Quốc hội thảo luận tổ về quy hoạch, sử dụng đất
Đừng để khu công nghiệp thành bãi nuôi bò
“Phải 50 năm nữa để lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu đang có. Thế nhưng đến năm 2020, dự kiến đất dành cho khu công nghiệp sẽ tăng gấp ba lần, như vậy quy hoạch để làm gì? Trong mười năm công nghiệp hoá – đô thị hoá chúng ta đã biến không biết bao nhiêu đất nông nghiệp thành đất hoang, khu công nghiệp để nuôi bò. Đó là một sự vô lý”, đại biểu Trần Du Lịch, đoàn TP.HCM, bức xúc khi thảo luận ở tổ sáng 1.11 về kế hoạch sử dụng đất 2011 – 2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011 – 2020.
Quy hoạch để làm gì?
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, nước ta sẽ dành 200.000ha cho khu công nghiệp.
Đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) nói diện tích như vậy là tăng quá nhanh trong khi các khu công nghiệp chưa hiệu quả với tỷ lệ lấp đầy mới đạt 45%. Đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) cho rằng, phải quy định địa phương nào có các khu công nghiệp được lấp đầy từ 60% trở lên mới cho lập thêm khu công nghiệp mới.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Thành Tâm (TP.HCM), 72.000ha đất khu công nghiệp tập trung hiện nay đem lại 25% GDP và theo quy luật, cứ năm năm GDP của ta tăng gấp đôi, vì vậy để công nghiệp giữ được tỷ trọng đóng góp này thì đất cho khu công nghiệp phải tăng lên 150.000ha, đến năm 2020 cần 200.000ha là điều bình thường. Ông Tâm nói: “Thực tế trong cơ cấu sử dụng đất, hiện đất khu công nghiệp chỉ 3/1.000, nếu tăng gấp đôi vào năm 2015 cũng chỉ 6/1.000, là chưa công bằng so với đóng góp của nó nên đó không phải vấn đề để nói quá nhiều”. Dẫu vậy, ông Tâm cũng lưu ý chỉ nên ưu tiên cho các khu công nghiệp tập trung thay vì rải rác trong khu dân cư, đất trồng lúa, vì hiệu quả cao hơn, ô nhiễm môi trường được giải quyết tốt hơn. “Khu công nghiệp tập trung chỉ bằng 1/3 diện tích đất của các khu công nghiệp rải rác, nhưng đóng góp GDP thì cao gấp đôi”, ông Tâm nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Du Lịch phản bác: “Theo tính toán phải mất 50 năm nữa mới lấp đầy 70.000ha khu công nghiệp, 730.000ha của 15 khu kinh tế ven biển, hai mươi mấy khu kinh tế cửa khẩu hàng triệu ha nữa. Vậy quy hoạch thêm để làm gì? Ở TP.HCM, quy hoạch đến năm 2020 có 5.900ha khu công nghiệp, hiện 14 khu đang khai thác 2.500ha đã đóng góp 28% GDP cả nước rồi, nếu làm hết thì tỷ lệ đã bao nhiêu rồi?”
Quay sang phía đại biểu Tâm, ông Lịch hỏi tiếp: “Vốn đầu tư 1ha (khu công nghiệp) bao nhiêu? Nếu lấp đầy 70.000ha thì cần bao nhiêu? Dự kiến 200.000ha thì cần bao nhiêu?” Đại biểu Tâm im lặng. Nhắc tổ thư ký nhấn mạnh vào biên bản, ông Lịch nói: “Nếu Chính phủ không làm rõ được các con số đó thì không thể phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là 200.000ha đất khu công nghiệp bởi sẽ dẫn đến việc tuỳ tiện mở rộng khu công nghiệp, quy hoạch treo, biến đất nông nghiệp thành đất hoang, khu công nghiệp để nuôi bò”.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng bức xúc: “Khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển khắp nơi nhưng chất lượng kém nên “nằm chết đấy”. Đó là lợi ích chính đáng của địa phương nhưng Nhà nước cần phải điều chỉnh”.
“Nhiệm vụ phá rừng đã cơ bản hoàn thành”
Thảo luận về chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, hầu hết đại biểu đều tỏ ra nghi ngờ trước báo cáo thẩm tra của uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường rằng độ che phủ của rừng đạt gần 40%.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói: “Tôi không được thuyết phục lắm về độ xác thực của tỷ lệ che phủ. Đi công tác dọc quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh tôi vẫn thấy nhiều đất trống đồi trọc. Rừng vẫn bị chặt phá, rừng phòng hộ bị xâm hại nên mới gây ra lũ lụt nhiều thế”.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) kể: “Chuyến đi cứu trợ vùng lũ Đại Lộc (Quảng Nam) năm 2009, tôi xót xa cảnh cả khúc sông Vu Gia dài hàng cây số bị nghẽn bởi gỗ lớn do lâm tặc chặt hạ trôi về. Hay đáp máy bay xuống Điện Biên thì thấy một vùng trắng chứ đâu còn là rừng nữa. Nhiều anh em ở cơ sở nói vui với tôi: nhiệm vụ phá rừng đã cơ bản hoàn thành”, ông Lộc chua xót.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP.HCM) cho hay, vì nghi ngờ tính xác thực của con số này mà bà đã hỏi bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì được bộ này cho biết: vì không có tiền kiểm đếm nên con số đó được bộ tổng hợp trên cơ sở phép cộng cơ học từ báo cáo các địa phương, các địa phương lại cộng từng khu nên có chênh với thực tế.
Cũng cho rằng con số đó chỉ là trên giấy tờ còn thực tế đã “biến dạng hết”, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị Quốc hội nên kết thúc chương trình này (đưa dự án trồng 5 triệu hecta rừng ra khỏi mục tiêu quốc gia) bằng cuộc giám sát thực tế, thực địa những nơi có độ che phủ trong diện báo cáo này xem con số che phủ có đúng không, hay chỉ là trên giấy. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng: Nếu đưa dự án trồng 5 triệu hecta rừng ra khỏi mục tiêu quốc gia thì cần phải có kiểm toán, thanh tra, phải làm như dự án Dung Quất. Quốc hội chưa thể thông qua cho dừng lại, phải đánh giá nghiêm túc vì tiền của Nhà nước là đi vay nước ngoài.
Chí Hiếu – Việt Anh
sài gòn tiếp thị
|