Thứ Tư, 30/11/2011 17:11

Dân lại đua bán vàng 'phi' SJC trước giờ G

Dù dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng chưa được duyệt, song trước đó, việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến thời gian triển khai nghị định mới bắt đầu từ ngày 1/12 đã khiến thị trường vàng ngày cuối tháng 11 có những biến đổi nhất định.

Theo anh Hoàng Hữu Định, nhân viên kinh doanh Bảo Tín Minh Châu, sáng nay, lượng người mang vàng miếng các thương hiệu khác không phải SJC đi bán đông hơn mọi ngày. Nếu như hôm qua, tổng lượng vàng khách bán ra chiếm 70%, mua vào 30% thì sáng nay, lượng bán chiếm tới 95%. Nhiều người trong số họ lo sợ rằng nếu không bán loại vàng 'phi' SJC này trong hôm nay thì từ mai giá sẽ rớt mạnh, thậm chí doanh nghiệp không mua lại.

“Mặc dù chúng tôi đã giải thích với khách hàng rằng sẽ không có chuyện doanh nghiệp không mua lại vàng 'phi' SJC của khách, nhất là loại vàng mà chúng tôi sản xuất ra thì chắc chắn chúng tôi sẽ mua lại, song nhiều người vẫn bất an. Hơn nữa dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng còn chưa công bố thời điểm thi hành, nhưng một số người dân không cập nhật tin tức, có người hôm nay mới đáo hạn gửi vàng ở ngân hàng, đã vội rút ra mang đi bán hoặc đổi sang vàng miếng SJC”, anh Định nói.

Tại các cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu, nếu như trước đây chỉ mua bán 2 loại vàng miếng là rồng Thăng Long do doanh nghiệp sản xuất và SJC, thì hiện đã mua bán thêm những loại vàng miếng khác như AAA, SBJ…

Cũng vì người dân hôm nay lại đua bán vàng 'phi' SJC và chỉ mua vào vàng miếng SJC nên chênh lệch giá giữa 2 loại vàng này tại Bảo Tín Minh Châu lại được đẩy lên tới 500.000 – 600.000 đồng mỗi lượng. Chẳng hạn, lúc 14h40, giá vàng rồng Thăng Long được mua – bán tương ứng 44,1 – 44,35 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng SJC niêm yết mua vào 44,69 triệu và bán ra 44,91 triệu đồng.

Người dân vẫn đua bán vàng không phải SJC.

Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu, ông Vũ Minh Châu giải thích thêm, một nguyên nhân nữa khiến người dân lo lắng và đua nhau đi bán hết những chỉ vàng cuối cùng có thương hiệu không phải SJC vào những ngày cuối tháng 11 này, là do vài ngày qua Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn không mua vàng của các thương hiệu khác như trước nữa.

Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cho biết, hiện nay chúng tôi đã bị Ngân hàng Nhà nước khống chế về hạn mức gia công vàng miếng nên không thể mua của các thương hiệu khác về gia công thành SJC như trước được.

Với SJC thì bị khống chế về hạn mức gia công, còn các doanh nghiệp khác cũng ngừng sản xuất, gia công vàng miếng cả tháng nay, dù dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng chưa có thời điểm thực thi cụ thể.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc vàng AAA cho hay, hơn một tháng trước, doanh nghiệp đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngừng sản xuất gia công vàng miếng, chờ quy định mới.

Theo ông Trúc, thông thường các doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất vàng miếng khi được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nhưng mấy tháng qua, các doanh nghiệp gần như không được cấp quota nhập khẩu vàng, ngoại trừ SJC.

Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu cũng cho biết tương tự. Hiện doanh nghiệp ông vẫn “tích cực” mua lại vàng miếng phi SJC để đảm bảo nhu cầu khách hàng. “Số vàng này thông thường chúng tôi làm nguyên liệu để sản xuất vàng rồng Thăng Long, song giờ đang bị cấm sản xuất nên chúng tôi chưa biết làm gì. Chỉ còn cách bán cho các bạn hàng khác nếu họ có nhu cầu, hoặc đặt Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn gia công lại thành vàng SJC. Nhưng hiện SJC cũng ngừng các đơn hàng gia công từ doanh nghiệp khác, nên chúng tôi khó khăn trăm bề”.

Trong tình hình này, lãnh đạo một số doanh nghiệp vàng lớn nhìn nhận, khi dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng của Nhà nước còn nhiều bàn cải và chưa có ngày ấn định hiệu lực, trong khi giá 2 thương hiệu vàng SJC và 'phi' SJC chênh lệch nhau lớn, vẫn có cách để nhà đầu tư kiếm lời.

Lãnh đạo một doanh nghiệp vàng cho hay, thực tế đã có một nhóm nhà đầu tư có vốn liếng đang mua vào dần những thương hiệu vàng 'phi' SJC vào những thời điểm có bước giá thấp để tích trữ. Họ tin rằng những loại vàng này chất lượng là như nhau nên không sợ rủi ro, vậy tội gì mà không mua loại rẻ hơn.

Ông Nguyễn Thanh Trúc cho hay, trường hợp nghị định kinh doanh vàng được chính thức triển khai và chỉ có vàng miếng SJC được lưu thông, thì những người nắm giữ các loại vàng miếng khác vẫn còn cửa. Họ chỉ phải tốn thêm phí gia công để chuyển đổi sang thương hiệu SJC, mức phí này khoảng 30.000 đồng/lượng. Do đó, với mức giá chênh lệch lớn như hiện nay, nếu phải đổi sang vàng miếng SJC thì người dân nắm giữ các thương hiệu vàng miếng khác cũng không bị lỗ, thậm chí còn lời.

Đông Nhiên

ĐẤT VIỆT

Các tin tức khác

>   Vàng miếng “phi SJC” được yêu cầu ngừng sản xuất (30/11/2011)

>   Giá vàng lên 45,1 triệu đồng (30/11/2011)

>   Vàng lên cao nhất trong hơn một tuần nhờ đồng USD yếu (30/11/2011)

>   Độc quyền: Lo nảy sinh 'chợ đen' vàng (30/11/2011)

>   Dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng còn phải sửa nhiều (29/11/2011)

>   Sản xuất vàng miếng ngưng trệ (29/11/2011)

>   Giá vàng xuống dưới 45 triệu đồng (29/11/2011)

>   Vàng vượt mốc 1,710 USD/oz, bạc vọt 3.7% (29/11/2011)

>   Vàng miếng khác có thể sẽ được đổi ngang giá với SJC (28/11/2011)

>   Tổng Giám đốc PNJ: Quản lý vàng miếng vì lợi ích quốc gia (28/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật