Thứ Sáu, 25/11/2011 13:55

Dẹp “nạn” niêm yết, mua bán bằng USD: Bắt cóc bỏ đĩa?

Ngày 23.11, NHNN đã tiến hành xử phạt 3 đơn vị vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ. Cụ thể là ĐH FPT, Cty TNHH thương mại và chế tác vàng Ngọc Long, DN tư nhân vàng Mỹ Phương đã bị xử phạt với tổng số tiền 650 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngay sau ngày xử phạt 3 đơn vị vi phạm, ngày 24.11 PV Lao Động vẫn ghi nhận tình trạng niêm yết, mua bán USD tự do và công khai. Câu hỏi đặt ra là liệu việc dẹp “nạn” niêm yết, mua bán bằng USD có xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Vẫn niêm yết, mua bán USD

Có thể nói việc NHNN xử phạt 3 đơn vị với số tiền lên tới 650 triệu đồng là một động thái xử lý cứng rắn và nghiêm minh đối với các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ. Sự kiện này đã làm nóng dư luận bởi bên cạnh những biện pháp hành chính, NHNN đã thực sự vào cuộc với quyết tâm xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, Nghị định 95/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, NH đã ban hành và có hiệu lực một thời gian khá dài, đây cũng là vấn đề được quan tâm và làm nóng bấy lâu nay; thế nhưng dường như nhiều đơn vị, cá nhân vẫn... phớt lờ hoặc “chưa cảm nhận được” tính chất nghiêm túc của vấn đề này như một biện pháp cấp thiết của các cơ quan quản lý đang tiến hành, nhằm thiết lập lại trật tự của thị trường tiền tệ.

Chính vì thế mà ngày 24.11, PV Lao Động đã đi thị sát và ghi nhận tình trạng niêm yết, tình trạng mua bán USD vẫn diễn ra khá công khai cho dù không còn quá phổ biến như trước đây. Tại Hà Nội, việc mua bán, trao đổi hàng hóa bằng ngoại tệ vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Dọc các tuyến phố “du lịch” như: Đinh Liệt, Hàng Bạc, Cầu Gỗ, Lý Quốc Sư... rất nhiều biển hiệu, bảng giá được niêm yết bằng USD được treo ngay trước nhà. Điển hình như một cửa hàng ở phố Cầu Gỗ niêm yết giá tour đi Sa Pa là 68USD, đi Hạ Long có 2 loại Duluxe là 59USD và Luxury 99USD và taxi là 10USD. Tại TPHCM, tình trạng này cũng vẫn diễn ra chủ yếu với những DN, đơn vị du lịch lữ hành, tiệm Spa... Đại diện cơ quan quản lý tại đây cho hay từ đầu năm 2011 đến nay cơ quan công an đã phát hiện 54 vụ mua bán ngoại tệ trái phép, trong đó khởi tố hình sự 5 vụ về hành vi kinh doanh ngoại tệ trái phép và chuẩn bị khởi tố thêm hai vụ nữa.

Còn tại chợ USD “đen” phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, bất kỳ ai đi qua đều được không ít những phụ nữ “buôn tiền” ở đây hỏi có “đô” bán/mua không. Phóng viên Lao Động ngày 24.11 có mặt tại đây và khi thâm nhập thị trường thì được biết USD mua vào có mức giá là 21.280đ/USD và bán ra là 21.300đ/USD. Khi phóng viên tỏ ý ngần ngại thì những cá nhân này còn “khuyến cáo” rằng “mấy hôm nay xuống (giá) đấy, nếu mua thì mua ngay không mai kia nó lại tăng. Trong khi đó, kín đáo hơn là các DN kinh doanh buôn bán ôtô, máy tính. Cho dù không niêm yết giá USD, nhưng nếu khách hàng hỏi thì tất cả các dòng xe đều được “quy ra USD” rồi sau đó mới nhân theo tỉ giá tự do. Những DN này lý giải là họ NK hàng bằng USD, nên cũng phải “lấy USD làm chuẩn” để dễ bề tính toán.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Trên thực tế thì đúng là không dễ gì mà các lực lượng chức năng “dàn quân” ra để kiểm tra, xử phạt ở mọi lúc, mọi nơi. Đó là chưa nói đến tình trạng niêm yết, mua bán USD lâu nay đã trở nên khá phổ biến. Một chủ cửa hàng tại Hà Nội khi được hỏi, đã lý giải: Chúng tôi chủ yếu phục vụ đối tượng là du khách nước ngoài. Việc niêm yết bằng VND thực ra sẽ khó khăn cho các DN, cửa hàng vì du khách sẽ khó hình dung được là số tiền VND đó sẽ tương ứng với bao nhiêu USD, khi đó họ sẽ không biết là mức giá đó là rẻ, là đắt hay là phù hợp. Chủ cửa hàng này cũng cho rằng, nên chăng cần sự tính toán là ở những loại hình DN đặc thù như DN du lịch, lữ hành... thì bên cạnh hình thức niêm yết bằng VND, cần cho phép được mở ngoặc ghi thêm mức giá USD để du khách nắm được mức giá. Tất nhiên là khi giao dịch sẽ vẫn phải là VND. Đây cũng là một đề xuất cần xem xét.

Tuy nhiên, số đông các ý kiến đều cho rằng các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, bởi lẽ với 3 đơn vị vừa bị xử phạt chỉ là những đơn vị “có tóc”. Trong khi đó, số đông những cửa hàng và cá nhân nhỏ lẻ lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường này khi mà số lượng giao dịch tuy nhỏ, nhưng tần suất lại rất lớn. Bên cạnh đó, một vấn đề cần đặt ra là nên chăng, cần mở rộng hơn đối tượng được cấp phép thu đổi ngoại tệ. Đây thực chất sẽ là những kênh rất quan trọng để vừa đáp ứng nhu cầu thu đổi ngoại tệ cho du khách nước ngoài khi đến VN, vừa là “cánh tay nối dài” cho chính các NH, cơ quan quản lý để góp phần dẹp “nạn” niêm yết, mua bán USD tự do. Thực tế này đã được chứng minh là ở nhiều quốc gia, tại sân bay, siêu thị, nhà hàng, thậm chí là các cửa hàng ở các khu phố đều có nơi thu đổi ngoại tệ sang nội tệ để tiện cho du khách chi tiêu khi có nhu cầu.

Đại diện NHNN cũng khuyến cáo là hiện nay, hầu hết tiệm vàng không được cấp phép mua bán ngoại tệ sẽ là tâm điểm thanh tra, kiểm tra. Do vậy để tránh rủi ro - trong đó có việc phạt tiền và tịch thu tang vật – người dân cần thực hiện giao dịch ở đúng nơi quy định để tránh thiệt hại khi bị xử lý. Bên cạnh đó, hình thức giao dịch này không chỉ góp phần quản lý thị trường mà còn tránh cho người dân rủi ro khi bị đưa cho tiền giả.

Đặng Tiến – Đức Long

lao động

Các tin tức khác

>   Thống đốc Ngân hàng nhận lỗi về thanh tra trần lãi suất (25/11/2011)

>   Tái cơ cấu ngân hàng là… ghép đôi? (25/11/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tuần trở lên giảm mạnh (25/11/2011)

>   Có không “lợi ích nhóm” trong chính sách tiền tệ? (24/11/2011)

>   Thống đốc: “Đánh chuột nhưng không để vỡ bình” (24/11/2011)

>   Ông Đặng Thành Tâm: 'Ngân hàng sẽ hết hấp dẫn' (24/11/2011)

>   Nguy cơ bị đánh cắp PIN khi giao dịch ATM (24/11/2011)

>   Giá đôla tự do giảm mạnh (24/11/2011)

>   Ngân hàng chạy đua 'hút' kiều hối (24/11/2011)

>   Tín dụng 2012: Nới room cũng khó tăng (24/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật