Thứ Hai, 07/11/2011 17:26

Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước

Siết không muốn buông, đòi chẳng muốn trả

Một trong những yêu cầu của việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay là phải cơ cấu danh mục đầu tư, hạn chế đầu tư tràn lan. Do vậy, việc siết chặt đầu tư và phân phối lợi nhuận là hai điểm nhấn tại dự thảo Nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp.

Thế nhưng, việc này có dễ thực hiện? Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn mạnh nại lý do để né tránh. Đằng sau nó là câu chuyện lợi ích.

Siết vẫn không muốn buông

Theo VNPT, nếu xét vào hiệu quả thì khoản đầu tư vào ngân hàng Hàng hải của VNPT đang đem lại lợi nhuận rất lớn cho tập đoàn. Ảnh có tính minh hoạ.

Theo dự thảo, mức vốn đầu tư vào từng lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Đại diện tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng: đã đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm thì cần phải ở một mức độ đủ để kiểm soát. Ví dụ, VNPT chỉ đầu tư vào ngân hàng Hàng Hải thôi, và ngân hàng Hàng Hải đang hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, do sức ép thoái vốn đầu tư trái ngành nên qua hai đợt tăng vốn vừa rồi, VNPT đều không được phép tăng vốn điều lệ và phải giảm dần từ 20% xuống còn 15%. Hiện chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này vẫn là người của VNPT cử, đang làm theo nhiệm kỳ nhưng nếu bầu lại theo tỷ lệ vốn thì vị chủ tịch này sẽ phải rời bỏ vị trí, như thế VNPT sẽ mất kiểm soát. Thực tế, nếu xét vào hiệu quả thì khoản đầu tư này của VNPT đang đem lại lợi nhuận rất lớn cho tập đoàn, lớn hơn hiệu quả từ một số doanh nghiệp con xây lắp trong tập đoàn.

Ông Trần Long An, trưởng ban kiểm soát tổng công ty Xăng dầu Việt Nam cho rằng đã đầu tư (ra ngoài ngành – PV) thì phải ra tấm, ra món, đủ độ để cầm trịch, chỉ đạo…, để chủ động trong kinh doanh. Quy định mức 10% như dự thảo quá ít, nên chăng là 15%? Ông An còn đưa ra một lý do khác: một số trường hợp đầu tư không phải vì lợi nhuận, mà để phục vụ cơ chế, định chế tài chính cho chính doanh nghiệp đó. Chẳng hạn, doanh nghiệp của ông đang đầu tư vào một ngân hàng liên doanh với Ấn Độ để hỗ trợ trong việc nhập khẩu xăng dầu. Và hiện ngân hàng này đang sinh lãi rất tốt.

Ở khía cạnh quyền quyết định đầu tư, theo ông An, quy định hội đồng thành viên chỉ được quyền quyết định đầu tư đến 50% vốn điều lệ là quá thấp. Trừ tập đoàn Dầu khí, VNPT… đối với những DNNN còn lại, 50% vốn là không lớn, quy định như thế là chặt chẽ quá. Ông đề nghị cần “mở” tỷ lệ này lên không quá 80% vốn điều lệ. Đồng thời, nên quy định rằng doanh nghiệp chỉ phải buộc xin ý kiến khi đầu tư trái ngành, với ngành nghề chính nếu chờ xin ý kiến thì e rằng sẽ mất cơ hội.

Cục Tài chính doanh nghiệp, bộ Tài chính: buộc các DNNN trích 50% lợi nhuận còn lại là để đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; hạn chế tình trạng thất thoát vốn. Nhà nước chính là chủ sở hữu, là nhà đầu tư, đầu tư sinh lợi thì phải được chia lợi nhuận.

Các tập đoàn, tổng công ty: như vậy không khuyến khích doanh nghiệp làm ăn có lãi, nộp về thì dễ và khi cần xin lại rất khó; tiền bổ sung vào vốn điều lệ của doanh nghiệp ít, sự phát triển của doanh nghiệp rất chậm chạp...

Đồng tình với đề nghị này, đại diện VNPT bổ sung, với các tập đoàn, tổng công ty, nếu phải xin ý kiến chủ sở hữu tức là xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mà Thủ tướng thì lại chờ ý kiến của các bộ ngành nên dễ chậm mất cơ hội kinh doanh.

Cũng xuất phát từ việc lo ngại thắt chặt đầu tư trái ngành, ông Trịnh Công Loan, tổng công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam nêu quan điểm: việc giảm vốn đầu tư ngoài ngành cần có lộ trình. Ông lấy ví dụ từ công ty Tài chính của tổng công ty mình: lúc thành lập có vốn điều lệ 600 tỉ đồng, tỷ lệ góp vốn (chủ yếu trái ngành) của các đơn vị khác thường là 30% vốn điều lệ, như của tổng công ty Thép, ngân hàng Ngoại thương… Nếu các đối tác đồng loạt rút vốn về thì số phận các công ty tài chính sẽ thế nào? Đây cũng là tình trạng chung của các công ty tài chính hiện nay.

