không đóng tiền ký quỹ (07/11/2011)

>   Thu hồi dự án “tỷ đô” tại Vũng Tàu (07/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật