Độc quyền: Lo nảy sinh 'chợ đen' vàng
Thông báo trước Quốc hội của Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định "Vàng SJC trở thành nhãn hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam". Đây là một cách để quản lý thị trường. Tuy nhiên, đi kèm đó lại có những lo ngại về những hệ lụy của độc quyền.
Giải pháp tránh sốc
Sau rất nhiều chờ đợi, dự thảo Nghị định về quản lý vàng cũng đã trình lên Chính phủ. Với các quy định mới chặt chẽ cho một ngành kinh doanh có điều kiện, với sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia đều cho rằng, thì đây là một bước đi đúng đắn và đáng ra phải được làm từ lâu.
Đúng là bởi vì vàng đã và đang chiếm một vai trò quá lớn trong nền kinh tế, kể cả về mặt thanh toán lẫn đầu tư và cất giữ. Nó được người dân xem như "tài sản an toàn", tích trữ tài sản, các giao dịch giá trị và nhất là những lúc kinh tế biến động thị trường luôn bám lấy vàng này như một cứu cánh. Nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán, cho vay và đầu tư... có lỗ lãi đều được quy ra vàng xem thực tế có lời thật hay không? Và cuối cùng mọi người đều nhận ra, làm gì thì làm nhưng đa số giữ vàng... vẫn hơn?.
Tuy nhiên, mặt trái là khi sự phụ thuộc vào vàng quá thì ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế là rất lớn. Đặc biệt, ở Việt Nam, có những thời điểm biến động, thị trường vàng là nơi đầu cơ, làm giá và ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều thị trường và nền kinh tế.
Vàng phổ biến như thế, nhưng sự quản lý của vàng lại đang bị buông lỏng từ chất lượng, điều kiện kinh doanh cho tới các kiểm soát vĩ mô liên quan đến vàng. Hậu quả là trong nhiều năm qua, khi kinh tế biến động, vàng được "trọng dụng" thì nó đã gây ra nhiều náo loạn cho thị trường và kinh tế vĩ mô.
|
Những cơn sốt vàng gây ra nhiều biến động cho nền kinh tế, thiệt hại cho người dân |
Chính vì thế, dự thảo Nghị định lần này có một mục đích rất rõ ràng là quản lý chặt chẽ thị trường vàng, loại bỏ chức năng thanh toán của vàng, nâng cao chất lượng mặt hàng vàng miếng theo một thương hiệu quốc gia, xóa bỏ tình trạng nhiều thương hiệu, nhiều loại giá, đầu cơ, làm giá và huy động nguồn lực lớn này vào cho công cuộc phát triển kinh tế.
Với những quy định đó, quản lý vàng sẽ có nhiều thay đổi lớn về bản chất. Vì thế, dù cơ quan quản lý đã cân nhắc các tình huống để đảm bảo tính khả thi và tối ưu cao nhất nhưng ngay từ khi mới công khai dự bảo thì những thay đổi lớn đó đã gây nhiều tác dụng phụ, thậm chí, gây "sốc" cho thị trường.
Vì thế, cho đến thời điểm này, điều người dân và nhiều DN quan ngại nhất không phải là những điều kiện khắt khe hơn khi kinh doanh vàng mà là những "tác dụng phụ" mà nó đang gây ra cho nhiều DN kinh doanh và thị trường vàng khi SJC đã được khẳng định là vàng của nhà nước và sẽ là độc quyền.
Trong 1-2 tuần gần đây, nhiều người dân đã đổ xô đi bán các thương hiệu vàng không phải SJC với giá thấp hơn cả triệu đồng/lượng để rồi sau đó cảm thấy hụt hẫng khi được biết các thương hiệu vàng này vẫn được lưu thông... bình thường. Và rồi các thương hiệu này được quy đổi ngang giá với SJC, chỉ mất 30 - 40 ngàn đồng tiền công.
Bên cạnh đó, với vị trí độc quyền và được đảm bảo bởi nhà nước, rất có thể làm nảy sinh ra những hệ lụy độc quyền DN. Và khi đó, lợi ích của người dân trong mua và nắm giữ vàng cò còn được thuận tiện. Vì thế, hạn chế mặt trái thị trường vàng nhưng làm sao vẫn đảm bảo được sự thuận tiện trong mua bán vàng trong thời gian đầu là rất cần thiết.
Chính vì thế, thừa nhận cần có những quản lý chặt chẽ về vàng nhưng các chuyên gia cũng lưu ý rằng, quản lý vàng là cả một lộ trình dài hơi, vì thế trong khi đề cao các mục tiêu tối ưu thì không thể bỏ quên điều kiện khả thi. Phải đảm bảo tính khả thi mới có thể vươn tới các tối ưu. Nếu không sẽ làm những vấn đề không mong muốn. Đặc biệt, khi thực hiện một loạt quy định mới, gây ra thay đổi bản chất thị trường vàng thì cần có lộ trình và nhất là cần có những biện pháo "giảm sốc" để tránh nhữn tác dụng phụ bất lợi trước mắt.
Về lâu dài thì biện pháp quan trọng nhất vẫn là khôi phục giá trị nội tại và niềm tin đối với đồng tiền trong nước. Nó sẽ làm cho nhu cầu nắm giữ vàng giảm bớt và tiền nhàn rỗi sẽ không bị nằm chết trong dân. Bên cạnh đó, một điều cũng cần tính tới sự liên thông với thị trường thế giới ở thời điểm nào như nào là hợp lý, giúp giảm bớt thiệt hại đối với tài sản trong nước.
Sau USD, đến lượt "chợ đen" vàng?
Từ trước tới giờ, khái niệm chợ đen USD đã quen thuộc với hầu hết mọi người dân độ thị, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Ở đây, mọi nhu cầu USD đều được đáp ứng, vấn đề là phải giá cao. Nguyên nhân của việc này chính là khi USD được quản lý chặt nhưng ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu thì người dân buộc phải tìm đến chợ đen.
Với vàng, khi sự độc quyền của nhà nước xuất hiện, thông qua đơn vị của mình là SJC, các thương hiệu vàng khác sẽ khó tồn tại, sản xuất và kinh doanh vàng tự do bị kiểm soát thì liệu khả năng hình thành một cái chợ "đen" giống như USD?.
Có thể thấy nhu cầu đối với vàng rất lớn, thậm chí còn lớn hơn nhiều so với USD. Nhu cầu đối với USD có thể chỉ nhiều ở các thành phố, thị trấn, các doanh nghiệp, nhưng với vàng thì có ở khắp nơi, từ nông thôn tới thành thị, từ người dân từ nông dân tới trí thức... Câu hỏi đặt ra: tình hình sẽ ra sao nếu nhu cầu không được đáp ứng đầy đủ, việc mua bán khó khăn hơn.
Với quy định mới, rất nhiều trong trong số cả chục nghìn tiệm vàng đang hoạt động ở khắp các trị trấn, làng xã, quận huyện trên khắp cả nước liệu có trở thành các địa điểm kinh doanh "chui" vàng miếng mang thương hiệu quốc gia SJC hay SBV không?. Và một khi hoạt động chui và chợ đen xuất hiện thì mục tiêu xóa bỏ tịnh trạng nhiều giá, đầu cơ, tích trữ liệu có đạt được? Và khả năng huy động nguồn lực này từ trong dân cũng sẽ rất khó khăn.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), với thị phần chiếm 90% thị trường vàng miếng trong nước và tới đây có thể sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc cho biết, việc này sẽ đạt được hai mục tiêu là giữ vững sự độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng, qua đó giúp NHNN dễ thực hiện mục tiêu can thiệp, điều tiết, bình ổn thị trường khi cần thiết.
Việc dựa vào một đơn vị độc quyền để bình ổn thị trường là điều không dễ. Thị trường vàng phụ thuộc nhiều yếu tố mà yếu tố quan trọng nhất thiếu niềm tin vào đồng tiền, ưu thích tích trữ vàng thì lại nằm ngoài khả năng của nghị định quản lý vàng. Các đợt bán vàng bình ổn của NHNN gần đây dù tốn nhiều nguồn lực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu bình ổn như mong muốn. Việc bình ổn này khiến nhiều người có cảm giác đây chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững.
Thực tế của nền kinh tế cho thấy, dù đã có nhiều DN nhà nước độc quyền nhưng chưa có nhiều kết quả để có thể chứng tỏ vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước thông qua một doanh nghiệp là hiệu quả như mong muốn.
Trong khi đó, việc vàng SJC trở thành vàng độc quyền của nhà nước cũng một lần nữa gây ra những cảm xúc lo ngại. Bởi vì, độc quyền đã gây ra quá nhiều nghi vấn và hạn chế trong quản lý từ chuyện điện, xăng dầu cho tới các mặt hàng khác như nước sạnh thậm chí là xe buýt... thì độc quyền hay vị trí chi phối đều chưa có sự tối ưu mà lại bộc lộ nhiều lo ngại. "Không có gì đảm bảo nhà độc quyền về vàng sẽ làm ăn tốt hơn hẳn những nhà độc quyền trong lĩnh vực xăng dầu hay năng lượng", ông Huỳnh Ngọc Trân, một người từng kinh doanh vàng tài khoản và sau đó chuyển sang mua bán vàng vật chất tại TP.HCM, bày tỏ lo ngại.
Hơn thế, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, khi có điều kiện, thương hiệu vàng SJC sẽ được đổi tên thành vàng SBV (SBV là tên viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - State Bank of Vietnam). Theo đánh giá của một chuyên gia tại TP.HCM, một thương hiệu lớn đã quá phổ biến như SJC chắc chắn đáng giá rất nhiều tiền và không dễ gì xây dựng được. Việc bỏ ngay một thương hiệu có tính quốc gia và quốc tế như SJC có thể là một sự lãng phí rất lớn.
Và cùng với đó, việc đưa vàng SJC vào thế độc quyền có thể khiến nhiều thương hiệu vàng khác bị xóa sổ. Đó cũng là một sự lãnh phí. Tất nhiên, người dân và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng đây là một quyết định mang lại nhiều lợi ích cho họ hơn là những tác dụng phụ có thể có. Giờ là lúc chờ đợi khi chính sách thấm vào thị trường vàng - một thị trường quá nhiều biến động. Nhưng đó cũng là thị trường rất lớn, rất được chú ý đối với người Việt Nam.
Dũng Quý
Diễn đàn kinh tế VIỆT NAM
|