Không muốn nộp lại 50% lợi nhuận

Cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính) – đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định cho biết: dự thảo đã bỏ quy định cũ về phân phối lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ vốn của nhà nước đầu tư và vốn doanh nghiệp tự huy động. Dự thảo bổ sung nội dung: các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bù lỗ các năm trước (nếu có), trích lập quỹ dự phòng tài chính, trích lập quỹ đặc biệt (đối với doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước quy định), lợi nhuận còn lại phải… chuyển nộp 50% về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương do tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. 50% kia được đưa vào các quỹ tại doanh nghiệp.

Lãnh đạo cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, sở dĩ quy định như vậy là để đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Vì theo nguyên tắc, toàn bộ lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp là thuộc quyền phân phối của chủ sở hữu. Mặt khác, trong trường hợp này, Nhà nước chính là nhà đầu tư, mà đầu tư sinh lợi thì phải được chia lợi nhuận. Việc thu lại một phần lợi nhuận cũng là để tạo sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác đồng thời để hạn chế tình trạng sẵn vốn trong tay khó kiềm chế, dẫn đến tình trạng thất thoát vốn nhà nước như hiện nay.

Nhiều lãnh đạo DNNN và các địa phương vẫn còn ý kiến khác về dự thảo nghị định này. Ông Lê Xuân – chủ tịch hội đồng thành viên, tổng công ty Vật tư nông nghiệp Việt Nam cho rằng buộc các DNNN trích 50% lợi nhuận còn lại không khuyến khích doanh nghiệp làm ăn có lãi. Theo ông Xuân, DNNN dù có được bổ sung bao nhiêu vốn thì vẫn là vốn của Nhà nước chứ không phải của doanh nghiệp. Do vậy, số vốn này nên để lại doanh nghiệp để tăng vốn chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đồng tình với ý kiến ông Xuân, bà Lê Thị Loan, phó giám đốc sở Tài chính Hà Nội cho rằng không nên chuyển lợi nhuận về SCIC vì nộp về thì dễ mà khi cần xin lại rất khó. Bà Loan dẫn chứng: “Khi cổ phần hoá một số doanh nghiệp, chúng tôi đã bàn giao phần vốn thu được về SCIC nhưng khi một số DNNN trên địa bàn Hà Nội cần tăng vốn điều lệ thì làm tờ xin bổ sung gần một năm vẫn chưa được chấp thuận, mặc dù việc tăng vốn đó là theo quy định chung của Chính phủ đối với doanh nghiệp công ích”. Theo bà, nên có quỹ phát triển doanh nghiệp riêng ở các địa phương để tăng tính chủ động, tránh cơ chế xin – cho.

Bà Mai Thị Lan Phương, kế toán trưởng tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thì cho rằng, việc trích lập này có một số điểm bất hợp lý. “Nếu nguồn bổ sung vào vốn điều lệ tại doanh nghiệp chỉ có từ quỹ đầu tư phát triển thì sự phát triển của doanh nghiệp rất chậm chạp, hầu như không có, thậm chí đi xuống trong tình hình lạm phát”, bà Phương lập luận. Bà ví dụ, một doanh nghiệp bình thường có lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 28%. Sau khi trích dự phòng tài chính 10%, còn lại 18%. Nộp 50% lợi nhuận về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp thì còn lại 9%. Số này trích 30% vào quỹ đầu tư phát triển và sử dụng toàn bộ để bổ sung vốn điều lệ trong khi lạm phát của năm 2011 được dự báo trên 18% thì về thực chất là doanh nghiệp tăng trưởng ngày càng âm. Từ đó, bà Phương kiến nghị giữ khoản lợi nhuận này tại doanh nghiệp.

Trương Minh Tình

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   'Chưa hẳn vay tiền mua voi dễ vỡ nợ hơn mua chuột' (07/11/2011)

>   Phú Yên thu hồi 8 dự án không đóng tiền ký quỹ (07/11/2011)

>   Thu hồi dự án “tỷ đô” tại Vũng Tàu (07/11/2011)

>   Chữ “nếu” cho GDP (07/11/2011)

>   Trên hô cắt giảm, dưới vẫn tiêu tiền? (07/11/2011)

>   Việt Nam là điểm đến có khả năng sinh lời cao (04/11/2011)

>   DN châu Âu đầu tư hơn 2,3 tỷ USD vào Đồng Nai (04/11/2011)

>   Chính phủ họp thường kỳ tháng 10/2011 (04/11/2011)

>   CPI tháng 11 sẽ tiếp tục giảm tốc (04/11/2011)

>   Tạo kỷ luật chính sách tiền tệ, giảm tốc lạm phát (03/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật