Công ty niêm yết lũ lượt tính chuyện bỏ sàn
Không chỉ xót ruột vì tài sản sụt giảm theo giá cổ phiếu, nhiều ông chủ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán còn có một mối lo ngại lớn hơn nhiều đó là bị thâu tóm. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến một số công ty đã tính tới chuyện rời sàn?
Vụ Masan-VCF: Thâu tóm quá nhanh
Có thể thấy rõ nguy cơ này ngay hồi giữa tháng 9 vừa qua. Khi đó HĐQT Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF) đã không khỏi giật mình khi nhận được đề nghị chào mua công khai hơn 50% vốn điều lệ.
Người đưa ra đề nghị này là một đại gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - CTCP hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer-MSF), cũng ở trên sàn chứng khoán HOSE.
HĐQT VCF đã ngay lập tức có một cuộc họp bất thường nhưng chốt lại VCF vẫn phải gửi công văn đến HOSE xin hoãn công bố thông tin về quan điểm chào mua công khai của Masan Consumer thêm 14 ngày bởi chưa nhận định được mục đích chào mua cũng như kế hoạch phát triển VCF của Masan sau khi chào mua thành công.
Vụ việc đã nhanh chóng đi đến hồi kết sau đó chỉ hơn 1 tháng với việc Masan đã mua được số cổ phần mong muốn và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan) và ông Trương Công Thắng (Tổng giám đốc Masan Consumer - MSF) đã ngồi vào HĐQT của VCF.
Mục đích của Masan cũng đã được phân tích một cách rõ ràng đó là chiếm lĩnh thị trường café hòa tan mà trong 30 năm qua VCF đã vươn lên thành người dẫn đầu thị trường với một hệ thống mạng lưới phân phối rộng lớn.
Cũng như các hoạt động khác, thâu tóm cũng có hai mặt. Cũng có khi là tốt mà cũng có khi là xấu. Cái này phần nhiều phụ thuộc vào ý chủ quan của người đi thâu tóm. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp bị thâu tóm sẽ không chủ động được với đường lối phát triển của mình.
Cổ phiếu rẻ như rau, nguy cơ bị thâu tóm lớn
Vụ thâu tóm VCF diễn biến quá nhanh do Masan có thể đã chuẩn bị cho phương án này từ lâu và chỉ chờ cơ hội thị trường đi xuống và cổ phiếu dễ mua bán để tiến hành ý định của mình thông qua sự hỗ trợ của một số đơn vị với vai trò là bên thứ ba.
Dù với cách nào đi nữa, một điều có thể nhận thấy đối với các công ty đại chúng nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn. Đối với VCF, việc thâu tóm có thể nói còn khó thực hiện hơn so với rất nhiều các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn bởi tỷ lệ Nhà nước (Tổng công ty Cà phê Việt Nam - Vinacafe) nắm giữ là khá nhiều; VCF là một doanh nghiệp nổi tiếng, được nhiều người biết đến và giá trị công ty không bị đánh giá quá thấp so với thực tế, với giá chào mua lên tới 80.000 đồng/cổ phiếu...
Trong khi đó, cùng với xu hướng lao dốc không phanh của TTCK, nhiều cổ phiếu hiện đang niêm yết trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCOM có giá quá thấp.
Trong số 700 doanh nghiệp niêm yết thì có tới hơn 400 doanh nghiệp có thị giá thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng (với nhiều mã đứng ở mức 2.000-5.000 đồng/cổ phiếu), trong khi giá trị sổ sách của hơn 90% các doanh nghiệp này cao hơn so với mệnh giá.
Điều này cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp mà giá cổ phiếu đang không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp bởi TTCK chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như chính sách, dòng tiền, niềm tin...
Tất nhiên nói đến giá cổ phiếu còn phải nói đến hoạt động của doanh nghiệp trong quá khứ và tương lai. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng gặp quá nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế bi đát. Nhiều doanh nghiệp dù chật vật nhưng vẫn đang làm ăn có lãi và trả cổ tức đều đặn.
Nói tới điều này có thể liên tưởng tới thông tin Gỗ Tân Mai (TMW) vừa trả quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% (tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu) nhưng giá trên sàn khi đó chỉ là 4.500 đồng/cổ phiếu. Trong năm trước đó là 2010, TMW cũng chốt trả cổ tức tỷ lệ 20% và có hoạt động kinh doanh rất tốt với EPC đạt 8.730 đồng/cổ phiếu.
Nó cho thấy nhiều doanh nghiệp đang bị TTCK đánh giá một cách méo mó và có thể các doanh nghiệp này sẽ rơi vào tầm ngắm thâu tóm của một số đối tượng có tiền nếu như tính đại chúng và thanh khoản của các doanh nghiệp này cao.
Hiện tượng hủy niêm yết
Chưa phải làn sóng, nhưng hiện tượng một số doanh nghiệp quyết định hủy niêm yết cho thấy nhiều người, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đang ngày càng mất niềm tin vào TTCK.
Ngoài những doanh nghiệp bị bắt buộc phải hủy niêm yết do sai phạm và không đáp ứng được điều kiện như DVD, VTA, FPC... một số doanh nghiệp khác đã xin hủy niêm yết như SQC, SGT, TBC, CSG, TRI, V11, S27... với nhiều lý do nhưng chung nhất là do lên sàn không huy động được vốn và giá xuống thê thảm.
Chẳng hạn, ngày 15/11, Công ty CP nước giải khát Sài Gòn (Tribeco, mã chứng khoán TRI, sàn HoSE) đã gửi thư cho cổ đông xin ý kiến việc hủy niêm yết cổ phiế TRI đang giao dịch tại HoSE. Khối lượng xin hủy bao gồm toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành (27.548.360 cổ phiếu). Trước đó, ngày 30/9, Công ty CP Sông Đà 27 (mã S27, sàn HNX) cũng xin hủy niêm yết. Ngoài ra, hàng loạt đơn vị khác cũng xin tự nguyện hủy niêm yết như Công ty CP Thủy điện Thác Bà (TBC), Công ty CP Cáp Sài Gòn (CSG)…
Ngoại trừ yếu tố chiêu trò như là xin tự hủy niêm yết để sau lên sàn lại và tự định giá lại cổ phiếu, thì một điều có thể nhận thấy rõ là việc giá cổ phiếu quá thấp đang làm ảnh hưởng tới hình ảnh của các doanh nghiệp, khiến các ông chủ đau đầu. Lên sàn chưa thấy lợi nhưng phải chịu ràng buộc của các quy định là rất lớn và nhiều khi ảnh hưởng tới quyết định kinh doanh nhanh của công ty. Hơn thế nữa, nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn.
Câu chuyện thâu tóm trên thị trường chứng khoán không có gì là mới mẻ. Nó có đầy rẫy trong sách vở và thực tế hàng chục ngàn vụ lớn nhỏ đã xảy ra trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có, nhưng cùng với sự phát triển của TTCK thì những vụ thâu tóm mới được nhận biết rõ ràng hơn, những người trong cuộc mới thấm thía hơn.
Và khi đó nhiều người sực tỉnh rằng lên sàn chứng khoán có rất nhiều điểm lợi, nhưng ở đó không phải tất cả mọi thứ đều tốt đẹp. Quản trị không tốt, thông tin không minh bạch công khai... có thể khiến doanh nghiệp đi xuống thảm hại.
Ngọc Thảo
Diễn đàn kinh tế VN
|