Thứ Hai, 28/11/2011 11:32

Ngân hàng trung ương toàn cầu nới lỏng chính sách rầm rộ nhất từ năm 2009

(Vietstock) – Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tiến hành cắt giảm chi phí vay mượn rầm rộ nhất kể từ năm 2009 nhằm chặn đứng nguy cơ suy thoái kinh tế xuất phát từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo không thể gia tăng chi tiêu hoặc giảm thuế, các nhà làm chính sách như Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Glenn Stevens và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel Stanley Fischer đang tìm kiếm các biện pháp nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động từ cuộc khủng hoảng châu Âu và tỷ lệ thất nghiệp gần 9% của Mỹ. Brazil và Ấn Độ là hai trong số các quốc gia đang đứng trước rủi ro lạm phát leo thang rất mạnh từ các mức không mong muốn như hiện nay nếu nới lỏng chính sách hoặc ngừng nâng lãi suất.

Số liệu và dự báo từ JPMorgan cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ đẩy lãi suất bình quân của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới giảm từ mức 2.16% trong tháng 9 năm nay xuống 1.79% vào tháng 6 năm tới, mức giảm mạnh nhất trong hai năm. Được biết, JPMorgan đã theo dõi 31 ngân hàng trung ương và đây là số ngân hàng nới lỏng tín dụng nhiều nhất kể từ quý 3/2009, khi đó chỉ có 15 ngân hàng hạ lãi suất.

Làn sóng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu

Mỹ, Anh và 9 quốc gia khác cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng cường kích thích tiền tệ trong vòng 3 tháng qua. Trong đó, bất ổn tại châu Âu đã khiến ngân hàng trung ương 9 nước Australia, Brazil, Đan Mạch, Romania, Serbia, Israel, Indonesia, Georgia và Pakistan bắt đầu cắt giảm lãi suất kể từ tháng 8.

Theo dự báo của JPMorgan Chase, ngân hàng trung ương 5 nước Australia, Brazil, Indonesia, Israel và Romania có thể tiếp tục hạ thấp lãi suất. Bên cạnh đó, 6 quốc gia khác là Chile, Mexico, Na Uy, Peru, Ba Lan và Thụy Điển cũng có thể cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 3/2012.

Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben S. Bernanke đang xem xét các hành động tiếp theo để hạ thấp chi phí vay mượn tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tháng 8 vừa qua, ông cam kết giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0% cho đến giữa năm 2013. Tiếp đó vào tháng 9, Fed quyết định áp dụng chương trình hoán đổi trái phiếu trị giá 400 tỷ USD với việc bán ra trái phiếu ngắn hạn và mua vào trái phiếu dài hạn.

Còn trong tháng 11, các thống đốc của Fed và Chủ tịch của các ngân hàng địa phương đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm bớt 1% trong vòng hai năm tới, nhẹ hơn so với mức ước tính giảm 1.5% trong tháng 6. Theo biên bản cuộc họp chính sách hôm 01-02/11 được công bố trong tuần trước, một số quan chức cho biết rằng triển vọng kinh tế có thể đảm bảo cho việc Fed tiếp tục nới lỏng chính sách. 6/9 nhà phân tích trong cuộc khảo sát hồi tháng 10 cho rằng Chủ tịch Ben Bernanke sẽ tiến hành đợt nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3).

Vấn nạn lạm phát khiến các ngân hàng trung ương châu Á chờ đợi

Trong khi ngân hàng trung ương các nước Australia và Indonesia cắt giảm chi phí vay mượn và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) gia tăng quy mô của chương trình mua tài sản trong tháng 10 thì các quốc gia khác tại châu Á có thể nới lỏng chính sách chậm hơn.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã 3 lần nâng lãi suất trong năm nay nhằm chống chọi với lạm phát. Hôm 25/10, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cũng nâng lãi suất lần thứ 13 kể từ năm 2010 lên 8.5%, đồng thời phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất dài nhất từ trước đến nay khi nền kinh tế hạ nhiệt.

Ông Joseph Tan, chuyên gia kinh tế trưởng tại châu Á của Credit Suisse nhận định: “Hầu hết các ngân hàng trung ương đều chờ đợi diễn biến tại châu Âu. Nếu tình hình chính trị tại châu Âu tiếp tục bế tắc và đẩy nền kinh tế khu vực vào suy thoái, kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu giảm tốc, khi đó các ngân hàng trung ương châu Á sẽ giảm lãi suất”.

Ông David Hensley - Giám đốc bộ phận phối hợp kinh tế toàn cầu của JPMorgan cho rằng các nhà làm chính sách tại hầu hết các quốc gia đang phát triển, bao gồm các nước châu Á, vẫn đang lưỡng lự nới lỏng chính sách khi lạm phát vẫn còn cao và nền kinh tế vẫn có khả năng tăng trưởng nóng. Thay vào đó, các nước này nhiều khả năng giữ nguyên lãi suất.

EBC sẽ hạ lãi suất, BoE có thể tăng gói kích thích lên 425 tỷ bảng Anh

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dưới sự điều hành của Chủ tịch Mario Draghi đang tìm kiếm các biện pháp hạn chế sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực khi suy thoái kinh tế tại Hy Lạp ngày càng trầm trọng.

Hôm 03/11, hội đồng điều hành của ECB đã hạ lãi suất bớt 0.25% khi ông Draghi mới lên cầm quyền được 3 ngày. Phát biểu trong cuộc họp tại Frankfurt, ông cho biết: “Những gì chúng tôi đang theo dõi là đà tăng trưởng chậm chạp và đang hướng đến một cơn suy thoái nhẹ”.

Các nhà kinh tế của Barclays Capital và JPMorgan Chase dự báo ECB sẽ hạ lãi suất thêm 0.25% vào tuần tới, ngược với hành động của cựu Chủ tịch Jean-Claude Trichet trong tháng 4 và tháng 7. Theo dự báo, ECB sẽ tiếp tục hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục 0.5% vào năm 2012.

Trong khi đó, ông David Hensley - Giám đốc bộ phận phối hợp kinh tế toàn cầu của JPMorgan cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể gia tăng chương trình mua tài sản thêm 150 tỷ bảng Anh (tương đương 232 tỷ USD) lên 425 tỷ bảng Anh vào tháng 5/2012 trong bối cảnh ngân hàng này vẫn đang duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0.5% kể từ tháng 3/2009.

Phạm Thị Phước (Theo Bloomberg)

Các tin tức khác

>   “Đồng euro có thể sẽ bị sụp đổ vào dịp Giáng sinh” (28/11/2011)

>   IMF sẵn sàng cho Ý vay tới 794 tỷ USD (28/11/2011)

>   Tổng giám đốc IMF đề cao vai trò Mỹ Latinh mới (27/11/2011)

>   Trung Quốc: Bài học từ thắt chặt tín dụng (27/11/2011)

>   Bỉ: Các chính đảng đạt thỏa thuận về ngân sách (27/11/2011)

>   Cuba điều chỉnh chính sách tín dụng và ngân hàng (26/11/2011)

>   S&P hạ bậc tín nhiệm Bỉ lần đầu trong gần 13 năm (26/11/2011)

>   Đồng euro tiếp tục chịu sức ép thị trường châu Á (18/11/2011)

>   20 ngân hàng châu Âu gặp nguy hiểm nhất nếu PIIGS vỡ nợ (25/11/2011)

>   Tương lai Mỹ sẽ giống EU? (25/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật