Chủ Nhật, 13/11/2011 09:30

Chỉ số chứng khoán sẽ trượt theo kiểu Hy Lạp?

Tại thời điểm này, chỉ số HNX có khá nhiều nét tương đồng với FTSE Hy Lạp vào thời điểm tháng 5/2011. Hơn nữa, tham khảo lịch sử suy giảm trung hạn của một số chỉ số chứng khoán chính trên thế giới cũng cho thấy thời gian suy giảm trong giai đoạn tới của HNX có thể sẽ kéo dài khá lâu - ít nhất từ 6 đến 8 tháng.

Tuần qua đánh dấu một sự kiện "lịch sử": chỉ số HNX của sàn Hà Nội lại phá đáy cũ 65,6 điểm. Đây là lần thứ tư trong năm nay, chỉ số này thiết lập đáy mới. 4 lần phá đáy trong một năm, tương ứng với 4 quý - liệu đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Nhưng có vẻ sẽ không quá ngẫu nhiên nếu bạn là nhà tạo lập thị trường. Chẳng hạn bạn muốn "cho" thị trường đi xuống trọn một năm, nhưng không phải xuống theo kiểu lao dốc dữ dội, mà theo dạng trôi trượt từ từ, gặm nhấm, bào mòn giá trị cổ phiếu và cũng để bạn có thời gian thoát hàng. Thế thì cách thức hợp lý nhất là cần "vẽ' biểu đồ suy giảm theo dạng răng cưa, có xuống nhưng cũng có "phục hồi kỹ thuật".

Tình hình diễn biến của các chỉ số từ đầu năm đến nay hiển nhiên là như vậy. Giả thuyết mà VEF.VN đặt ra từ quý 1 năm nay hình như đã "may mắn" ứng nghiệm với đồ thị đổ dốc của HNX.

Trong số nhận định của khối phân tích chứng khoán, có lẽ phần dự báo của VEF.VN được đánh giá là bi quan nhất, u ám nhất, không hề bồi bổ niềm tin vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thậm chí trong không ít giai đoạn, nhận định của chúng tôi còn bị quy kết là công cụ đánh xuống của một nhóm thao túng thị trường nào đó.

Nhưng bất kể dư luận như thế nào, từ tháng 4/2011 đến nay, hầu hết các nhận định ngắn hạn hàng tuần và trung hạn của chúng tôi đều phù hợp với xu thế suy giảm của thị trường, đồng thời cũng giúp được một số nhà đầu tư nhỏ lẻ tránh được cái bẫy của nhóm tạo lập thị trường giăng ra. Đã có những lời cám ơn từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ này cho thái độ bi quan của chúng tôi, bởi đơn giản là họ đã hạn chế được tối thiểu lỗ lã trong bối cảnh đường biểu diễn suy giảm của thị trường bị đặt quá nhiều bẫy phục hồi.

Còn bây giờ, sau khi HNX phá đáy lần thứ tư, tình hình sẽ diễn tiến như thế nào?

Chỉ số chứng khoán sẽ trượt theo kiểu Hy Lạp?

Vẫn còn không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ hy vọng vào vùng đáy dài hạn sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Thời gian đó có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Cách suy luận như vậy kể ra cũng hợp lý nếu nhìn vào mặt bằng giá cổ phiếu quá thấp.

Một số nhà đầu tư khác, ít kỳ vọng hơn, chỉ nhắm đến hoạt động lướt sóng ngắn hạn. Muốn có cú lướt sóng nho nhỏ đó, thị trường cần phải lao dốc mạnh như đã từng như thế vào cuối tháng 5/2011, để sau đó có thể được nhóm tạo lập thị trường cho phục hồi với tỷ lệ khoảng 20-25%.

Nhưng "sự nghiệp" chứng khoán lại là quá trình của vô số biến số. Không lần nào giống lần nào, thị trường luôn thay đổi và cách tốt nhất để nhà đầu tư thích ứng với thị trường là phải thay đổi theo nó.

Lần này cũng có thể đang diễn ra một sự thay đổi về chiến thuật đi xuống. Đúng, chúng tôi vẫn muốn nói đến xu thế tiếp tục đi xuống, bởi chưa hề nhìn thấy những tín hiệu rõ rệt cho sự đi lên của thị trường.

Trong ngắn hạn, thống kê của Vietstock vẫn cho thấy nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn giảm nhẹ hơn các nhóm cổ phiếu khác trong tuần qua; 2,1% so với trên 5% của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong bối cảnh đó, làm sao có thể lạc quan được khi khối lượng và giá trị giao dịch vẫn tiếp tục suy giảm so với tuần trước nữa? Chi tiết có vẻ như anh ủi nhất là giá trị mua ròng của khối nước ngoài trong tuần qua lên đến hơn 300 tỷ đồng trên hai sàn.

Cũng như nhiều giai đoạn lịch sử đã qua của thị trường chứng khoán, một khi đà giảm của nhóm cổ phiếu nhỏ còn lớn hơn nhóm cổ phiếu lớn thì thường thị trường vẫn chưa kết thúc quá trình đi xuống của nó. Đáng kể hơn nữa, vấn đề thanh khoản đối với nhóm cổ phiếu nhỏ đang dấn thân vào khu vực khủng hoảng, tính luôn cả hiện tượng một số công ty chứng khoán nhỏ bắt đầu đối diện với nguy cơ mất thanh khoản giao dịch.

Cách đánh giá trên có thể tiếp tục làm buồn lòng những nhà đầu tư lạc quan, nhưng một lần nữa xin đừng bị ru ngủ bởi chỉ số VNI. Chỉ số này, dù có giảm dưới mốc 400 điểm, vẫn có thể thoải mái dao động trong vùng 380-400 mà chẳng cần quan tâm đến số phận nghiệt ngã của người anh em HNX của nó.

Như khá nhiều nhận định trước đây của chúng tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam, mà thước đo chính là chỉ số HNX, đã thể hiện trạng thái thuộc nhóm tồi tệ nhất trên thế giới, cùng với các quốc gia Hy Lạp, Síp, Slovenia. The dõi quá trình dao động xuống của chỉ số HNX từ đầu năm 2011 đến nay, có thể rút ra một kết luận nào đó về sự trùng lắp đường đi giữa chỉ số này với chỉ số FTSE của Hy Lạp trong cùng thời gian.

Tính đến nay, chỉ số FTSE của Hy Lạp đã mất đến 90% so với giá trị đỉnh năm 2007. Trong khi đó, HNX có tốt hơn đôi chút so với Hy Lạp, nhưng cũng mất đến 86% giá trị đỉnh năm 2007. Tất nhiên, Việt Nam khác nhiều với trường hợp khủng hoảng của Hy Lạp. Nhưng chính bởi sự khác biệt lớn như thế mà lại rất đáng đặt ra nghi vấn về chuyện chỉ số HNX đã có độ mất mát gần tương đương với chỉ số chứng khoán Hy Lạp.

Tất nhiên nhiều bạn sẽ cho rằng cách so sánh trên, nếu có đúng, cũng chỉ là môt sự ngẫu nhiên. Và không phải cái gì đúng trong quá khứ thì đều có thể lặp lại trong tương lai.

Nhưng hãy nhìn vào quá trình suy giảm của chỉ số FTSE của Hy Lạp từ giai đoạn tháng 4-5/2011 đến nay. Độ dốc suy giảm không lớn, nhưng trạng thái bào mòn ngày càng đặc trưng và thường dẫn đến hậu quả giảm mạnh theo từng chu kỳ ngắn hạn.

Với tình hình mặt bằng giá cổ phiếu trên HNX đã rất thấp như hiện nay, cùng với khả năng giải chấp tại các công ty chứng khoán không còn lớn, kể cả hiện tượng thanh khoản suy mòn theo thời gian, thật không dễ dàng cho nhóm tạo lập thị trường tiếp tục đánh mạnh xuống. Vì thế, rất nhiều khả năng là trong trung hạn, HNX sẽ giảm thoai thoải với độ dốc nhỏ, một dạng suy giảm mà chúng ta có thể so sánh với quá trình đi xuống của chỉ số FTSE của Hy Lạp, như đồ thị đường biểu diễn của chỉ số FTSE được đưa ra tham khảo trong bài viết này.

Một yếu tố đáng chú ý là về mặt thời gian, từ tháng 5/2011 đến nay, chỉ số FTSE của Hy Lạp đã trượt giảm được 7 tháng. Tại thời điểm này, chỉ số HNX có khá nhiều nét tương đồng với FTSE Hy Lạp vào thời điểm tháng 5/2011. Như vậy, khả năng kéo dài thời gian suy giảm của HNX là có thể. Hơn nữa, tham khảo lịch sử suy giảm trung hạn của một số chỉ số chứng khoán chính trên thế giới cũng cho thấy thời gian suy giảm trong giai đoạn tới của HNX có thể sẽ kéo dài khá lâu - ít nhất từ 6 đến 8 tháng.

Vấn đề còn lại là tại sao thị trường liên tục bị đánh xuống trong hơn hai năm qua và còn có thể kéo dài quá trình suy thoái trong nhiều tháng tới. Câu trả lời có lẽ không tùy thuộc vào nội hàm của chứng khoán.

Việt Thắng

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>    “Chứng trường” có gục ngã? (12/11/2011)

>   SME, TAS: Giải trình giá cổ phiếu liên tục giảm sàn (11/11/2011)

>   Có 50 triệu đồng nên đầu tư vào đâu cho hiệu quả? (11/11/2011)

>   Thấy gì từ việc KLS giải ngân trên 1.161 tỷ đồng (11/11/2011)

>   Khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 trên HOSE với hơn 34 tỷ đồng (11/11/2011)

>   11/11: Bản tin 20 giờ qua (11/11/2011)

>   Cẩn trọng cổ phiếu giá thấp (10/11/2011)

>   Chiêu độc bán khống (10/11/2011)

>   Khối ngoại lại gom VIC, FPT, bán mạnh SSI (10/11/2011)

>   10/11: Bản tin 20 giờ qua (10/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật