NHNN sẽ quản lý thương hiệu SJC?
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó có thông tin thương hiệu vàng miếng SJC sẽ được NHNN quản lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Long, tổng giám đốc Công ty SJC, nói:
|
Nhiều thông tin cho rằng tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý thương hiệu vàng miếng SJC |
Sản xuất vàng miếng theo hạn mức
Theo dự thảo nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hoạt động sản xuất vàng miếng bị thu hẹp, NHNN chỉ cấp phép cho những DN có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên, chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trong ba năm gần nhất... Việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần, nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cũng được kiểm soát chặt chẽ. |
- Dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: một trong những điều kiện để doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng là phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm gần nhất. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng quy định trên sẽ tạo ra tình trạng độc quyền cho Công ty SJC vì vàng miếng SJC hiện chiếm hơn 90% thị phần cả nước. Tuy nhiên, theo tôi, tất cả mới chỉ dừng ở dạng dự thảo. Mọi việc sẽ rõ ràng khi Chính phủ ban hành nghị định chính thức. Hiện nay chưa có chủ trương nào ngăn cản sự lưu thông bình thường, hợp pháp của các thương hiệu vàng miếng khác.
* Nhưng rõ ràng lợi thế Công ty SJC sẽ tăng thêm vì tới đây SJC được độc quyền sản xuất vàng miếng?
- Tôi cho rằng không phải như vậy. Hiện nay vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn nhất do uy tín, lâu năm và được lưu thông rộng rãi nhờ hệ thống SJC cùng với hàng ngàn cửa hàng vàng tư nhân trên cả nước. Còn tới đây, khi phần lớn các cửa hàng vàng này không còn được phép kinh doanh vàng miếng, sự hiện diện của vàng miếng SJC chắc chắn sẽ bị thu hẹp. Từ đó kéo theo doanh số, lợi nhuận...của công ty cũng giảm theo.
Trong nền kinh tế thị trường không ai ủng hộ việc độc quyền. Hoạt động kinh doanh vàng miếng là hoạt động có tác động sâu rộng đến thị trường, tỉ giá, do vậy từng thời điểm cần có chính sách quản lý thích hợp. Dù bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nhưng vì lợi ích chung Công ty SJC hiểu và sẵn sàng chấp nhận bị thu hẹp hoạt động kinh doanh vàng miếng trong thời gian tới.
* Có thông tin cho rằng tới đây NHNN sẽ quản lý thương hiệu vàng miếng SJC?
- NHNN đã có hướng sử dụng thương hiệu SJC là thương hiệu quốc gia và thực hiện việc quản lý sản xuất kinh doanh vàng miếng thông qua thương hiệu này. Công ty SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Do vậy nếu có chủ trương nào thuộc về thương hiệu, tổ chức cũng đều phải thông qua ý kiến của UBND TP.HCM. Nếu NHNN có chủ trương sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC và được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, Công ty SJC sẽ chấp hành, đồng thời hợp tác với NHNN nhằm tạo sự chuyển đổi hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người sở hữu vàng miếng SJC và các thương hiệu khác.
* Sau khi dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng công bố, đã có tình trạng người sở hữu vàng miếng các thương hiệu khác bị ép giá khi bán?
- Tôi cho rằng xảy ra việc này là do tình trạng người sở hữu vàng miếng các thương hiệu khác nôn nóng muốn chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Để tránh người dân bị hoang mang, công tác thông tin của cơ quan quản lý nên nhanh hơn. Ngoài ra các chủ trương của NHNN cần được bàn thảo dứt điểm, sau đó đúc kết ý kiến để ban hành nghị định chính thức cũng như có thông tư hướng dẫn cụ thể.
* Với tư cách chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, theo ông, cần có lộ trình chuyển đổi thế nào để tránh làm xáo trộn thị trường?
- Theo tôi, quá trình chuyển đổi nên kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Cơ quan quản lý cũng cần lưu ý đến tập quán tích lũy vàng của người dân VN để có chính sách thích hợp. Đặc biệt phải xem việc giữ vàng là quyền chính đáng của người dân, và bất cứ giải pháp nào đưa ra cũng phải dựa trên cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp này.
Khâu xây dựng mạng lưới các điểm bán vàng cũng rất quan trọng, vì một khi NHNN đã công nhận quyền giữ vàng của người dân thì phải tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu sở hữu vàng được mua bán dễ dàng. Nếu không sẽ dẫn đến việc hình thành thị trường ngầm, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu vàng bất hợp pháp, ảnh hưởng xấu đến tỉ giá. Ngoài ra, có thể dẫn đến việc người dân phải sử dụng nguồn vàng trôi nổi, kém chất lượng. NHNN cần đưa ra giải pháp để huy động hiệu quả nguồn lực vàng trong dân, theo ước tính lên đến hàng chục tỉ USD. Đồng thời, nên nghiên cứu chính sách cho kinh doanh vàng tài khoản và phát hành chứng chỉ vàng để thay thế kinh doanh vàng vật chất.
* Khi NHNN thu hẹp các đầu mối kinh doanh vàng, người dân có nhu cầu sẽ mua vàng ở đâu?
- Theo tinh thần dự thảo, NHNN sẽ sử dụng hệ thống mạng lưới, chi nhánh của các NH thương mại để bán lẻ vàng miếng. Hiện nay các NH lớn như Agribank, Vietinbank, Vietcombank có mạng lưới rất rộng, chưa kể nhiều NH cổ phần cũng có mạng lưới lên đến vài trăm chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Ngoài ra các DN kinh doanh vàng đáp ứng đủ điều kiện cũng sẽ được tham gia bán vàng miếng. Công ty SJC cũng sẽ triển khai mở rộng mạng lưới của mình.
Sử dụng tối đa nguồn lực trong nước
Thống đốc NHNN vừa ký quyết định thành lập tổ xây dựng đề án sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường vàng, có nhiệm vụ xây dựng đề án để bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của thống đốc. Tổ trưởng tổ xây dựng đề án là ông Nguyễn Quang Huy, vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN. Các thành viên của tổ là đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, một số ngân hàng thương mại, công ty vàng bạc đá quý... |
Ánh Hồng thực hiện
tuổi trẻ
|