Quản lý thị trường vàng thế nào?
Bài 2: Quản lý vàng như quản lý ngoại tệ
NHNN cho biết hiện nay vàng miếng thương hiệu SJC chiếm lĩnh 90% thị trường vàng. Con số ước tính này có thể còn chênh lệch theo hướng cao hơn so với thực tế. Trong nhiều năm qua các thương hiệu vàng miếng khác Phượng Hoàng, Rồng Vàng, AAA, Bông Lúa… tuy vẫn tồn tại nhưng không giao dịch bao nhiêu.
* Bài 1: Từ độc quyền nhóm đến độc quyền hoàn toàn
Không quá khó khăn để NHNN nắm được một cách chính xác và công bố công khai số liệu sản xuất, tiêu thụ của mỗi loại vàng miếng. Số liệu đó là cơ sở thuyết phục tốt nhất với những ai còn nghi ngờ về độ phổ biến của các nhãn hiệu vàng. Các đơn vị sản xuất đều có số liệu về số lượng vàng miếng họ đã chế tác từng tháng, từng năm. Các nhãn hiệu vàng này đều được giao dịch chủ yếu giữa nhà sản xuất và người sở hữu, chứ không phải giữa các công ty, tiệm vàng và khách hàng với nhau. Nếu bạn vào một cửa hàng vàng của Công ty vàng bạc đá quí Sacombank để hỏi mua hoặc bán vàng miếng Bông Lúa (thương hiệu vàng miếng cũ của ACB), bạn có thể sẽ không mua hoặc bán được.
Vì sao như vậy? Trước hết là vì các loại vàng miếng nói trên không phổ biến. Chúng không phổ biến vì không được nhiều người biết đến. So với SJC, thâm niên của những loại vàng miếng kia thấp hơn nhiều. Quan trọng hơn, người tiêu dùng không nắm rõ chất lượng của những thương hiệu vàng miếng còn lại ngoài SJC dù tất cả đều được ghi trên bao bì bốn số chín. SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất, lâu đời nhất và nhà nước 100%. Những yếu tố đó đủ nặng ký để đảm bảo cho sự được chấp nhận của vàng miếng SJC nơi người dân vốn vẫn còn mang nặng tâm lý nhà nước hay quốc doanh. Đúng ra, từ xưa đến nay chưa có một tổ chức thanh tra, kiểm tra nào chất lượng các nhãn hiệu vàng miếng. Người mua vàng không thể tự nhận biết chất lượng vàng. Họ chỉ biết nhìn vào nhãn hiệu để mua và loại họ đang mua, đang bán là SJC.
Đã từng có ngân hàng có ý tưởng liên kết với một thương hiệu vàng nổi tiếng của Thụy Sĩ để sản xuất vàng miếng ở Việt Nam nhưng không thành công. Một phần bởi người nước ngoài không được tham gia kinh doanh vàng miếng. Phần khác mỗi nhãn hiệu đều cần thời gian để chinh phục người tiêu dùng. Không giống như các loại hàng ngoại, nhãn hiệu vàng miếng nước ngoài chưa thể được tin dùng ở Việt Nam.
Điều đáng nói thứ hai là đa số các nhà sản xuất vàng miếng đều có doanh số giao dịch vàng miếng SJC nhiều hơn vàng miếng nhãn hiệu của chính họ. Trên các bảng niêm yết giá hàng ngày phát đi từ trụ sở của những công ty này, bao giờ cũng có giá vàng miếng của họ và giá vàng SJC. Khi các tiệm vàng hay đầu mối, đại lý vàng giao dịch với nhau, vàng SJC là duy nhất. Trong kho các ngân hàng nơi đang trữ khoảng 100 tấn vàng, cũng là vàng SJC. Trừ một số ít ngân hàng có liên quan đến nhà sản xuất vàng miếng các loại khác, còn hầu hết các tổ chức tín dụng huy động, cho vay, nhận thế chấp, cầm cố một loại vàng SJC.
Trên thực tế, sản xuất và tiêu thụ các loại vàng miếng khác không giúp các đơn vị chế tác có đủ lợi nhuận bù đắp chi phí đầu tư máy móc, dây chuyển thiết bị, xây dựng hệ thống phân phối bán sỉ và bán lẻ. Tuy nhiên, họ vẫn giữ thương hiệu vàng đó cho công tác tiếp thị, quảng bá tên tuổi doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động thương mại.
Với chủ trương lâu dài đã được xác định tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng, và vàng phải được quản lý như ngoại tệ, có thể đưa vào cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc gia, mục tiêu giữ lại một đầu mối sản xuất vàng miếng SJC là điều phải đi đến. Từ một đầu mối này Nhà nước có thể kiểm soát vàng nhập lậu bằng cách chỉ cho chế tác thành vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu nhập chính thức. Đồng thời Nhà nước có thể điều tiết ở mức hợp lý lượng vàng chế tác theo cung cầu thị trường từng giai đoạn. Chẳng hạn nếu lượng vàng Nhà nước huy động được từ dân lớn, đủ sức can thiệp thị trường khi nóng - lạnh, thì không nhất thiết phải sản xuất thêm vàng miếng hoặc ngược lại.
Sâu xa hơn, vàng đang là phương tiện thanh toán, tích lũy, cạnh tranh trực tiếp với các chức năng của tiền đồng. Nó không phải là thứ hàng hóa thông thường, có thể kinh doanh tự do với bất cứ điều kiện nào. Để bảo vệ đồng nội tệ như một phương tiện thanh toán duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, ý nghĩa thanh toán, tích trữ của vàng phải thu hẹp. Điều này cần thời gian bởi nó đụng chạm đến thói quen tích trữ vàng của người dân. Đó có phải là thói quen thích hợp hay chỉ là sự tự vệ về tài sản của người tiêu dùng trong thời buổi kinh tế khó khăn? Trả lời câu hỏi này đòi hỏi một loạt giải pháp nâng cao giá trị đồng tiền Việt.
Sẽ không ngạc nhiên khi tới đây vàng miếng sẽ chỉ được mua bán ở những doanh nghiệp, ngân hàng đáp ứng điều kiện về vốn liếng, hệ thống phân phối, quản trị rủi ro…Quản lý thị trường vàng, như vậy, không thể chỉ nhìn từ lợi ích của người dân (nói đúng hơn là một bộ phận người dân vì không phải 90 triệu dân Việt Nam đều có nhu cầu mua bán, nắm giữ vàng), mà còn phải xuất phát từ lợi ích và thể diện quốc gia, lợi ích kinh tế và thể diện chủ quyền thông qua đồng tiền Việt!
Thành Nam
TBKTSG
|