Cẩn trọng cổ phiếu giá thấp
TTCK đi xuống cũng là thời điểm để NĐT cơ cấu lại danh mục theo hướng lựa chọn mã CP tốt và loại bỏ những mã có thể khiến thua lỗ nặng. với những mã CP đã xuống thấp hơn mệnh giá phải thật cẩn trọng, vì không dễ tìm kiếm lợi nhuận và dễ có nguy cơ mất thanh khoản.
|
Báo động đỏ NĐT không còn ham những CP dưới mệnh giá. |
Một trong những mã CP nằm trong top cần cẩn trọng là trường hợp của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP). Theo kết quả kinh doanh quý III-2011 mới được công bố, lũy kế 9 tháng năm 2011, VSP lỗ 314,78 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD), trong khi cùng kỳ năm ngoái VSP lãi thuần 34,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng của VSP đến từ 2 lý do. Thứ nhất, doanh thu giảm 33% do giá cước vận tải biển giảm 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá vốn hàng bán tăng 24%. Nguyên nhân thứ hai là chi phí lãi vay cao.
Theo tính toán, chi phí tài chính của VSP trong 9 tháng đã lên tới 175 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính năm 2011, VSP sẽ lỗ thuần khoảng 350 tỷ đồng trong khi năm 2010 lãi 0,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, VSP hiện có tổng nợ 1.917 tỷ đồng, tương đương 95 triệu USD. Với số nợ khổng lồ này, VSP còn phải đối mặt với nguy cơ trượt giá của VNĐ so với USD. Chính vì vậy, VSP là một trong số ít CP ở lĩnh vực vận tải biển nằm trong diện cảnh báo cho đến khi nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục. VSP hiện đang giao dịch ở vùng giá 0.8.
So với VSP, mức thua lỗ tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) thấp hơn nhiều. Thế nhưng trong hoạt động kinh doanh của VOS, tỷ lệ nợ/tổng tài sản những năm gần đây luôn ở mức cao và đến quý III-2011 hệ số này đã lên đến mức báo động đỏ gần 75%.
Ước tính, với khoản dư nợ 4.068 tỷ đồng đến cuối quý III, trong đó dư nợ vay ngắn hạn 400 tỷ đồng và vay dài hạn 3.029 tỷ đồng; chi phí lãi vay trong quý III của VOS là 42,32 tỷ đồng và chi phí lãi vay 9 tháng 140,42 tỷ đồng.
Việc vay nợ làm đòn bẩy vốn khiến những năm gần đây chi phí lãi vay của VOS luôn là gánh nặng, khiến lợi nhuận ròng của VOS liên tục sụt giảm và đến quý III-2011 lỗ hơn 51 tỷ đồng. Những khó khăn này khiến cho CP VOS trở thành CP nhiều rủi ro. Hiện CP VOS đang chạm vào vùng giá thấp nhất kể từ khi chào sàn là 4.000 đồng/CP.
Vấn nạn CTCK
Cùng với CP cảng biển, CP của nhiều CTCK cũng đang nằm trong diện cảnh báo của NĐT, đặc biệt là sau 2 sự kiện đình đám xảy ra gần đây. Đầu tiên là việc một thành viên của CTCK Phương Đông (ORS) dính vào nghi án lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng trên TTCK. Sau khi thông tin bị vỡ ra, CP ORS gần như ngay lập tức rơi vào trạng thái xả hàng ồ ạt. Thậm chí hàng loạt thành viên HĐQT của CTCK này cũng đua nhau đăng ký bán ra với số lượng rất lớn.
Chính vì những lý do này, dù giá CP ORS đã rớt xuống chỉ còn 3.000 đồng/CP nhưng NĐT vẫn không mặn mà mua vào.
Trong khi sự cố vỡ nợ liên quan đến một thành viên HĐQT của ORS chưa kịp nguội thì sự cố mất thanh khoản tại CTCK SME (SME) bùng lên.
Dù sự việc đã khá rõ ràng nhưng lãnh đạo SME vẫn không chịu nhìn nhận khi đổ lỗi cho sự cố đường truyền. Song dường như NĐT đã không còn niềm tin vào lãnh đạo CTCK này và đua nhau “bán đổ, bán tháo” CP SME.
Nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá CP SME đã mất hơn 30%, từ 3.900 đồng/CP xuống chỉ còn 2.700 đồng/CP. Không chỉ bị NĐT tẩy chay, CP SME còn bị HNX đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 4-11.
Cả 2 sự cố này càng khiến cho NĐT có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với CP của các CTCK trên thị trường, bởi trước khi có 2 sự cố này các CTCK là “quán quân” cũng thua lỗ trên TTCK.
Theo thống kê, tình trạng thua lỗ trong quý III được ghi nhận tại 11 trên tổng số 27 CTCK niêm yết đã công bố báo cáo tài chính với mức lỗ lên tới 295 tỷ đồng; nếu tính lũy kế 9 tháng, số CTCK thua lỗ lên tới 18/27 với tổng số tiền hơn 1.350 tỷ đồng.
Các CTCK có mức thua lỗ 9 tháng năm 2011 là SBS lỗ 157,9 tỷ đồng; VND 129,5 tỷ đồng; PSI 73,3 tỷ đồng; BVS 67 tỷ đồng; VDS 65,5 tỷ đồng; SME 35 tỷ đồng; AVS 31 tỷ đồng; SVS 27,6 tỷ đồng; VIG 25 tỷ đồng; APS 13 tỷ đồng…
Hoạt động có vấn đề
CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) là doanh nghiệp liên tục thua lỗ nhưng tình hình vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Thậm chí, trong quý III vừa qua, TRI tiếp tục lỗ thêm gần 25 tỷ đồng. Con số này đã vượt gấp 5 lần so với mức thua lỗ trong cùng kỳ năm 2010.
Giải trình cho việc thua lỗ của mình, lãnh đạo TRI cho biết trong quý vừa qua công ty đã tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mại để đảm bảo doanh thu. Bên cạnh đó, để củng cố lại đội ngũ bán hàng, TRI tuyển thêm vài vị trí trưởng bộ phận bán hàng với mức lương khá cao làm chi phí lương tăng lên gây lỗ trong quý III.
Thua lỗ liên tục đã khiến cho CP TRI trở thành mặt hàng nằm trong diện thanh lý gấp của NĐT. Tình trạng thua lỗ triền miên của TRI còn bị đặt nghi vấn cổ đông lớn thực hiện thủ thuật chuyển giá được các công ty nước ngoài có công ty con ở nước khác áp dụng.
Do vậy, dù đang ở mức giá cực thấp nhưng nếu tính từ cuối tháng 10 đến nay, CP TRI đã giảm hơn 30% và hiện giao dịch ở mức 2.100 đồng/CP.
CTCP Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cadovimex (CAD) chào sàn HOSE vào đầu năm 2009 với mức giá 20.000 đồng/CP. Những NĐT nắm giữ CP CAD chắc sẽ không thể tưởng tượng đến thời điểm hiện nay giá CAD chỉ còn 2.400 đồng/CP (giảm gần 90% giá trị).
Việc CAD liên tục giảm giá kể từ ngày niêm yết đến nay là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi cách làm ăn mập mờ và không hiệu quả của công ty này. Với xuất phát điểm không thua kém so với các doanh nghiệp thủy sản hiện đang niêm yết, nhưng CAD chỉ đi thụt lùi.
Theo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2011, doanh thu thuần của CAD chỉ có 94,9 tỷ đồng, giảm 62% so cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đạt 211 tỷ đồng, giảm 66%. Theo giải trình của CAD, việc lợi nhuận sau thuế quý III giảm 220% so cùng kỳ do công ty thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh khi đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào công ty liên kết Cadomex 2 đã không có lãi lại bị khách hàng chiếm dụng vốn (phải trích dự phòng nợ phải thu khó đòi).
Do thiếu tiền nên CAD thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Cụ thể quý III-2011 công ty chỉ sản xuất được 442 tấn thành phẩm, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1.192 tấn, sản lượng xuất khẩu đạt 528 tấn trong khi cùng kỳ là 1.522 tấn.
Hải Hồ
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|