Chứng khoán tiếp tục 'khiếm thị'
Trong tuần tới, điều gì có thể ngăn chặn hoặc hãm bớt đà giảm của chỉ số chứng khoán? Liệu việc giảm thuế đối với nhà đầu tư chứng khoán - nội dung của một nghị định mới nhất mang tính "kích cầu" - có trở nên một động lực nào đó cho thị trường?
Không còn gì để nói về thị trường chứng khoán! Với phiên lao dốc ngày 2/11, chỉ số sàn Hà Nội đã chính thức phá đáy gần nhất, dịch chuyển niềm hy vọng từ đáy chữ W sang sự thất vọng của chữ M - một biến dạng của chữ W lộn ngược.
Lời chứng giải cho chữ M đã diễn ra ở ngay những phiên giao dịch sau đó. Trò chơi "xanh vỏ đỏ lòng" vẫn tiếp tục diễn ra không một chút hổ thẹn, đi kèm với giá trị thanh khoản sụt giảm đều đặn càng như cứa vào chút hy vọng sót lại của nhà đầu tư.
Cần nhắc lại là chỉ mới vào phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước nữa, giới đầu tư nhỏ lẻ trong thị trường đã hồ hởi như thế nào trước triển vọng chỉ số HNX đã giảm về gần sát đáy cũ 65 điểm, mà từ đó xuất hiện giả thuyết về mô hình chữ W hai đáy được hình thành, tạo ra thế tiến bền vững cho giá cổ phiếu.
Tuy nhiên mọi dự đoán lạc quan đều có vẻ trở nên lạc lõng. Những chỉ báo kỹ thuật đã lại một lần nữa bị một vài phiên hồi phục đánh lừa. Cùng lúc đó, thị trường xuất hiện khá nhiều tin tức không tốt đẹp. Tình hình thanh khoản tại một số công ty chứng khoán nhỏ bắt đầu "có vấn đề".
Thật ra từ tháng 5/2011, vấn đề thanh khoản tại nhiều công ty chứng khoán đã là một vấn đề đau đầu đối với họ. Tuy vậy, hiện tình còn tệ hơn khi dòng tiền đầu cơ vào nhóm cổ phiếu nhỏ đã gần như biến mất trong tuần trước, để lại nhiều con thuyền cổ phiếu nhỏ chơ vơ trên mặt biển chao nghiêng bởi bão tố.
Bao giờ thì niềm vui trở lại với các nhà đầu tư chứng khoán? (ảnh minh họa - SGTT)
Hiện tượng thanh khoản chung giảm sút gắn liền với hiện tượng tốc độ suy giảm của nhóm cổ phiếu nhỏ cao hơn nhóm cổ phiếu vừa và lớn, đã cho thấy khá rõ ràng sự lặp lại của các giai đoạn vận động trong lịch sử khi thị trường chưa chạm đáy. Lần này cũng vậy, ngay cả trong những phiên giằng co, một số cổ phiếu nhỏ vẫn dễ dàng giảm sàn. Tuần qua, trong khi nhóm cổ phiếu lớn giảm gần 2% thì nhóm cổ phiếu nhỏ lại mất đến 4-5%. Đó là một dấu hiệu nhà đầu tư nhỏ lẻ đang dần rút ra, thay vì tham gia vào thị trường.
Kết quả của sự biến dạng từ chữ W sang chữ M là vào cuối tuần trước, chỉ số sàn Hà Nội đã giảm về rất gần đáy cũ 65 điểm (lập vào giữa tháng 8/2011). Chỉ một chút nữa thôi, HNX sẽ chính thức phá đáy này, để thị trường lại tiếp diễn trò chơi dò dẫm tìm đáy mới.
Tuy nhiên khác với mấy tuần trước đây, tuần qua đã kết thúc không hẳn bằng sắc xanh. Màu xanh gượng ép đã được điểm xuyết trên HOSE, nhưng vẫn chỉ là những mã có vốn hóa siêu lớn. Còn HNX vẫn hành trình đi xuống. Hiện tượng "bất thường" này nói lên điều gì?
Nếu đã có sự bất thường xảy ra vào cuối tuần trước, thì cũng có thể theo logic mà một điều bất thường khác xảy ra vào đầu tuần này. Có nghĩa là trái với thông lệ đầu tuần giảm của những tuần trước, đầu tuần này thị trường có thể tăng.
Thế nhưng trên HNX, một chi tiết đáng chú ý là cạnh bên phải của chữ M đã bị kéo xuống khá sâu, tạo nên một mô hình chữ M hoàn toàn mất cân đối. Trong lịch sử vận động của các chỉ số chứng khoán quốc tế, chẳng hạn như của Dow Jones, cứ sau khi thị trường hình thành mô hình chữ M như thế, chỉ số sẽ tiếp tục suy giảm hoặc lao dốc rất mạnh.
Cũng thường là sau mô hình chữ M như thế, đồ thị chứng khoán kéo dài sự suy giảm. Chữ M càng lớn, thời gian suy giảm càng dài, có khi với chu kỳ đến 6-8 tháng.
Nếu loại trừ khả năng lao dốc mạnh vì điều đó có thể khá vô lý khi mặt bằng giá cổ phiếu đã thấp một cách không tưởng, khả năng còn lại chỉ có thể là việc chỉ số chứng khoán Việt Nam sẽ trôi dần với góc trượt nhỏ. Với tiền lệ chữ W khá lớn và lộn ngược biểu hiện gần đây nhất, trên con đường trượt xuống, có thể chỉ số chứng khoán sẽ còn được "tạo hình" bằng những chữ M nhỏ khác.
Có lẽ với giới phân tích, việc nhận định thị trường hàng tuần đã trở nên một nỗi ám ảnh với màu sắc bi quan. Tâm trạng của chúng tôi cũng không vui vẻ gì khi bắt buộc phải nêu ra những dự báo kèm dẫn chứng về xu thế tiếp tục "khiếm thị" của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đó lại là một sự thật đã được minh chứng gần trọn năm nay, khi chỉ số chứng khoán chỉ có một chiều xuống và xuống.
Khoảng thời gian còn lại của năm 2011 là khá ít ỏi để chứng khoán thực hiện một đợt phục hồi có ý nghĩa. Xét ra trong năm nay, thị trường đã chưa hề có một lần hồi phục đáng kể nào (tăng ít nhất 30%). Những thông tin tích cực về lãi suất tiết kiệm được kéo giảm, chỉ số CPI giảm ổn định và kênh vàng suy thoái đã hầu như không có tác động tích cực nào đối với thị trường. Ngược lại, những tin tức tiêu cực luôn tạo ra mức độ ảnh hưởng tức thì đến giá cổ phiếu.
Vậy thì trong tuần này, điều gì có thể ngăn chặn hoặc hãm bớt đà giảm của chỉ số chứng khoán? Vào cuối tuần trước, một nghị định của Chính phủ đã chính thức được ban hành, thực hiện một số giải pháp về thuế, trong đó có việc giảm thuế đối với nhà đầu tư chứng khoán, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân. Liệu bản nghị định mới nhất mang tính "kích cầu" này có trở nên một động lực nào đó thị trường chứng khoán?
Nếu lịch sử của gói kích cầu năm 2009 được lặp lại, chỉ số chứng khoán sẽ phản ứng tích cực trong không bao lâu nữa, có thể vào tháng 12/2011 hoặc tháng Giêng năm 2012. Vào cuối tháng 3/2009, một phần tiền kích cầu đã trực tiếp chảy vào kênh chứng khoán và kích hoạt thị trường này.
Ẩn số sắp tới sẽ là việc dòng tiền từ cơ chế miễn giảm thuế thu nhập cá nhân có dịch chuyển vào cổ phiếu, và nếu dịch chuyển thì có đủ nhiều để tạo ra một bước ngoặt thay đổi về chất cho giá cổ phiếu hay không.
Việt Thắng
diễn đàn kinh tế việt nam
|