Thứ Sáu, 18/11/2011 18:57

Quản lý thị trường vàng thế nào?

Bài 1: Từ độc quyền nhóm đến độc quyền hoàn toàn

Xem vàng như ngoại tệ

Ngày 20-10, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thị trường dễ dàng nhận thấy các vi phạm trong giao dịch vàng phần lớn đều giống với các vi phạm trong giao dịch ngoại tệ. Đến khi NHNN trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chủ trương đồng nhất cách quản lý vàng và ngoại tệ (hay chính xác hơn là đô la Mỹ) xem ra đã rõ ràng.

Sản xuất vàng miếng là hoạt động có điều kiện và NHNN đã soạn dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng siết chặt các điều kiện này. Nếu như hiện nay có tám đơn vị được phép sản xuất vàng miếng thì theo dự thảo nói trên chỉ có SJC là nhà sản xuất vàng miếng duy nhất tại thị trường Việt Nam. NHNN thừa nhận là vàng miếng SJC hiện đang chiếm trên 90% thị phần, trong khi dự thảo lại qui định đơn vị phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong ba năm liên tiếp thì mới được thực hiện hoạt động này. Vậy là từ độc quyền nhóm sẽ trở thành độc quyền hoàn toàn.

Còn với kinh doanh vàng miếng, những điều kiện của dự thảo cũng sẽ loại khỏi cuộc chơi đa số doanh nghiệp, bởi không nhiều đơn vị đáp ứng được các yêu cầu có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng, có mạng lưới chi nhánh ít nhất ở ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Kèm với đó, việc mua bán vàng miếng sẽ chỉ được thực hiện ở các đơn vị được NHNN cấp phép.

Đối với sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, điều kiện có dễ dãi hơn nhưng cũng là những hoạt động kinh doanh có điều kiện. Và để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.

Như vậy, cung vàng sẽ vào khuôn khổ, đặc biệt sản xuất vàng miếng sẽ được quản lý tập trung theo một đầu mối duy nhất. Trong khi đó, ở khía cạnh nhu cầu, việc mua và nắm giữ vàng miếng của mọi đối tượng vẫn không bị hạn chế, chỉ cần mua bán ở các đơn vị được phép mà thôi.

Nhưng vàng không giống ngoại tệ

Không thể đồng nhất vàng và ngoại tệ, bởi đây là hai đối tượng rất khác nhau về nguồn gốc, luân chuyển và mục đích sử dụng.

Ở Việt Nam, nếu loại bỏ yếu tố đầu cơ thì cung cầu về vàng và ngoại tệ cũng rất khác nhau. Cầu ngoại tệ có thể do nhập khẩu, trả nợ nước ngoài, đi du lịch hay nhu cầu nắm giữ của người dân, trong khi cầu vàng chỉ đơn giản là để sở hữu một tài sản có tính an toàn cao trước những bất ổn. Trong khi đó, cung vàng ở Việt Nam chỉ có nguồn nhập khẩu (khai thác trong nước không đáng kể) và phải trả bằng một lượng ngoại tệ tương ứng, còn cung ngoại tệ có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như xuất khẩu, vay nước ngoài, đầu tư nước ngoài, kiều hối…

Vàng ở Việt Nam phổ biến hơn nhiều so với ngoại tệ nói chung và đô la Mỹ nói riêng. 70% dân số ở nông thôn có thể không cần đô la nhưng vàng là tài sản mà ai cũng muốn nắm giữ. Ngoại tệ trên thị trường tự do có thể chỉ giao dịch ở một vài thành phố lớn, thậm chí chỉ vài con đường ở các thành phố đó trong khi vàng thì không chợ nào không có.

Từ trước đến nay, người dân và Chính phủ vẫn xem vàng là một loại hàng hóa hơn là ngoại hối. Bằng chứng là chúng ta quản lý xuất nhập khẩu vàng như là hàng hóa thông thường, cũng có hạn ngạch, cũng tính giá trị vào trong kim ngạch xuất nhập khẩu, còn trong nước thì người dân được tự do mua bán mà không cần phải chứng minh mục đích sử dụng như ngoại tệ.

Mặc dù phổ biến hơn nhưng mức độ sử dụng vàng trong thanh toán ở Việt Nam ít hơn nhiều so với đô la Mỹ. Nếu có, thì vàng chỉ có thể dùng trong thanh toán tiền mua nhà, trong khi thị trường tràn ngập các loại hàng hóa được niêm yết và thanh toán bằng đô la Mỹ (chỉ mới có vài chuyển biến trong thời gian gần đây).

Với những phân tích trên, rõ ràng vàng và ngoại tệ có cơ chế luân chuyển trong nền kinh tế rất khác nhau và không có lý do gì để áp dụng cùng một cách quản lý. Phân tích cũng cho thấy rằng, ở Việt Nam cung vàng rất hạn chế song cầu vàng thì vô cùng. Trong khi đó, dự thảo Nghị định lại đi siết chặt nguồn cung mà không đả động gì tới nhu cầu. Đó có thể là căn nguyên của bất ổn.

Hạn chế nhu cầu bằng cách tiết giảm nguồn cung?

NHNN khi soạn dự thảo Nghị định cũng đã nhận định thị trường vàng biến động bất thường có nguyên nhân trước hết từ hoạt động đầu cơ. Nhưng đầu cơ có đất để hoạt động là xuất phát từ sự chậm trễ và/hoặc thiếu minh bạch thông tin, từ nguồn cung bị hạn chế hay từ những bất ổn của thị trường. Cũng theo NHNN, vàng miếng SJC đang tạo ra thế độc quyền tự nhiên do thị phần quá lớn. Vậy chỉ định SJC là đơn vị cung ứng duy nhất có phải là cách để hạn chế đầu cơ, để xóa bỏ độc quyền tự nhiên (bằng cách tạo ra độc quyền hoàn toàn)?

Hiện nay, ngoài SJC, các thương hiệu vàng miếng khác chưa tạo được niềm tin trên thị trường, nhưng đó không phải là lý do để xóa bỏ chúng.

NHNN cũng cho rằng: “Khi vàng miếng được mua bán tự do thì vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán nên khó quản lý”. Việc vàng được mua bán tự do và việc trở thành phương tiện thanh toán là không tương quan, hay chính xác là tương quan rất thấp, chưa nói vàng hiện được dùng trong thanh toán khá ít (như đã đề cập ở trên) thì không thể nói vàng đang là phương tiện thanh toán ở Việt Nam.

SJC được chỉ định để sản xuất vàng miếng, song sản xuất bao nhiêu phải theo hạn mức của NHNN. Không thể giải thích được NHNN sẽ dựa vào đâu để ấn định hạn mức này. Trong khi nhu cầu không bị hạn chế thì nguồn cung lại phụ thuộc vào ý chí của cơ quan quản lý. NHNN định hạn chế nhu cầu bằng cách tiết giảm nguồn cung?

Lê Duy Khánh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vàng hai giá, hệ lụy hay thành công của dự thảo Nghị định vàng? (18/11/2011)

>   Vàng trong nước giảm mạnh, rời xa mốc 46 triệu đồng (18/11/2011)

>   Vàng lao dốc gần 55 USD/oz, bạc chìm 6.9% (18/11/2011)

>   Vàng lậu nhái vàng thương hiệu (17/11/2011)

>   Năm 2011, các NHTW có thể mua vàng nhiều nhất trong 40 năm (17/11/2011)

>   Giá vàng trong nước nới rộng với thế giới (17/11/2011)

>   "Kinh doanh vàng miếng đi ngược lợi ích quốc gia" (17/11/2011)

>   Vàng giảm nhưng thoát khỏi mức thấp nhất trong phiên (17/11/2011)

>   Vàng tăng - giảm mạnh từ đầu giờ sáng (16/11/2011)

>   Vàng trồi sụt suốt phiên và nhích nhẹ qua mốc 1,780 USD/oz (16/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật