“Chứng trường” có gục ngã?
(Vietstock) – Thị trường chứng khoán là nơi của niềm tin và sự kỳ vọng, tuy nhiên có lẽ chưa bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam lại có nhiều sự thất vọng như hiện nay.
Con sóng vào giữa quý 2/2011 xuất hiện bởi kỳ vọng giá cổ phiếu đã quá rẻ, không thế thấp hơn nữa, nhưng sau đó thị trường vẫn lao dốc mạnh. Đến giữa quý 3, thị trường đột ngột bật dậy nhờ kỳ vọng vào kinh tế vĩ mô có sự khởi sắc. Và một lần nữa dòng tiền lại tháo chạy. Trong năm 2011, thị trường cũng có vài con sóng lẻ tẻ xuất hiện nhưng toàn bộ đều kết thúc trong sắc đỏ. Liên tiếp, từ hy vọng rồi chuyển sang thất vọng, niềm tin của nhà đầu tư bị tác động nghiêm trọng bởi sự kém minh bạch và tính ổn định của nền kinh tế.
Trong năm 2011, cụm từ “đội lái” dường như mất hẳn trên các phương tiện truyền thông cũng như trong những cuộc trò chuyện của giới đầu tư. Hai năm khó khăn của thị trường khiến không ít “đội lái” lâm vào cảnh trắng tay và rời bỏ “chứng trường”.
Và nếu như trước đây, các chuyên gia chứng khoán vẫn thường trực trên mặt báo để bình luận về diễn biến của thị trường, dự báo chỉ số, đánh giá cổ phiếu tốt hay xấu thì đến nay cũng đã dần vắng bóng.
Một chuyên gia chứng khoán kỳ cựu, một tay “lướt sóng” có đẳng cấp đã phải “gác kiếm” tạm lui về ở ẩn bởi quá thất vọng cũng như chưa nhìn thấy viễn cảnh tốt đẹp của thị trường. Khi được hỏi về những điều nhà đầu tư lo ngại hiện nay là gì? Anh trả lời dí dỏm nhưng cũng có phần chua xót: “Anh có còn đầu tư nữa đâu mà biết nhà đầu tư nghĩ gì!” (cười).
Trở lại với câu chuyện nghiêm túc, anh cho rằng, lo lắng hiện nay chính là nhà đầu tư đã mất niềm tin vì sự kém minh bạch trong hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết; mất niềm tin khi thị trường còn sự lũng đoạn của những cá nhân như bà Huyền Như hay mối lo ngại sẽ có những công ty chứng khoán mất thanh khoản như SME.
Về những vấn đề lớn hơn, vị chuyên gia này cho rằng những tháng cuối năm có quá nhiều yếu tố bất ổn để thị trường chứng khoán có thể phục hồi. Thị trường toàn cầu vẫn khó ổn định do châu Âu tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với nguy cơ tăng trưởng không rõ ràng, thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang có tốc độ tăng trưởng chậm dần, đồng thời đối mặt với nguy cơ vỡ nợ tín dụng và bất động sản. Hệ lụy của nó chính là thị trường chứng khoán.
Ở trong nước, những khó khăn về vĩ mô mà Việt Nam tiếp tục phải đối mặt như lãi suất huy động và cho vay được dự báo vẫn còn cao, nếu có giảm cũng không thể giảm nhanh được. Vấn đề nợ xấu của ngân hàng không ngừng gia tăng do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chủ nợ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, khả năng tái cấu trúc ngân hàng đang hiện hữu làm cho dòng vốn dành cho thị trường chứng khoán đã khó lại càng thêm khó.
Ngoài ra, các vụ vỡ nợ tín dụng đen, lừa đảo ngân hàng xuất hiện ngày càng nhiều sẽ tiếp tục tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư. Tình hình căng thẳng tỷ giá từ nay đến Tết Nguyên đán, cũng như thị trường bất động sản đang giảm mạnh với các vụ bán tháo, đại hạ giá… đã và đang tác động không nhỏ dòng tiền “còm cỏi” của chứng khoán.
Không những thế, kết quả sản xuất kinh doanh kém cỏi của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2011 đang dần lộ rõ sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng “hàng hóa” mà nhà đầu tư đang nắm giữ, cũng như làm cho chứng khoán mất đi tính hấp dẫn từ giá trị nội tại.
Điều này càng củng cố thêm dự báo về việc đóng quỹ và thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài trong năm 2012 nếu thị trường chứng khoán tiếp tục yếu kém như hiện nay.
Tuy nhiên, ở những góc độ khác chuyên gia này cho rằng thị trường chứng khoán vẫn có một số yếu tố thuận lợi nhất định.
Thứ nhất, việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính Phủ có thể làm cho đà tăng của lạm phát chậm lại. Tuy nhiên, chưa có căn cứ để khẳng định tốc độ sẽ chậm ở giai đoạn cuối năm mà phải đợi đến hết quý 1/2012 mới có kỳ vọng chuyển biến tích cực hơn.
Thứ hai, việc tái cấu trúc ngành ngân hàng mặc dù ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền ngắn hạn, nhưng điều này sẽ tích cực hơn cho tương lai bởi nó giúp hệ thống vận hành an toàn và hiệu quả hơn.
Thứ ba, Chính phủ các nước trên thế giới đã nhận ra những vẫn đề khó khăn của nên kinh tế. Do vậy có thể kỳ vọng các Chính phủ này sẽ tung ra thêm các gói kích cầu mới, đặc biệt tại các nước Âu, Mỹ nhằm giúp kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, trì trệ.
Cuối cùng, việc thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm mạnh là cơ hội để thu hút dòng tiền dài hạn. Dòng tiền này sẽ giúp thị trường ổn định hơn, chờ đợi giai đoạn hồi phục của nền kinh tế.
Viết Vinh
|