Giảm thuế 30%, DN vẫn than trời!
Cuối tuần qua, DN vừa và nhỏ hân hoan với thông tin được giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2011. Nhưng cũng có ý kiến cho răng DN thua lỗ sẽ chẳng được hưởng lợi gì, bởi thua lỗ thì làm gì có thu nhập để nộp thuế mà mong được giảm?
Cuối tuần qua, Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội, ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân đã được ban hành. Theo đó, DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động được giảm 30% số thuế thu nhập DN năm 2011.
Đón nhận thông tin này, các DN cho rằng chính sách này vẫn chưa đủ mạnh để giúp họ vượt qua khó khăn. Ông Vũ Đình Long, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Xanh (Thanh Xuân, Hà Nội), chuyên kinh doanh sản phẩm nước uống OB chia sẻ: "Những DN nhỏ như chúng tôi, có lợi nhuận hàng năm không đáng kể, chỉ vài trăm triệu đồng. Với mức này, đóng thuế thu nhập DN 25% thì cũng chưa tới 100 triệu đồng, nay được giảm 30% cũng chỉ đỡ phải nộp thêm khoảng vài ba chục triệu, chẳng thấm vào đâu so với những khó khăn hiện tại."
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng biện pháp nêu trên đưa ra không những khá chậm mà còn không đủ mạnh để giúp DN vượt qua khó khăn. Theo tiến sỹ Nguyễn Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh Hiệp hội Công thương Hà Nội, thì trong số 600.000 DN đăng ký kinh doanh có tới 97% là DN nhỏ và vừa. Lạm phát tăng cao trong 1 năm qua đã khiến không ít DN đuối sức, ước tính có đến 50% số DN nhỏ và vừa đang gặp khó khăn.
Nhiều DN dự báo năm 2011sẽ không có lợi nhuận, thua lỗ và lợi nhuận rất thấp, như vậy việc giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2011 chẳng đem lại hiệu quả nhiều. Những DN thua lỗ sẽ chẳng được hưởng lợi gì từ giải pháp trên, bởi thua lỗ thì làm gì có thu nhập để nộp thuế mà mong được giảm?
Không ít DN cho biết họ mong muốn có những biện pháp trợ giúp mạnh hơn chẳng hạn như miễn, giảm chi phí thuê mặt bằng kinh doanh.
Ông Vũ Ngọc Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phương Lan (23 Nguyễn Công Trứ- Hà Nội) cho biết, thuê 1ha đất tại Cụm công nghiệp Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội), năm 2010 là 36 triệu đồng, thì đến 2011 tăng lên đến 464 triệu đồng, nhưng các DN buộc phải chấp nhận vì đã trót đầu tư vào đây rồi, không thể bỏ được. Chúng tôi rất mong chờ được miễn giảm chi phí thuê mặt bằng trong lúc này bởi sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, làm cho sản phẩm có giá thành thấp và dễ cạnh tranh hơn, ông Bình nói.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biế:, Sở dĩ nền kinh tế của ta chưa bị tác động lớn là do có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề cùng DN nhỏ và vừa tiếp sức. Vậy nhưng DN nhỏ và vừa thời gian qua hầu như không được hưởng ưu đãi gì từ Nhà nước. Hiện chi phí thuê mặt bằng của các DN nhỏ và vừa rất cao, gấp 2-3 lần so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN Nhà nước. Trong hoàn cảnh khó khăn này, miễn giảm chi phí thuê đất cho các DN nhỏ và vừa là rất cần thiết.
Theo tiến sỹ Nguyễn Nam, lạm phát là hiện tượng mất cân đối giữa tiền và hàng, tiền nhiều mà hàng ít. Ngoài giải pháp tài chính tiền tệ là nâng lãi suất lên cao, còn phải thực hiện giải pháp nữa là thúc đẩy tăng lượng hàng hoá trong lưu thông. Tuy nhiên, thúc đẩy tăng trưởng hàng hoá trong lưu thông lúc này không hề đơn giản, bởi lãi suất cao khiến DN khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Muốn duy trì sản xuất phải hỗ trợ các DN.
Trong hoàn cảnh này, Nhà nước cần hỗ trợ DN chống thua lỗ. Các giải pháp là hỗ trợ là tín dụng ưu đãi, cắt giảm thuế và các biện pháp tài chính khác. Nếu các giải pháp đúng đủ, kịp thời thì sẽ tác động có hiệu quả và DN sẽ vượt qua khó khăn duy trì được sản xuất, cung ứng hàng hoá cho xã hội.
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, những biện pháp trợ giúp DN nhỏ và vừa đã thực hiện thời gian qua vẫn còn mang nặng tính tình thế, thiếu bài bản. Biện pháp miễn giảm thuế tuy rất tích cực nhưng tác động đến DN nhỏ và vừa không nhiều. Vì vậy cần có cả gói giải pháp đồng bộ và kịp thời cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của DN nhỏ và vừa.
Trần Thủy
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|