“Bấp bênh” ngân sách
Thu ngân sách dựa quá nhiều vào những nguồn không ổn định, dự toán thấp, tận thu những lĩnh vực có hạn, tiết kiệm chi ở mức thấp, chi có phần lãng phí... là những gì được các đại biểu chỉ ra trong phần thảo luận tại hội trường về thu chi ngân sách 2011, chiều 28/10.
Cậy nhiều vào các khoản “bấp bênh”
Khi nói về mặt “được” của công tác thu ngân sách năm 2011, phần đa các đại biểu đều nhắc đến việc thu vượt dự toán của các cơ quan Trung ương lẫn địa phương.
Mừng hơn bởi thu ngân sách trong điều kiện phải kiểm chế lạm phát, thắt chặt tài chính, tiền tê, sản xuất khó khăn vốn được nhìn nhận là phải nỗ lực nhiều mới đạt chỉ tiêu. Ấy thế mà vẫn vượt dự toán bình quân ở mức 30%, với số tuyệt đối là 79.500 tỷ đồng, trong đó nhiều địa phương vượt từ 50 – 60%, thậm chí có nơi vượt 90% dự toán.
Thế nhưng, khi “soi” kỹ vào cơ cấu thu, các đại biểu đã chỉ ra không ít những bất cập, hạn chế và bày tỏ quan ngại đối với tính bền vững, ổn định của việc thu ngân sách cho những năm tới.
Đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng, nhìn vào kết quả thu 2011, thấy thu hiện tại đối với các doanh nghiệp nhà nước, tổng thu có cao hơn các thành phần kinh tế khác, tuy nhiên mức độ tăng trưởng so với các năm trước lại đang chậm lại.
Tuy nhiên, nếu so với nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho thành phần kinh tế này thì mới thấy hiệu quả đạt quá thấp. Bên cạnh đó, việc nợ đọng thuế từ khối doanh nghiệp này cũng rất lớn. Trong năm vừa qua, trong điều kiện khó khăn, nhiều tập đoàn, nhiều tổng công ty làm ăn thua lỗ đã làm giảm hẳn số thu về của ngân sách Nhà nước. Đáng kể nhất là thu từ kinh tế quốc doanh, công thương nghiệp ngoài quốc doanh và kể cả các loại phí như phí xăng dầu...
Thế nhưng, ngay cả khi thu vượt dự toán thì nhiều đại biểu vẫn bày tỏ quan ngại vì đa phần các bộ, ngành, địa phương đều không thực hiện đúng những gì được giao hoặc công tác dự báo, đánh giá thiếu chính xác.
Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) phát biểu, qua phân tích cụ thể tình hình thực hiện ngân sách năm 2011 đã bộc lộ một số điểm yếu. Đó là cơ cấu của nguồn thu tăng thu chủ yếu (chiếm đến 47%) là dựa vào dầu thô, đất đai, xuất nhập khẩu, xổ số..., nhưng đây là những nguồn thu bấp bênh, không ổn định.
Đặc biệt hầu hết các địa phương có số thu và vượt thu cao thì đều là thu từ đất. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy rằng, trong thu nội địa chỉ đạt khoảng 82,3% dự toán trong 9 tháng, nhưng thu tiền sử dụng đất vượt 11,3% dự toán.
Trước thực tế các địa phương “cậy” quá nhiều vào nguồn thu từ đất, đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên), đề nghị xem xét lại nguồn thu từ lĩnh vực này trong năm 2012.
“Tôi cho rằng 37 nghìn tỷ đồng năm 2012 tuy thấp hơn năm 2011 nhưng vẫn là cao. Bởi vì đất đai là tài nguyên không tái tạo và là của để dành. Cho nên trong thị trường nhà đất rất khó như hiện nay thì không vội vàng gì đặt chỉ tiêu bán đất. Phú Yên chúng tôi được đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tập trung ít nhất trong cả nước nhưng cũng không vì thế mà vội vàng bán tháo quỹ đất với giá thấp”, đại biểu Lộc nói.
Trong khi đó, nói về những bất cập của thu ngân sách, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho hay, bên cạnh thành tích vượt thu đến 79.500 tỷ đồng trong năm nay, chúng ta cũng phải xem lại cách làm dự toán, vấn đề dự báo của những người làm công tác này cũng như các nhà quản lý.
“Liệu có phải do khả năng của chúng ta hay tình hình diễn biến phức tạp quá chúng ta không dự lường hết. Hay có việc lập dự toán thấp để rồi khi vượt thu lớn thì thưởng vượt thu. Có việc đó hay không Quốc hội cũng phải xem xét lại?”, đại biểu Minh nói.
Lý giải cho thực tế tăng thu cao, đại biểu Đinh La Thăng (Thanh Hóa) đề nghị xem xét lại tính toán giá dầu thô của năm 2011, bởi vì theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, giá dầu thô tính bình quân của 10 tháng, cũng như dự kiến của 2 tháng cuối năm 2011, dự kiến là 115 USD/thùng, trong khi giá tính toán trong báo cáo của Chính phủ chỉ là 102 USD/thùng, tức chênh 13 USD. Nếu tính đủ 115 USD/thùng thì tổng thu ngân sách của năm 2011 sẽ tăng thêm gần 30.000 tỷ đồng.
Do đó, với tính toán giá dầu trong 2012, đại biểu cũng lưu ý với dự kiến của Chính phủ ở mức 85 USD/thùng, bởi theo báo cáo và tính toán của Tập đoàn dầu khí cũng như công tác dự báo, dự kiến giá dầu thô năm 2012 sẽ khoảng trên 100 USD/thùng. Còn nếu tính ở mức an toàn cũng phải ở mức khoảng 90 USD/thùng, như vậy nó sẽ chênh 5 USD/thùng, tăng thêm được khoảng 11.500 tỷ đồng.
Thu cao nhưng không “để dành”
Về chi ngân sách năm 2011, theo đại Nguyễn Thành Tâm, việc chi chưa thống nhất về định hướng tiết kiệm để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Bởi, theo kết quả thực hiện và dự kiến phân bổ số vượt thu năm 2011 thì tổng số chi ngân sách vẫn tiếp tục tăng và vượt so với dự toán 9,7% và tăng so với năm 2010 là 18,6%, trong đó thì nhiệm vụ chi tập trung là chi cho thường xuyên.
Tinh thần tiết kiệm chi không đồng nhất, không nghiêm túc thể hiện ngay trong báo cáo của Chính phủ khi mà Trung ương trong thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ là cắt giảm 10% chi thường xuyên thì khối này chỉ tiết kiệm được 900 tỷ đồng, các địa phương thì tiết kiệm được gần 3.000 tỷ đồng, tức là hơn gấp 3 lần so với số của Trung ương thực hiện.
“Tôi đề nghị cần phải phân tích, đánh giá rõ lại nguyên nhân nào cắt giảm không đồng bộ như vậy, bởi vì phân bổ ngân sách chi thường xuyên giữa Trung ương và địa phương thì mức chi là tương đương với nhau gần 50 -50,. Cử tri họ phản ánh rằng, theo dõi tivi thấy các đoàn ngoại giao chúng ta đi ra nước ngoài thì họ tiếp chúng ta trong điều kiện hết sức đơn giản, hết sức tiết kiệm, trong khi đó chúng ta thường làm hoành tráng và hơi lãng phí”, đại biểu Tâm nói.
Vì vậy, theo hầu hết các đại biểu, với con số vượt thu khá lớn như vậy, không chỉ năm nay mà các năm tiếp theo, Quốc hội và Chính phủ nên quyết định là phải dành ít nhất 30% vượt thu để giảm bội chi ngân sách cũng như góp phần giảm phần nợ công.
Trong khi đó, đại biểu Lê Phước Thanh nhìn nhận, nếu so sánh giữa tương quan chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, cho tiêu dùng thì thấy vẫn chủ yếu là chi cho tiêu dùng. Đây là vấn đề cũng cần xem xét lại, đại biểu nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chính phủ đánh giá tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2011 tăng 9,7% so với dự toán, tăng 18,6% so với thực hiện năm 2010, đây là mức tăng khá lớn, điều này cho ta thấy vai trò chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô chưa thể hiện tính tích cực, một đại biểu Quảng Ngãi nói.
Thế nhưng, dù chi thường xuyên và chi tiêu dùng tăng cao, song, theo nhìn nhận của đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), tiền lương của cán bộ, công chức vẫn quá khó khăn và eo hẹp. Như vậy, theo đại biểu mong muốn tăng lương là hợp lý.
Song,cũng theo đại biểu Huệ, hiện trong các cơ quan nhà nước ở đâu đó cũng không ít những cán bộ không làm được việc, nhưng vẫn được hưởng lương như nhiều người khác. Hệ lụy của vấn đề này, ngoài việc tốn kém cho ngân sách, kèm theo nó là làm cho một số những cán bộ, công chức khác cũng giảm bớt động lực sáng tạo vươn lên cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào đổi ngũ công chức.
Liên quan đến việc sử dụng phần vượt thu vào mục đích nào, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu, trong đó có ý kiến nên “để dành”, hoặc ưu tiên cho các dự án, công trình dở dang, cấp bách, các dự án trong nông nghiệp, nông thôn, phòng chống thiên tai, lũ lụt, song cũng không ít ý kiến cho rằng, cần tập trung khoản đó cho phát triển giao thông, trường học, bệnh viện.
Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) ví von: “Tình trạng ngân sách của ta giống như nhà nghèo đông con, cái chăn nhỏ kéo đắp người này thì người kia ló chân, ló đầu. Giờ nếu ưu tiên cho thằng út vì yếu, còn thằng cả khỏe, không cần chăn, nhưng ngày mai nếu nó ốm không đi làm kiếm tiền được thì cả nhà cũng sẽ đói”.
Kết thúc buổi thảo luận về ngân sách chiều 28/10, một ý kiến cũng đáng được lưu ý từ đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) khi đại biểu này đề nghị Quốc hội, Chính phủ sau khi thông qua nghị quyết về ngân sách cùng với các phụ lục thì phải công bố, công khai cho toàn dân biết và để giám sát, theo dõi, vì lâu nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
Từ Nguyên
tbktvn
|