Giảm giá đánh động nhà đầu tư bất động sản
|
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển |
Trong mấy ngày qua, đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc giảm giá tại hai dự án chung cư là PetroVietnam Landmark tại quận 2 và An Tiến tại huyện Nhà Bè, TPHCM. Có người cho rằng sự kiện này là bước khởi đầu cho làn sóng giảm giá, bán tháo các dự án bất động sản nhưng người khác lại cho rằng việc giảm giá chỉ mang tính cục bộ.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển về vấn đề đang được dư luận quan tâm trên thị trường bất động sản hiện nay.
Ông nhận định thế nào về việc hai dư án chung cư trên công bố giảm giá?
- Ông Đinh Thế Hiển : Thật ra, việc giảm giá đã diễn ra cả năm nay rồi. Tại thị trường Hà Nội, nhiều dự án đã đưa ra những chương trình khuyến mãi lớn như một cách để giảm giá bán căn hộ. Thường giới chủ đầu tư không giảm giá trực tiếp, thay vào đó thông qua chương trình khuyến mãi để tránh làm những người mua trước bất bình.
Nhiều công ty lớn có thể đã thấy diễn biến bất lợi của thị trường bất động sản nên cũng đã bán sỉ lại dự án của họ để thoát khỏi thị trường. Do vậy việc giảm giá đã diễn ra nhưng không ồn ào, không rõ rệt trong thời gian qua.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng thị trường đang đóng băng là do bất ổn tài chính tạm thời. Một khi bất ổn tài chính này được giải quyết thì thị trường sẽ ấm trở lại như xưa. Hơn nữa, kinh nghiệm trước nay cho họ thấy bất động sản chỉ đi ngang và rồi đi lên, không có tình trạng giảm giá mạnh như các nước khác.
Tuy nhiện, việc công bố giảm giá tại hai dự án chung cư trên làm người ta mới sực tỉnh lại, sẽ đánh động nhà đầu tư cá nhân.
Ông có cho rằng sẽ có hàng loạt dự án công bố giảm giá bán trong thời gian tới?
- Theo tôi, thị trường qua đợt giảm giá lần này có thể sẽ hình thành một mặt bằng giá mới. Theo đó, những dư án chưa bán hàng sẽ phải cân nhắc giá bán trước khi công bố, còn những dự án đã và đang bán sẽ không thực hiện theo cách thức này. Nghĩa là chủ đầu tư sẽ không công bố công khai, thay vào đó họ sẽ thực hiện cách thức giao dịch thỏa thuận, bán âm thầm hơn cho các tổ chức có tiền. Do vậy, sẽ khó có khả năng xảy ra một làn sóng giảm giá ồ ạt trên thị trường.
Trong kinh doanh, người nào nhanh tay bán trước sẽ bán nhanh, còn những người theo sau, nếu ai cũng áp dụng chiến thuật này, thì sẽ tạo tình trạng chung là người mua sẽ chờ giá giảm tiếp mới mua. Do vậy, chắc chắc các chủ đầu tư sau, nếu có giảm giá, họ sẽ làm kiểu khác để bán hàng.
Chủ đầu tư bán sỉ và tổ chức mua lại chờ thị trường tốt hơn mới bán. Như vậy mặc dù căn hộ đang giảm giá nhưng người mua vẫn khó tiếp cận căn hộ giá giảm, thưa ông?
- Bán sỉ là mong muốn của chủ đầu tư muốn nhanh chóng giải quyết số lượng hàng của mình chứ không phải họ luôn luôn giữ quan điểm là sẽ bán sỉ mà không bán lẻ. Thực ra, nếu bán sỉ không được thì ai tới mua lẻ thì các chủ đầu tư cũng phải bán thôi.
Chẳng hạn như tại dự án PetroVietnam Landmark, với mặt bằng giá mới chủ đầu tư vừa đưa ra, những nguời mua trước vì kẹt tiền muốn bán lại căn hộ đã mua không thể bán cao hơn mặt bằng giá mới. Tất nhiên, lúc đó những người có nhu cầu mua sẽ mua được. Đó là chuyện đương nhiên sẽ phải diễn ra.
Mặc dù khó khăn nhưng nhiều chủ đầu tư ngại giảm giá bán trực tiếp vì sợ làm "mất lòng' những người đã mua trước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Một số công ty bất động sản có cùng quan điểm là sẽ không giảm giá bán căn hộ vì sẽ làm thiệt hại cho khách hàng đã mua. Nhưng đó là mong muốn, là phương án kinh doanh tốt trong điều kiện bình thường. Chẳng hạn, một công ty có 500 căn hộ và đã bán hết 400 căn, công ty đó có thể không chọn phương pháp giảm giá bán trên số căn hộ còn lại nhằm giữ uy tín để sau đó ra dư án mới nhà đầu tư sẽ mua. Đó là cách những công ty có thương hiệu tốt thường làm.
Tuy nhiên, đầu tư là có thắng và có thua. Vì nếu không, lãnh vực bất động sản sẽ hơn lãnh vực khác hay sao? Bất cứ lãnh vực nào, chứng khoán hay vàng, cũng có thua lỗ. Như vậy, khi kinh tế khó khăn thì việc bán giảm giá trong điều kiện bất khả kháng là điều không thể tránh khỏi. Chủ đầu tư có muốn giữ giá cho những người mua trước cũng không được.
Chuyện nhà đầu tư mua trước bị lỗ là điều bình thường vì nguợc lại có những thời điểm họ hưởng siêu lợi nhuận vì giá nhà tăng cao.
Theo ông, việc bất động sản giảm giá trong thời gian sắp tới là một xu hướng tất yếu?
- Việc giảm giá bất động sản là một tiến trình đã chờ đợi từ lâu, chỉ có điều khi nó xảy ra thì mọi người tưởng là bất bình thường. Năm 2007, thị trường bất động sản tăng phi mã, tạo ra kênh đầu tư siêu lợi nhuận. Các chuyên gia đều coi là bất bình thường và luôn nói rằng giá bất động sản sẽ phải giảm xuống, nhưng lúc đó những nhà đầu cơ, kể cả các chủ đầu tư thi nhau đẩy giá lên.
Còn về việc phá sản, chúng ta có thắc mắc gì khi mấy chục ngàn doanh nghiệp đã phá sản trong thời gian vừa qua khi những doanh nghiệp này cũng đã tạo ra công ăn việc làm và làm ra hàng hóa cho nền kinh tế? Vậy thì tại sao bất động sản là không phá sản, chẳng lẽ các doanh nghiệp bất động sản không bao giờ lỗ và không bao giờ phá sản?
Trước đây là siêu lợi nhuận thì bây giờ phải trả lại; còn vấn đề người nào trả người nào không là chuyện của thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Đình Dũng
TBKTSG Online
|