Chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách quốc hội Phùng Quốc Hiển
Năm 2012 hoặc 2013, có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20%
Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng thu ngân sách nhà nước năm nay dự kiến đạt trên 612.000 tỉ đồng, tăng 16,7% so với ước thực hiện năm 2010. Trong khi đó, năm 2011 lại là năm rất khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Ở đây có dấu hiệu tận thu? Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội về vấn đề này:
Thưa ông, vì sao thu ngân sách năm nay lại “khá” như vậy? Năm 2012 có tiếp tục tăng thu không?
Con số vượt thu năm nay là rất lớn, tập trung vào một số khoản thu như thu nội địa thì lớn nhất là thu từ đất đai; thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng; thu thuế xuất nhập khẩu cũng tăng nhanh vào các tháng cuối năm.
Còn năm 2012, khi xác định tăng trưởng chỉ ở mức 6%, phấn đấu lên 6,5% trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thì việc xây dựng dự toán thu năm 2012 của Chính phủ là khá tích cực. Nhưng theo uỷ ban Tài chính và ngân sách, vẫn còn một số lĩnh vực còn có thể khai thác nhiều hơn: đó là thu từ đất đai, hiện Nhà nước còn thất thu rất lớn ở khối kinh doanh bất động sản. Khoản thu từ kinh doanh công thương nghiệp ngoài quốc doanh cũng bị thất thu, nhất là những hoạt động tăng thu khoán, trong khi phải thu theo thực tế kinh doanh. Thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cần tiếp tục được chú ý.
Nhưng thực tế là năm 2011, các doanh nghiệp đã rất khó khăn, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2012, tình hình khó khăn hơn mà ngân sách vẫn tăng thu ở mức cao như thế phải chăng là dấu hiệu tận thu. Lẽ ra phải giảm thuế để khoan sức, đỡ khó cho doanh nghiệp?
Tăng thu, tránh thất thu về thuế và đòn đánh, gánh nặng về thuế là hai vấn đề khác nhau. Thực tế, thuế suất của ta vẫn đang trong xu hướng giảm, trước đây thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, sau đó xuống 28%, bây giờ là 25%. Uỷ ban Tài chính và ngân sách dự kiến đề xuất xuống nữa, còn 20%. Đây là mức rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Ta tăng thu ở đây là thu từ sản xuất phát triển, là chống thất thu, chống buôn lậu… chứ không phải là đòn đánh về thuế vào các doanh nghiệp.
Nếu điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20%, uỷ ban dự kiến bao giờ thực hiện được?
Chúng tôi dự kiến trong lộ trình làm luật, nếu được sẽ xem xét sửa đổi vào năm 2012, còn không thì năm 2013. Những dự án luật đó nếu chỉ sửa đổi một điều thì sẽ được thông qua ngay tại một kỳ họp, không nhất thiết phải qua hai kỳ họp.
Còn các sắc thuế khác thì sao, thưa ông?
Chúng tôi cũng thấy có thể đưa thuế giá trị gia tăng về một mức cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn thuế thu nhập cá nhân thì không nên cố định mức giảm trừ gia cảnh mà nên điều chỉnh theo mức lương tối thiểu. Khi điều chỉnh mức lương tối thiểu, chúng ta sẽ bám theo cái đó để tính mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với tình hình thực tế hơn. Đó là những thay đổi rất căn bản và chúng tôi cũng mong muốn phải thay đổi nhanh để góp phần vào tái cấu trúc. Ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ là giảm thuế suất mà còn thực hiện một số chính sách miễn, giảm ở một số vùng khó khăn để thu hút đầu tư vào các vùng này, hạn chế vốn đầu tư chỉ tập trung vào các vùng đồng bằng.
Nếu năm 2012 chưa giảm được thuế thu nhập doanh nghiệp thì theo ông, có nên thông qua việc giãn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp ở quy mô lớn hơn năm 2011 không?
Chúng ta thấy, cơ chế giảm, giãn, miễn thuế năm 2011 bắt đầu có tác động tích cực nhưng không lớn. Giãn chỉ hơn 6.000 tỉ đồng và giảm chỉ hơn 4.000 tỉ đồng, mang tính động viên là chính. Sản xuất khó khăn nhưng thu ngân sách vẫn tăng thì chính sách miễn giảm có tác dụng phần nào đó. Năm 2012, mặc dù dự báo có khó khăn: đầu tư vốn toàn xã hội từ chỗ bằng 42% GDP xuống 34 – 35%, nhưng đi vào chiều sâu, tránh đầu tư dàn trải, bong bóng… để tăng hiệu quả đầu tư.
Ông nói rằng cần tăng thu từ khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh do thất thu ở đây lớn. Nhưng kết quả thanh tra, kiểm toán ở nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, số thuế phải truy thu ở khu vực này cũng rất lớn?
Tôi đặt vấn đề thu ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì hạch toán, kế toán ở khu vực doanh nghiệp nhà nước là tương đối hoàn chỉnh, trong khi điều này ở khối ngoài quốc doanh còn hạn chế. Hơn nữa, kiểm toán, thanh tra mới chỉ dừng lại ở khối doanh nghiệp nhà nước là chính. Đúng là nếu tính trên lợi nhuận, số nộp ngân sách trên tài sản và vốn, thu từ các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn ở mức hạn chế, nhưng mức tăng thu cũng tương đối khá, không kém doanh nghiệp ngoài quốc doanh đâu.
Mạnh Quân thực hiện
sài gòn tiếp thị
|