Thứ Hai, 21/11/2011 07:08

Bình Dương: Nhiều dự án khu dân cư bỏ hoang

Hàng loạt dự án khu dân cư, khu đô thị ở Bình Dương “trùm mền” gây khổ sở cho người dân và lãng phí tài nguyên đất

Hiện nay, tại Bình Dương có nhiều dự án KDC bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, vô tình trở thành nơi lý tưởng để thả trâu, bò… Trước thực trạng này, Tỉnh ủy Bình Dương đã lập đoàn giám sát công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đầu tư phát triển các KDC trên địa bàn tỉnh. Người dân hy vọng sau đợt giám sát này, các KDC bỏ hoang sẽ bị thu hồi.

Nhà xuống cấp nhưng không được sửa

Nếu không có dự án tái định cư Đồi Xanh (tại thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên) thì có lẽ giờ này người đàn ông nghèo khó tên Hà Tấn Tánh đã là đại gia. Ông sở hữu đến 4 ha đất sát đường nhựa gần trung tâm thị trấn Uyên Hưng. Số đất này có người đã từng gạ mua với giá 16 tỉ đồng.

Một dự án xây dựng khu dân cư ở Bình Dương bỏ hoang từ nhiều năm nay trở thành nơi thả gia súc

Tuy nhiên, từ năm 2002, 4 ha đất của ông Tánh nằm lọt trong dự án tái định cư Đồi Xanh (rộng 12 ha, ban đầu do UBND huyện Tân Uyên, sau đổi cho Tổng Công ty VLXD số 1 thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư). Do chủ đầu tư áp giá đền bù quá thấp (theo ông Tánh có thời điểm áp giá chưa đến 100 triệu đồng/ha) nên ông và nhiều hộ khác không chấp thuận. Qua 9 năm, đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, nhiều hộ chưa nhận tiền đền bù, toàn dự án chưa giải tỏa.

Ông Tánh cho biết do dự án “treo” này mà ông không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được mua bán sang nhượng, không được thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn. Trên 4 ha đất, ngoài căn nhà ở, ông Tấn còn trồng điều, nuôi heo. Đến nay, nhà ông đã xuống cấp nặng, vườn điều cằn cỗi chết dần, còn trại heo đã mục nát nhưng không thể xây sửa, trồng mới vì vừa không có tiền vừa không được phép.

Theo Sở Xây dựng Bình Dương, đến nay Bình Dương có 220 dự án khu nhà ở, tái định cư, khu đô thị mới. Tuy nhiên, hiện mới có 51 dự án đã thi công cơ bản hoàn thành (chiếm 23,18%), 94 dự án đang triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng, 75 dự án còn lại đang… “trùm mền”.  Các dự án “rùa bò” nhất có thể kể là KDC Vĩnh Quang, KDC 54 ha tại thị trấn Mỹ Phước (đều thuộc huyện Bến Cát), KDC thế kỷ XXI tại khu đất “vàng” thuộc thị xã Thủ Dầu Một…

Thiếu năng lực vẫn “xí” đất

Một trong những chủ đầu tư để dự án KDC “ngủ đông” lâu nhất khiến người dân phàn nàn, thưa gửi liên tục là Công ty TNHH SX-TM Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), chủ đầu tư 2 dự án KDC Cầu Đò và KDC Mỹ Phước 4 (đều thuộc Bến Cát). Cả 2 dự án này được UBND Bình Dương chấp nhận chủ trương từ năm 2002 nhưng đến nay, KDC Cầu Đò chưa thể xây dựng cơ sở hạ tầng vì còn 3/51 ha chưa đền bù giải tỏa, KDC Mỹ Phước với  khoảng 18/54 ha chưa bồi thường giải tỏa.

Ngày 16-11, làm việc với đoàn giám sát của Tỉnh ủy Bình Dương, lãnh đạo Công ty Thiên Phú cho biết diện tích đất còn lại không thể đền bù là do người dân yêu cầu được áp giá 3-4 triệu đồng/m2 trong khi giá chuyển nhượng ở cùng khu vực chỉ 2 triệu đồng/m2. Lãnh đạo Công ty Thiên Phú khẩn thiết xin lãnh đạo tỉnh chấp thuận cho cắt bỏ diện tích đất không đền bù được ra khỏi dự án và điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch chi tiết dự án.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chủ trương của tỉnh là hạn chế việc cắt bỏ, sửa đổi quy hoạch của các dự án KDC. Bởi theo ông Nam, các chủ đầu tư thường lợi dụng chiêu này để bỏ bớt những hạng mục mang tích phục vụ cộng đồng trong dự án như mảng xanh, nhà trẻ… trong khi số nền đất thương phẩm vẫn không bị cắt.

Theo UBND huyện Bến Cát, các dự án KDC triển khai chậm trên địa bàn huyện chủ yếu là các dự án do tỉnh phê duyệt. Khi chấp thuận dự án, tỉnh đã thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư không tốt. Chính sự yếu kém về vốn đã khiến tiến độ một số dự án ì ạch. Ngay cả Công ty Thiên Phú cũng thừa nhận đã chịu nhiều áp lực từ phía ngân hàng do khó khăn trong việc vay vốn để đền bù giải tỏa khi thực hiện dự án.

Theo Sở Xây dựng Bình Dương, đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư đối với 38 dự án KDC do chậm hoặc không thi công và sẽ tiếp tục thu hồi tiếp những dự án tương tự.

Như Phú

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Có hầm Thủ Thiêm, bất động sản Đông Sài Gòn vẫn ‘bất động’ (20/11/2011)

>   Nhà đất: Chỗ đắt, nơi ế (20/11/2011)

>   Các dự án có giá rẻ chào bán (20/11/2011)

>   Địa ốc Hà Nội đua bán nhà giá 'mềm' (19/11/2011)

>   Thị trường BĐS Đà Nẵng: Hứa hẹn khởi sắc! (19/11/2011)

>   Người mua nhà khóc với chuyện đóng tiền mua theo tiến độ (19/11/2011)

>   Sân golf trong sân bay: “Không có gì phải lo lắng” (18/11/2011)

>   Hướng đi nào cho các dự án chờ rà soát? (18/11/2011)

>   HUD xin lập quy hoạch 2 đô thị vệ tinh của Hà Nội (18/11/2011)

>   Giá đất năm 2012 tại TPHCM: Mức cao nhất là 81 triệu đồng/m2 (18/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật