Thứ Sáu, 04/11/2011 06:22

Doanh nghiệp ngoại ép giá dự án BĐS

Năm 2012 sẽ có nhiều dự án BĐS trong nước thay tên đổi chủ. Tập đoàn, quỹ đầu tư ngoại đang ép mua dự án BĐS trong nước với giá khá thấp.

Trước sức ép phải trả nợ đến hạn và lãi vay còn quá cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nội không kham nổi, hiện các tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài chớp cơ hội ép giá để mua rẻ dự án bất động sản (BĐS).

Ép giá xuống 50%

Thông tin với phóng viên ngày 3-11, một phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết hiện nay đang có nhiều quỹ đầu tư, tập đoàn nước ngoài đánh tiếng muốn mua các dự án BĐS trong nước.

“Theo tôi nắm thông tin thì DN ngoại dù đánh tiếng mua nhưng họ đang trả giá một số dự án khá thấp, bằng khoảng 50% giá so với các tháng trước. Đánh tiếng là vậy họ còn đòi hỏi đó là các dự án sạch, hoàn tất thủ tục pháp lý, đóng xong tiền sử dụng đất theo Nghị định 69 (tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường)…” - vị phó chủ tịch nói.

Cũng theo vị này, sự kiện Công ty PVL bán giá căn hộ Petro Vietnam Landmark ở quận 2 về giá 15,5 triệu đồng/m 2 đang làm nhiều chủ đầu tư BĐS khu vực quận 2 và lân cận đau đầu. Các tập đoàn, quỹ ngoại căn cứ vào mức giá này để ép giá khi thương lượng mua dự án.

Một số chủ đầu tư dự án BĐS lớn khi phóng viên tìm hiểu thông tin cũng xác định có nhiều đối tác ngoại đang xúc tiến chuyển nhượng dự án. Nhưng cụ thể thế nào, đối tác đến từ đâu… các ông chủ này không tiết lộ và chỉ cho biết đối tác ngoại trả giá mua dự án quá thấp và hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Nhiều DN phát triển BĐS trong nước đang đối diện nguy cơ bị DN ngoại mua lại dự án với giá rẻ. 

Sở dĩ những thông tin về chuyển nhượng dự án lúc này trở nên nhạy cảm vì nếu DN mà công bố chuyển nhượng thì dễ mang tiếng đang vay lãi cao của ngân hàng, bị thị trường nghi ngờ về năng lực tài chính…

Ví dụ ngay khi Công ty PVL bán đại hạ giá căn hộ Petro Vietnam Landmark thì lập tức Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (Petroland) gửi thông báo nói rõ sản phẩm đại hạ giá trên không phải do công ty làm chủ đầu tư. Petroland cũng thông báo khẳng định tình hình tài chính công ty ổn định.

Đủ kiểu sang tay dự án

Tuy nhiên, căn cứ vào các thông tin do những DN niêm yết buộc phải công bố rộng rãi thì từ đầu năm đến nay việc DN BĐS trong nước tìm cách chuyển nhượng dự án khá nhiều và phần lớn bán cho đối tác ngoại.

Mới nhất là Công ty CP Đầu tư địa ốc Khang An (KAC) công bố thông tin trên sàn TP.HCM là công ty đã bán 80% vốn góp ở dự án khu dân cư tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM cho Tập đoàn Dacin (Đài Loan). Sang nhượng dự án này, Khang An cho biết đã thu về gần 300 tỉ đồng.

Hay CapitaValue Homes Limited (thuộc Tập đoàn CapitaLand) đã thông qua công ty con là CVH Sparkle Pte. Ltd mua lại 65% cổ phần của Công ty TNHH Quốc Cường Sài Gòn - một công ty thành viên của Công ty Quốc Cường Gia Lai, với mức giá khoảng 121 tỉ đồng. Trước đó, cũng CapitaValue Homes Limited đã mua lại 70% cổ phần của một dự án chung cư tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM của Công ty Khang Điền Sài Gòn - một thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH)…

Tại đại hội cổ đông bất thường cách đây mấy tháng của một số DN có quỹ đất lớn như Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Vinasun (VNS)… cũng đề cập đến việc chuyển nhượng dự án tùy theo tình hình thị trường BĐS. Cụ thể Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có chủ trương sẽ chuyển nhượng dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B và Hoa Sen Riverside (quận 9, TP.HCM), chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 123 Trần Não, phường Bình An, quận 2…

Sẽ có nhiều dự án đổi chủ, thay tên

Trước sức ép về tài chính, lãi vay quá cao và thị trường ảm đạm, nhiều chuyên gia về mua bán, sáp nhập cho rằng năm 2012 sẽ có nhiều dự án BĐS buộc phải thay tên, đổi chủ.

Nhận định về xu hướng bán dự án, ông Neil MacGregor, Phó Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam, đánh giá thị trường BĐS Việt Nam hiện đang khan hiếm nguồn vốn nên các chủ đầu tư phát triển BĐS hiện buộc tìm kiếm nguồn tiền mới. Nguồn vốn này đến từ việc bán toàn bộ dự án, tìm kiếm đối tác góp vốn, bán nhà ở số lượng lớn hoặc bán khu thương mại và văn phòng theo sàn. Hiện nhiều chủ đầu tư Việt Nam nắm giữ các quỹ đất lớn có thể bán một phần cho các bên thứ cấp để huy động vốn xây dựng dự án khác.

“Dù đối mặt với nhiều rào cản như khung pháp lý chưa chặt, tính minh bạch thị trường còn thấp, thủ tục cấp phép phức tạp và chênh lệch trong kỳ vọng giá mua bán nhưng tôi nghĩ các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực BĐS sắp tới sẽ gia tăng” - ông Neil MacGregor cho biết.

Thực tế ghi nhận thị trường trong năm 2010 đã có hai dự án BĐS ở phân khúc cao cấp ở quận 2 và quận 7 được DN nước ngoài mua lại và đổi tên mới.

Muốn bán chưa chắc được

Hai năm nay thị trường đã quá khó khăn, DN chỉ hoạt động cầm chừng. Hiện nay thị trường quá xấu, không bán được hàng nhưng vẫn phải lo trả nợ và cũng không được ngân hàng tiếp vốn nữa.

Cách tốt nhất lúc này là chuyển nhượng dự án cho đối tác có tiền mặt. Nhưng ai mua, mua với giá nào còn là câu chuyện dài. Nói tập đoàn, quỹ đầu tư ngoại sẽ mua nhưng cũng cần nhớ là hiện tại khối ngoại cũng đối diện với khó khăn tài chính từ chính họ.

Ông Trần Văn Thiên, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Song Phát

Bùi Nhơn

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Đất thổ cư, chung cư cũ đắt hàng (03/11/2011)

>   Giảm giá đánh động nhà đầu tư bất động sản (03/11/2011)

>   Bất động sản Việt Nam: Biết xây nhà chưa biết quản (03/11/2011)

>   Hai mặt của “đại hạ giá” bất động sản (03/11/2011)

>   GS. Đặng Hùng Võ: Địa ốc bán tháo, giá vẫn còn cao (03/11/2011)

>   Vissan xin bán đấu giá đất để đầu tư dự án mới (02/11/2011)

>   Đừng vội mua nhà bán tháo (02/11/2011)

>   Thuê mua nhà ở xã hội thời gian tối thiểu vẫn 10 năm (02/11/2011)

>   Hậu bán tháo địa ốc: Vì sao nhà băng im lặng? (02/11/2011)

>   Đừng để khu công nghiệp thành bãi nuôi bò (02/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật