Công ty FDI báo lỗ: Không phải 'cá mè một lứa'
Gần đây, rộ lên chuyện các doanh nghiệp FDI báo lỗ - như vậy, rõ ràng là các DN này đã không thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, trong câu chuyện đó, cũng không nên đổ đồng, đánh giá kiểu "cá mè một lứa".
Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không ngừng tăng. Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam để sản xuất, kinh doanh được coi là một tín hiệu tốt, góp phần giải quyết số lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động; tác động mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Những vấn đề nổi cộm của FDI
Tuy nhiên, xem xét các yếu tố của chất lượng đầu tư, có thể thấy đầu tư nước ngoài vào nước ta trong thời gian gần đây chứa đựng một số rủi ro rất đáng lưu tâm.
Đó là: (i) nguy cơ "thổi phồng" về vốn và lợi nhuận; (ii) nguy cơ yêu cầu quá lớn về nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đất đai; (iii) nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; (iv) nguy cơ không phù hợp với quy hoạch phát triển gây mất cân đối về cơ cấu trong quá trình phát triển lâu dài của đất nước; (v) nguy cơ sử dụng công nghệ lạc lậu; (vi) nguy cơ "rút vốn" của khu vực kinh tế tư nhân trong nước; và (vii) nguy cơ gây thiếu hụt ngoại tệ và rủi ro tỷ giá trong tương lai.
Đặc biệt, vấn đề doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ đã được nói tới nhiều song vẫn chưa có biện pháp xử lý. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính đối với 90 doanh nghiệp FDI tại 10 địa phương trên cả nước mới đây cho thấy: gần 90% số doanh nghiệp FDI này "bị" lỗ liên tiếp 3 năm 2007-2009, trong đó, có không ít những tên tuổi đại gia trong các ngành bán lẻ, phân phối, may mặc, sản xuất xe máy, mỹ phẩm, đồ gia dụng...
|
Tới năm 2008, số doanh nghiệp lãi chỉ còn 2 đơn vị trên tổng số 79 doanh nghiệp thanh tra, đều thuộc TP.HCM. Năm 2009, số các doanh nghiệp lãi chỉ vỏn vẹn là 4 trên tổng số 70 doanh nghiệp và nằm tại Hà Nội và TP.HCM. Hai thành phố Hà Nội và TP.HCM có số doanh nghiệp thanh tra nhiều nhất cũng phát hiện, trên 90% là lỗ, như 18/19 doanh nghiệp ở Hà Nội và 18/21 doanh nghiệp ở TP.HCM. Số lỗ không phải là vài chục tỷ đồng mà là hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong khi thực tế các doanh nghiệp này vẫn dường như "sống khỏe", vẫn có những chương trình quảng cáo rầm rộ và mở rộng qui mô kinh doanh.
Báo cáo doanh nghiệp 2010 của VCCI cũng thống kê cho thấy, khu vực FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ thường lớn nhất so với khu vực doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, chiếm 30% ở tất cả các ngành và trong suốt các năm từ 2005-2009. Trong đó, ba ngành có tỷ lệ FDI thua lỗ chiếm trên 50% là sản xuất trang phục, viễn thông và xây dựng. Đặc biệt, năm 2007, ngành viễn thông FDI thua lỗ trên 80%.
Doanh nghiệp FDI và trách nhiệm xã hội
Khi báo lỗ như vậy, các doanh nghiệp FDI đã không thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội của mình. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đây được hiểu như tổng thể của trách nhiệm kinh tế (doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi), trách nhiệm pháp lý (doanh nghiệp phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật), trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm nhân văn.
Bên cạnh việc chuyển giá để báo lỗ không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, trong thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp FDI không chú ý đúng mức đến vấn đề an toàn lao động, nâng cao chất lượng đời sống công nhân, thậm chí còn "nhắm mắt" làm liều, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân ở nơi các doanh nghiệp hoạt động.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng trên? Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm xã hội của các chủ doanh nghiệp còn thấp, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà quên những hậu quả mà mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho xã hội. Doanh nghiệp FDI thường được coi là có mục tiêu tận thu tài nguyên, bóc lột nhân công giá rẻ bởi vậy nên lơ là trách nhiệm xã hội là đương nhiên. Các doanh nghiệp FDI đưa ra slogan "Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương" nhưng slogan này thường bị áp dụng theo hướng tiêu cực.
Với nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam thì các doanh nghiệp đa phần ở quy mô vừa và nhỏ nên việc áp dụng và thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa được chú trọng và quan tâm. Các doanh nghiệp Việt Nam thường tiếp thu hình mẫu, kinh nghiệm của doanh nghiệp FDI trong quản lý, tổ chức sản xuất nhưng nếu việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp FDI như vậy, sẽ có rất nhiều điều cần suy nghĩ.
Bên cạnh đó cũng phải thấy lâu nay đang có sự đổ đồng, đánh giá kiểu "cá mè một lứa" về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm xã hội cũng được nhìn nhận như doanh nghiệp làm không tốt công tác này bởi chưa có các biện pháp thiết thực, cụ thể để khích lệ các doanh nghiệp đề cao trách nhiệm xã hội, hoặc chỉ quan tâm đến xử phạt các sai phạm chứ chưa đặt vấn đề khen thưởng, tôn vinh đối với các doanh nghiệp FDI có trách nhiệm với xã hội, tích cực đóng góp cho sự phát triển cộng đồng, bảo đảm an ninh an toàn và môi trường... ở địa phương.
Việc tôn vinh các doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh hiệu quả, có nhiều đóng góp cho xã hội chúng ta đã làm, nhưng tôn vinh các doanh nghiệp FDI thì chưa được quan tâm đúng mức. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây tổ chức Lễ trao giải thưởng "Trách nhiệm xã hội" dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam có thể xem là một hướng mới, mang nhiều ý nghĩa trong đề cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc. Việc làm này cần được mở ra với mọi doanh nghiệp FDI chứ không chỉ bó hẹp trong các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ thì các doanh nghiệp FDI được nêu tên trong Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất - Bảng xếp hạng do Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam và Báo VietNamNet công bố hàng năm - chắc chắn sẽ cần được tôn vinh, được tưởng thưởng xứng đáng cả về tinh thần lẫn những chính sách khích lệ vật chất cụ thể.
Chúng ta đang sống trong thời đại của những thay đổi, của sự phát triển thị trường tự do và toàn cầu hóa nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp đang được viết lại. Mặc dù có thể hiểu và chấp nhận động cơ lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng cần hoạt động hướng tới sự tăng trưởng của cả công ty lẫn cộng đồng. Các doanh nghiệp và đặc biệt doanh nghiệp FDI cần thấy rõ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội là tham gia đóng góp vào giải quyết những vấn đề của cộng đồng, qua đó nâng cao uy tín, giảm rủi ro và chi phí, duy trì tăng trưởng dài hạn và gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Vào ngày 22/11/2011 tới đây, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lê công bố Bảng xếp hạng Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2011 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Lễ công bố là sự kiện thường niên của Vietnam Report nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tuân thủ luật pháp, chính sách về thuế và đóng góp thuế thu nhập lớn cho ngân sách quốc gia.
TS. Phạm Trí Hùng
Diễn đàn kinh tế Việt nam
|