Thứ Năm, 24/11/2011 22:31

Thê thảm chứng khoán

Nhà đầu tư ngao ngán, công ty chứng khoán co cụm, doanh nghiệp niêm yết tìm cách rút lui; giá nhiều cổ phiếu chỉ còn 2.000 đồng - 3.000 đồng, thậm chí 600 đồng

Thị trường chứng khoán suy giảm kéo dài, nhà đầu tư đến sàn thưa thớt. 

Thị trường chứng khoán (TTCK) đang rơi vào tình cảnh ê chề, bi đát nhất vì các đối tượng tham gia (từ nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) niêm yết đến công ty chứng khoán) đều đang rơi vào tình trạng chán nản. Nhiều nhà đầu tư không buồn ngó ngàng đến thị trường, công ty chứng khoán thua lỗ, thu hẹp hoạt động, còn DN thì lần lượt xin hủy niêm yết vì giá trị DN liên tục sụt giảm.

Thực trạng não nề

Hỏi đến tình hình thị trường, hầu hết nhà đầu tư hiện nay đều lắc đầu. Nhiều nhà đầu tư đã dùng tiền vào việc khác, những nhà đầu tư bị thua lỗ nhiều quá nay chán nản cũng từ bỏ thói quen theo dõi thị trường. Các sàn chứng khoán từ lâu đã vắng bóng nhà đầu tư, nay càng vắng hơn. Nhiều sàn chỉ lèo tèo mươi người ra vào trong suốt phiên giao dịch…

Tình hình giá cổ phiếu càng buồn thảm hơn. Trong 10 phiên trở lại đây, cổ phiếu VKP của Công ty CP Nhựa Tân Hóa (sàn TPHCM) có đến 7 phiên giảm sàn (3 phiên còn lại đứng giá). Ngày 24-11, VKP chỉ còn 600 đồng/cổ phiếu, giá “bèo” đến mức chưa từng diễn ra trên TTCK Việt Nam...

Thực tế hiện nay, giá nhiều cổ phiếu đang thấp hơn giá trị sổ sách rất nhiều. Trên 2 sàn giao dịch có tổng cộng trên 400/693 cổ phiếu có giá thấp hơn mệnh giá (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) và 570 cổ phiếu niêm yết có thị giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Trong số đó rất nhiều cổ phiếu giá chỉ còn 2.000 đồng đến 5.000 đồng. Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ nhiệm CLB Các DN niêm yết, người đang có “chân” trong vài công ty niêm yết, ngao ngán: “TTCK đang bị méo mó, lệch lạc hay nói đúng hơn là “dị dạng”, không phản ánh đúng bản chất của nó qua thị giá cổ phiếu”.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán vốn là chiếc cầu nối giữa nhà đầu tư với thị trường thì đang rơi vào tình trạng hết sức thảm hại. Thua lỗ kéo dài, nhân sự lần lượt ra đi tìm việc khác, nhiều công ty phải “dẹp” bớt chi nhánh để sống qua ngày vì không gánh nổi chi phí. Mới đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cảnh cáo công ty CP chứng khoán T. về nguy cơ mất khả năng thanh toán. Đầu tháng 11, công ty CP chứng khoán S. cũng đã bị VSD đình chỉ hoạt động lưu ký trong vòng một tháng do thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thanh toán và không hoàn trả tiền vay quỹ hỗ trợ thanh toán đúng thời hạn...

Xấu quá mức vì thiếu chăm sóc!

Đại hội cổ đông bất thường mới đây của Công ty CP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CMX) đã thông qua việc hủy niêm yết trên HoSE. Không nêu ra lý do cụ thể nhưng ai cũng hiểu CMX đang rơi vào tình trạng cảnh cáo toàn thị trường và công ty đang tái cấu trúc vì thay đổi thành viên HĐQT. Nhiều DN khác như SQC, SGT, V11, MKP, IFS… cũng xin rút niêm yết. “Bản thân công ty nhận thấy sàn chứng khoán không còn cần thiết nữa…” - lãnh đạo một công ty vừa xin rút niêm yết khỏi sàn chứng khoán cho hay. Vị này bức xúc: “Không thể nào yên tâm khi thấy cổ phiếu của mình cứ rớt giá từng ngày”.

Mới đây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC), xót xa đặt vấn đề: “Lẽ nào một công ty có tài sản cũng như doanh số hơn 100 triệu USD chỉ có giá trị thị trường chưa đầy 20 triệu USD” và kêu gọi CBCNV, cổ đông HBC “nếu có điều kiện, chúng ta cùng nhau đăng ký mua, bán thỏa thuận để đỡ giá cổ phiếu”...

Với một chuyên gia chứng khoán lâu năm, từng theo sát thị trường, chua xót: “Thị trường đã xấu quá mức, đã vượt xa mức xấu chung. Chứng khoán ê chề do kinh tế ảm đạm chỉ là một lẽ, cái chính là chưa được chăm sóc. Nếu được quan tâm đúng mức, xem TTCK là hàn thử biểu, là kênh dẫn vốn hiệu quả cho DN để phát triển kinh tế và được quản lý chặt chẽ… thì chắc chắn thị trường sẽ không đến nỗi”.

Cần có giải pháp cụ thể

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, cho rằng: Cái lớn nhất làm cho “mạch” của thị trường bị yếu đi đó chính là việc cơ quan chức năng đã để các tổng công ty đầu tư ngoài ngành quá nhiều, không kiểm soát. Đến khi bắt buộc thoái vốn thì DN phải chịu lỗ, còn thị trường thừa cung.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới Công ty CP Chứng khoán MHB, cho rằng: Cơ quan quản lý cần vực dậy TTCK chứ không “đổ thừa” do kinh tế khó khăn. Thực tế cho thấy khi chứng khoán thịnh vượng thì đã để nó hưng phấn quá đà, nay thị trường suy giảm lại để bi quan quá mức. Điều quan trọng hiện nay là cần phải có giải pháp hỗ trợ thị trường cụ thể chứ không chỉ là kế hoạch. Phải tạo ra cơ chế chính sách dài hơi cho các hoạt động giao dịch, cũng như tăng cường các sản phẩm dịch vụ phù hợp thông lệ quốc tế để thu hút nhà đầu tư…

Sơn Nhung

người lao động

Các tin tức khác

>   Khối ngoại tiếp tục bán STB và VIC, gom mạnh FPT (24/11/2011)

>   24/11: Bản tin 20 giờ qua (24/11/2011)

>   Kênh nào cho dòng tiền từ chứng khoán? (23/11/2011)

>   Chứng khoán tăng trần: Coi chừng bẫy "lò xo nén" (23/11/2011)

>   Loại trừ giao dịch 4.9 triệu cp STB, khối ngoại mua ròng 30 tỷ đồng trên HOSE (23/11/2011)

>   Vụ kiện Chứng khoán Phố Wall: “Ác mộng” khi cơm chẳng lành (23/11/2011)

>   CP phát hành thêm: Bỏ thì thương, vương thì tội (23/11/2011)

>   23/11: Bản tin 20 giờ qua (23/11/2011)

>   Chứng khoán Tràng An bị cảnh cáo do vi phạm quy chế bù trừ và thanh toán chứng khoán (22/11/2011)

>   Chu kỳ thị trường – Market Cycles (22/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật