Kênh nào cho dòng tiền từ chứng khoán?
(Vietstock) - Tín hiệu về sự phục hồi của một thị trường nào đó đang xuất hiện ở đâu? Trong thị trường chứng khoán, vàng hay bất động sản? Có lẽ chỉ có một ít công ty và tổ chức tư vấn có kinh nghiệm về mối giao kết giữa các thị trường mới có thể đáp ứng được những lý giải ban đầu.
Cơn ác mộng vẫn chưa kết thúc
Vào giữa năm 2011, khi thị trường đột ngột sa chân vào hố cát sau nhiều ngày vật vờ trên sa mạc mênh mông, đã xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư đi buôn gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Còn khi cái Tết năm 2012 đang lừng lững ập tới, lại có giai thoại về một phó tổng giám đốc công ty chứng khoán nào đó ở Hà Nội đi bán… lạc rang.
Giữa năm nay, trong cơn bĩ cực rên siết của thị trường, người ta đã thử làm một phép cộng đối với số tiền mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ còn găm giữ trong tài khoản. Ước tính còn khoảng 5,000 tỷ đồng. Nhưng khi đó chỉ số HNX của sàn Hà Nội vẫn còn ở vùng 75-80 điểm. Còn giờ đây, khi chỉ số này đã chạm vùng 60 điểm và nhiều cổ phiếu đã giảm thêm 25-30% nữa, hẳn số tiền 5,000 tỷ kia đã vơi đi ít nhất 20%.
Chỉ còn lại rất ít hy vọng cho 80% tỷ lệ tài khoản “chết” của nhà đầu tư nhỏ lẻ hồi sinh. Niềm hy vọng thị trường lập đáy dài hạn trong con sóng tăng vào tháng 6/2011 đã được thay thế bằng nỗi thất vọng có tên “Khủng hoảng niềm tin” – một hội chứng đang lan rộng khắp các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới, lại được cộng hưởng thêm bằng phong trào “Chiếm Phố Wall” khiến các nhà đầu tư đang hình dung ra một cái gì đó tương tự như “Thập kỷ mất mát” ở Mỹ sau Thế chiến lần thứ hai và ở Nhật vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Trong bối cảnh chia lìa trên, nhà đầu tư lại một lần nữa phải đối diện với một giao lộ mang ảo ảnh của ngã tư, ngã năm đường. Ngày càng hiện ra nhiều hơn số nhà đầu tư, hoặc đã thật sự rơi vào trạng thái trầm cảm, hoặc đang quyết tâm rời bỏ cuộc chơi của sàn chứng khoán. Nhưng đi đâu – đó vẫn là câu hỏi tra tấn họ ngày và đêm.
“Đứa con rơi” – như một ẩn dụ đối với thị trường chứng khoán từ 6 tháng nay, gần đây lại bị gán ghép cho cụm từ “đứa con bị bỏ quên”. Từ tháng 10 đến giờ, điều ngạc nhiên là dù vận động của nền kinh tế đang theo chiều hướng “tái cấu trúc”, nhưng chứng khoán dường như lại là một ngoại lệ. Một vài chuyên gia kinh tế đã phải bày tỏ nỗi thất vọng về tình trạng ngoại lệ đó, nhất là sau khi Ủy ban chứng khoán quốc gia đưa ra một kế hoạch với hàng loạt hạng mục cần làm, nhưng tất cả chỉ nhằm phục vụ cho trung hạn. Đã không hề có lấy một động tác ngắn hạn nhằm thức thời hơn cho cái thị trường đang khốn quẫn này.
Sự khốn quẫn càng được cấp số cộng với khoảng ba chục mã cổ phiếu có thị giá từ 3.000 đồng trở xuống. Chuyện một cổ phiếu chỉ còn mức giá 800 đồng trên sàn niêm yết đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho cả thị trường OTC.
Nhưng mối an nguy mà người ta lo sợ từ giữa năm nay đang được hiện thực hóa nhanh chóng: cho dù mặt bằng giá cổ phiếu đã rơi rụng ghê gớm, thanh khoản cũng không vì thế mà được kích thích. Có vẻ như xu hướng “OTC hóa” đang là một giấc mơ chưa có hồi kết. Có lẽ nhiều nhà đầu tư đã tự hỏi: vì sao Ủy ban chứng khoán nhà nước vẫn đủng đỉnh khi giấc mơ đó đang biến dần thành cơn ác mộng của tất cả các nhà đầu tư nội và ngoại?
Ngã năm
“Ngã ba đường” - từ ngữ dân gian truyền thống – chỉ mang tính tượng trưng số ít, trong khi số nhiều đang thuộc về một dạng ngã năm: chứng khoán, vàng, ngoại tệ, lãi suất và bất động sản.
Quả thực, có ít ra 5 kênh cho nhà đầu tư chọn lựa trong thời buổi khó hiểu như hiện thời. Nhưng sau cái không thể hiểu đối với thị trường chứng khoán, điều khó hiểu không kém là dường như tất cả mọi kênh đầu tư đều trở nên bế tắc – một nghịch lý quá lớn nếu xét đến việc GDP quốc gia vẫn tiếp tục tăng 5-6%, dù đây chỉ là một tốc độ khiêm tốn hơn nhiều so với “quyết tâm” 8-9% hồi đầu năm 2011.
Bắt đáy chứng khoán giờ chỉ còn là một khái niệm, hoặc một hành vi theo thói quen, gần giống như quán tính của những nhà đầu tư chưa thể rời sàn và cũng không muốn bị xem là người ăn không ngồi rồi đối với xã hội, đặc biệt là đối với khoản thu nhập đang còm cõi đi rất nhiều của các công ty chứng khoán.
Dù chưa có con số điều tra chính thức, nhưng tâm trạng và phản ứng của nhà đầu tư tại các sàn giao dịch đã cho thấy tâm lý bắt đáy đang cạn dần theo độ vơi của tiền trong tài khoản. Bắt đáy trong khi không một ai dám chắc là thị trường đã lập đáy, hoặc ít nhất cũng sắp chạm vào vùng đáy…
Khi HNX đang lấp lửng ở vùng 63-65 điểm, một cán bộ của một cơ quan thuộc Ủy ban chứng khoán nhà nước đã thất vọng cực độ: cứ cái đà này thì việc điểm số còn trượt thêm 50% là chuyện bình thường. Một cách logic từ dự cảm xấu xí ấy, vào những buổi sáng gần đây, vị công chức thức thời này đã chuyển kênh trên màn hình: thay vì mở bảng điện cổ phiếu thì nhấp chuột sang những mục khác, đặc biệt chú tâm đến những bài báo có tính “định hướng” về kênh có thể đầu tư.
Cứ mỗi tuần lại có ít ra vài ba bài viết như thế (bài viết này có lẽ cũng không phải là ngoại lệ). Nhưng sự khó hiểu của thị trường chung cũng là sự khó xử của các tác giả tại phần kết của bài viết. Thông thường thì đã không có một phương án nào được xem là khả dĩ, hay nói cách khác, tác giả chọn cái kết mở cho… an toàn.
Khác với cách đây vài tháng, vàng không còn được nhà đầu tư chứng khoán chú tâm, chọn làm kênh dự phòng cho hoạt động kinh doanh cổ phiếu. Còn nhớ vào đầu tháng 9/2011, thị trường vàng miếng vẫn còn nóng ran với thanh khoản hàng trăm ngàn lượng/ngày. Nhưng điều gì đã xảy ra khi đến nay, tình thế đã hoàn toàn đổi khác? Thay cho lượng cầu dồi dào không ngưng nghỉ trước đây, vào lúc này lại phổ biến tình trạng “chín người bán một người mua”. Thanh khoản vàng cũng đã giảm đi đến phân nửa hoặc hơn.
Có một nét gì đó khá tương đồng giữa chuyện Bảo Tín Minh Châu đại hạ giá vàng miếng của họ với vụ việc dự án Petro Landmark bán tháo căn hộ ở quận 2. Một tín hiệu bất thường và bất an cho thị trường vàng, ở vào thời điểm thanh khoản đang có dấu hiệu ngưng trệ sao?
Có thể. Một khả năng hoàn toàn có thể. Sự khác nhau giữa vàng và chứng khoán đang được bộc lộ ở chỗ một thị trường đang vời vợi cao ở vùng đỉnh, còn thị truờng kia lại lẹt đẹt ở vùng đáy (nếu có thể xem là vùng đáy). Nhưng điều nguy hiểm là thị trường vàng lại đang có chiều hướng biến tấu theo thị trường bất động sản và cả thị trường chứng khoán với mức giao dịch giảm dần, xen kẽ giảm mạnh. Trong quá nhiều bài học của lịch sử, đó thường là hiện tượng chuẩn bị lao dốc, thậm chí còn rơi vào kênh giảm giá dài hạn.
Cũng bởi thế, từ đầu tháng 10/2011, những nhà đầu tư tác chiến cả hai thị trường chứng khoán và vàng đã bắt đầu giảm dần hoặc ngưng chuyển vốn vào vàng, đặc biệt là những người nhạy cảm với một thông tư của Ngân hàng nhà nước được ban hành vào tuần đầu tháng 10/2011 về hạn chế việc mua bán vàng tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cũng như thị trường ngoại tệ, kênh vàng miếng đang tiếp nhận khá nhiều tín hiệu về giảm sút lượng giao dịch, mà có thể dẫn tới tương lai kiệt quệ thanh khoản. Mua dễ nhưng bán khó thì mua bán để làm gì?
Ngã rẽ?
Một điểm thú vị là phần lớn những bài viết “định hướng đầu tư” từ đầu tháng 11/2011 đến nay lại nghiêng về lời khuyên bỏ tiền vào… ngân hàng. Ít rủi ro nhất, an toàn nhất, tiện lợi nhất, ít lời nhất nhưng bảo toàn được vốn liếng, không làm gì mà cũng có thặng dư… - lời khuyên đó thật không khác mấy với quan điểm về cái kết mở của những tác giả viết bài.
Điểm thú vị không kém là lời khuyên trên lại xuất hiện đúng vào lúc ngay cả trang thông tin SBV của Ngân hàng nhà nước cũng đưa ra khuyến cáo gần tương tự. Một tình trạng suy thoái toàn diện về tất cả các kênh đầu tư chăng? Và logic tiếp theo là hệ quả suy thoái toàn diện của nền kinh tế?
Nhưng đối với những nhà đầu tư chứng khoán đã quen với tỷ lệ chinh chiến cộng trừ ít nhất vài ba chục phần trăm, chuyện bỏ tiền vào ngân hàng để được hưởng tối đa 14% cho kỳ hạn năm và tối thiểu 6% cho kỳ hạn dưới 1 tháng đương nhiên là một triết lý của sự thất bại.
Nói cách khác, thị trường lãi suất quá mang tính cầu toàn, mà vì thế nó đã không thể trở thành một thị trường kinh doanh đúng nghĩa. Đó là chưa nhìn sang nửa khuôn mặt khác của lãi suất: lạm phát. Năm 2011, cứ cho là tỷ lệ lạm phát xấp xỉ 18-20%, hiệu quả của gửi tiết kiệm là thực âm. Còn sang năm 2012, cứ cho tỷ lệ lạm phát chỉ bằng phân nửa năm 2011, thì với xu hướng hạ dần lãi suất huy động, kết quả của “kinh doanh” lãi suất” tốt lắm cũng chỉ… hòa vốn.
Ai là người chỉ đường?
Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan vì các thị trường không thể cứ mãi giậm chân ì ạch như thế này được. Với các nhà đầu tư chứng khoán thuộc dạng “mất phương hướng” hoặc bị “khủng hoảng niềm tin”, điều cần nhất đối với họ là những lời khuyên có chứng có lý của các tổ chức phân tích và tư vấn. Từ đó, dòng tiền sẽ quyết định hoặc nằm lại chờ thời trong kênh chứng khoán, hoặc đi tìm một miền đất hứa khác.
Nhưng đến đây, nhà đầu tư lại vấp phải một ngưởng cản khó hiểu khác. Trong số 105 công ty chứng khán đang tồn tại, có ít nhất 1/3 đã và đang thực hiện chức năng tư vấn chứng khoán một cách chuyên nghiệp. Con số này xem ra là nhiều hơn hẳn so với lượng công ty tư vấn trong thị trường bất động sản và trở thành quá nhiều so với số đơn vị tư vấn về thị trường vàng.
Trong khi đó, lại thiếu hẳn cơ chế tư vấn hỗn hợp tư vấn về mối liên hệ giữa các thị trường. Chứng khoán đã thường chỉ biết chứng khoán, vàng và bất động sản càng không hơn gì, trong khi nhà đầu tư lại cần đến sự phân tích thấu tình đạt lý về mối tương quan giữa chứng khoán với các thị trường còn lại.
Chẳng hạn như vì sao sau văn bản ngày 14/11/2011 của Ngân hàng nhà nước về loại trừ 4 nhóm đối tượng trong cách tính tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất tại các ngân hàng thương mại, ngay cả thị trường nhà đất vẫn chạy ngang, còn chỉ số chứng khoán lại càng thê thiết hơn.
Hoặc mới đây trong một cuộc họp báo, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như chính sách đối với thị trường bất động sản và khả năng giảm lãi suất. Có thể nói, đây là một trong những lần xuất hiện hiếm hoi của vị lãnh đạo đầu ngành ngang hàm bộ trưởng này, cụ thể là từ đầu tháng 9/2011 đến nay. Nhưng vì sao thị trường chứng khoán hay thị trường vàng, ngoại tệ lại không được nêu ra như những minh họa trong nội dung trả lời khá thận trọng của ông? Phải chăng lại có thêm một tín hiệu nữa để nhà đầu tư suy ngẫm?
Bỏ qua triết lý thất bại về thị trường lãi suất, một triết lý khác mà nhà đầu tư nằm lòng là “thị trường hình thành và lớn dần trong sự hoài nghi”. Tín hiệu và hệ thống tín hiệu, đó là bản lĩnh của những nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhạy cảm và dám quyết đoán.
Tín hiệu đó, hoặc một số tín hiệu đã hội tụ dần thành tính hệ thống, đang xuất hiện ở đâu? Trong thị trường chứng khoán, vàng hay bất động sản? Có lẽ chỉ có một ít công ty và tổ chức tư vấn có kinh nghiệm về mối giao kết giữa các thị trường mới có thể đáp ứng được những lý giải ban đầu.
Vấn đề trên – làm thế nào để tư vấn cho nhà đầu tư chứng khoán lựa chọn và xác định kênh đầu tư mới – có lẽ vào một lúc nào đó thích hợp cũng nên được làm rõ hơn trong một bài viết khác.
Hạ Xuyên
|