Thứ Bảy, 05/11/2011 08:57

Hủy giao dịch: An toàn hệ thống nhìn từ câu chuyện SME

Sự việc CTCK SME bị hủy các giao dịch trong ngày 27/10 do không thanh toán tiền mua chứng khoán đúng hạn đang gây xôn xao trên thị trường. Số tiền 1,6 tỷ đồng bị hủy giao dịch không lớn, nhưng đằng sau đó là những câu chuyện không nhỏ.

Theo VSD, SME đã nhiều lần vi phạm quy chế thành viên trong thanh toán bù trừ

Từ câu chuyện SME

Ngày 2/11, xuất hiện hàng loạt thông tin liên quan đến việc một số lệnh mua chứng khoán xuất phát từ CTCK SME bị hủy. Giá trị số chứng khoán bị hủy giao dịch, theo SME là 1,6 tỷ đồng. Ngay chiều cùng ngày, một số NĐT và CTCK bán số chứng khoán trên đã gọi điện đến Báo ĐTCK để phản ánh bức xúc của mình. Những khúc mắc ban đầu tập trung chủ yếu xung quanh vấn đề quyền lợi của NĐT bị ảnh hưởng xung quanh sự việc lệnh bán của họ đã khớp trước đó bị hủy. Theo đó, NĐT cho rằng, theo quy định, mức bồi thường thiệt hại cho NĐT không quá 10% giá trị giao dịch là quá ít, bởi chỉ cần 2 phiên cổ phiếu giảm sàn, mức thiệt hại của họ đã có thể lên tới 15% giá trị. Tại một số CTCK còn xảy ra tranh cãi nội bộ về việc chấp nhận hay không ý tưởng của bộ phận môi giới, muốn bộ phận tự doanh nhận mua số cổ phiếu mà khách hàng đã bán hụt để giữ uy tín.

Chiều 2/11, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cũng đã có văn bản về việc đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký của SME (từ 3/11 đến 3/12/2011). Phạm vi đình chỉ hoạt động lưu ký bao gồm: nhận ký gửi chứng khoán, cầm cố chứng khoán và các chuyển khoản chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch (ngoại trừ chuyển khoản để tất toán tài khoản). Theo lý giải của VSD, việc SME bị hủy giao dịch đã khớp lệnh ngày 27/10 chỉ là giọt nước tràn ly, do Công ty đã nhiều lần vi phạm quy chế thành viên trong việc nộp tiền thanh toán bù trừ. Trước đó, ngày 9/9/2011, VSD đã có công văn cảnh cáo SME vi phạm quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán, đồng thời yêu cầu công ty này phải trả nợ số tiền gần 7,9 tỷ đồng đã vay từ Quỹ hỗ trợ thanh toán. Theo đó, ngày 24 và 31/8/2011, SME đã bị thiếu hụt tiền thanh toán giao dịch chứng khoán phải vay Quỹ hỗ trợ thanh toán với tổng số tiền là 7.876.855.019 đồng. VSD đã có công văn nhắc nhở gửi SME, nhưng đến ngày 9/9, Công ty vẫn chưa hoàn trả khoản vay này.

Liên quan đến việc VSD huỷ giao dịch ngày 27/10 và đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký, sáng 3/11, SME đã có công văn giải trình gửi UBCK. Theo SME, nguyên nhân dẫn đến việc Công ty để bị hủy giao dịch là sơ sót của bộ phận kế toán không phát hiện ra lệnh chuyển tiền đã không được thực hiện như yêu cầu. "Công ty đã nghiêm túc kiểm điểm và có những hình thức xử lý nội bộ nghiêm khắc đối với những cá nhân vi phạm. SME sẽ tăng cường công tác kiểm soát, quản lý, đồng thời hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật không để tái diễn tình trạng nói trên", lãnh đạo SME cam kết. Về hướng xử lý các quyền lợi của NĐT có liên quan, SME cho biết, Công ty đã đàm phán với các CTCK và khách hàng có liên quan để đảm bảo không gây thiệt hại về lợi ích cho các cá nhân, tổ chức này. Cũng trong công văn này, SME cũng đề xuất việc sẽ giải trình với VSD để xin rút ngắn thời gian đình chỉ hoạt động lưu ký.

Nỗi lo bao trùm toàn thị trường

Như giải trình của SME, lý do của việc mất khả năng thanh toán dẫn đến hủy giao dịch hoàn toàn do yếu tố kỹ thuật và nghiệp vụ. Điều này giống như giải thích của Công ty về lý do NĐT không rút được tiền ngay khi có yêu cầu như cách đây ít lâu báo chí đã nêu. Nhưng dư luận vẫn nghi vấn về việc liên tiếp xảy ra vấn đề liên quan đến tiền gửi của NĐT tại công ty này.

Ngày 3/11/2011, Sở GDCK Hà Nội đã đưa cổ phiếu SME của CTCP Chứng khoán SME vào diện cảnh báo kể từ ngày 4/11/2011 do bị VSD đình chỉ hoạt động lưu ký và nợ tiền Quỹ hỗ trợ thanh toán.

Theo BCTC quý III/2011 của SME, tại thời điểm 30/9, tài khoản tiền và tương đương tiền của SME là 7,735 tỷ đồng, trong đó có 6,297 tỷ đồng là tiền của nhà đầu tư. SME có 54,432 tỷ đồng chứng khoán thương mại tính theo giá thị trường, trong đó có 4,323 tỷ đồng chứng khoán niêm yết; 50,1 tỷ đồng chứng khoán chưa niêm yết, trong đó gồm 4 cổ phiếu là CTCP Xi măng Thăng Long, Ngân hàng TMCP Đông Á, CTCP Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí Việt Nam, CTCP Chế biến thủy sản Út Xi. SME cũng có hơn 666 tỷ đồng phải thu và gần 600 tỷ đồng phải trả, phải nộp.

Theo Quy chế bù trừ thanh toán chứng khoán ban hành năm 2010, CTCK được nhận hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ thanh toán đối với trường hợp mức thiếu hụt thanh toán của thành viên dưới 25 tỷ đồng, hoặc tổng mức thiếu hụt để thanh toán của các thành viên trong ngày thanh toán dưới 25 tỷ đồng. Trường hợp thiếu hụt trên 25 tỷ đồng thì nhận hỗ trợ tiền từ ngân hàng thanh toán (BIDV). Nếu nhận hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ thanh toán, thời gian CTCK phải hoàn trả là 5 ngày, mức lãi là 0,1%/ngày. Quá thời gian trên, CTCK sẽ phải chịu mức lãi 0,15%/ngày với số tiền chậm trả. Tuy nhiên, số tiền thiếu hụt vừa qua chỉ là 1,6 tỷ đồng, nhưng SME đã không nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ thanh toán, vì Công ty này vi phạm thường xuyên.

Sự kiện này khiến dư luận quay trở lại vấn đề dù không mới nhưng vẫn rất thời sự là chuyện an toàn tiền gửi NĐT. Trên thực tế, hiện tượng SME nếu không được quản lý chặt, để lây lan sang các CTCK khác thì niềm tin trên thị trường sẽ đổ vỡ, hiện tượng NĐT rút tiền hàng loạt tại các CTCK có thể sẽ xảy ra và không ngoại trừ nguy cơ tiếp tục xuất hiện những lệnh giao dịch bị hủy.

An toàn tiền gửi của NĐT, cách mà UBCK từng yêu cầu là quản lý tận chân tài khoản tiền gửi. Hiện nay, các NĐT nước ngoài lớn hoặc các quỹ đầu tư vẫn đang gửi tiền và lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký độc lập. Vậy thì tại sao không thể áp dụng mô hình này cho các NĐT cá nhân khác? Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống công nghệ của cả CTCK và ngân hàng hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối thẳng giữa CTCK và tài khoản tiền của NĐT tại ngân hàng. Đồng thời, với lý do khó khăn trong tách biệt tài khoản, đa số CTCK chỉ tách biệt tài khoản tổng tiền gửi của NĐT. Điều đáng nói hơn là, dù tách bạch tài khoản tiền gửi của NĐT, nhưng do tên người thụ hưởng vẫn là CTCK, nên họ làm gì với tài khoản này chỉ có CTCK mới biết.

Với sự xuất hiện ngày một nhiều hơn tình trạng NĐT khó khăn trong việc rút tiền gửi tại CTCK ngay khi có yêu cầu, một lần nữa những lo lắng về an toàn tiền gửi của NĐT lại gia tăng. Dư luận đã không ít lần đề cập đến nghi vấn CTCK sử dụng tiền gửi của NĐT một cách tùy tiện. Nhiều NĐT bi quan đã nhận xét rằng, rất có thể trường hợp như vụ Chủ tịch Công ty bỏ trốn để lại khoản nợ hơn 100 tỷ đồng tại CTCK Hà Thành còn lặp lại, nếu yêu cầu kiểm soát nội bộ và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của CTCK không tốt, sự kiểm tra của cơ quan quản lý không sâu sát.

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index giảm 1,92% trong tuần qua (04/11/2011)

>   Khối ngoại có phiên mua ròng thứ 9 liên tiếp trên HOSE (04/11/2011)

>   04/11: Bản tin 20 giờ qua (04/11/2011)

>   SME: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ 04/11 (03/11/2011)

>   Khối ngoại tiếp tục chi 22 tỷ đồng gom MBB (03/11/2011)

>   MAX: Bất thường giao dịch cổ đông nội bộ? (03/11/2011)

>   Cổ phiếu bất động sản vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro (03/11/2011)

>   SME bị bán tháo bất chấp giải trình của Chủ tịch HĐQT (03/11/2011)

>   03/11: Bản tin 20 giờ qua (03/11/2011)

>   Vụ việc tại SME có gây nguy hiểm cho TTCK? (02/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật