Thứ Bảy, 19/11/2011 08:45

Người mua nhà khóc với chuyện đóng tiền mua theo tiến độ

Thị trường bất động sản (BĐS) giảm giá mạnh khiến nhiều nhà đầu tư ký hợp đồng góp vốn mua thời điểm giá cao, nay phải đóng tiền theo tiến độ 'khóc dở mếu dở'.

Chủ đầu tư Dự án Sails Tower - Kiến Hưng, Hà Đông giảm giá cho khách hàng mới, nhưng khách hàng cũ không được giảm.

Khó rút ra

Tháng 4-2011, anh Thắng (Hà Đông, Hà Nội) vay ngân hàng để mua căn hộ ở CT7 Khu đô thị Dương Nội, giá gốc 24 triệu đồng/m2, với kỳ vọng chỉ cần ôm một năm sẽ lãi vài trăm triệu. Anh cho biết: “Căn hộ của tôi 63m2, khi ký hợp đồng chủ đầu tư bắt đóng tiền theo tiến độ liên tiếp. Từ tháng 4 đến tháng 10 - 2011, tôi đóng 70% giá trị hợp đồng, tương đương với số tiền hơn 1 tỷ”.

Để có tiền đóng anh vừa chạy vạy vay người thân, vừa vay ngân hàng, lãi suất 22%/năm. Nay mỗi tháng trả cả gốc và lãi gần 20 triệu đồng, cả gia đình anh xoay như chong chóng. Nay anh không biết kiếm đâu ra 300 triệu để đóng nốt, trong khi giá ngoài thị trường xuống dưới 22 triệu/m2.

Anh Thắng chia sẻ: “Bây giờ tôi không biết phải làm thế nào, ngân hàng thì không cho vay nữa. Bán lại thì không ai mua, muốn rút tiền thì trong hợp đồng mua bán quy định rõ sẽ mất 30% - số tiền quá lớn. Điều quan trọng nhất là thị trường ngày một xuống giá. Đúng là tiến thoái lưỡng nan”.

Cũng rơi vào cảnh ngộ giống anh Thắng, chị P. (Thanh Trì, Hà Nội) mua căn hộ diện tích 113m2 giá 20 triệu/m2 từ đầu năm 2011 tại chung cư cao tầng CN2 Khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội). Hai tháng trước có khách trả 18 triệu/m2, nghĩ là lỗ nhiều nên chị không bán, chờ xem thị trường thế nào, nhưng nay giá gốc xuống còn 17 triệu/m2.

“Tôi đang rất cần tiền để trả do đáo hạn ngân hàng vào cuối năm nên đăng tin, nhờ sàn bất động sản cả tháng nay bán nhưng không có khách hỏi mua. Tôi đã đóng được 60% giá trị căn hộ và lúc này không còn tiền để đóng nữa. Trong hợp đồng không quy định rõ nếu rút ra thì phạt bao nhiêu nhưng tôi sợ nếu phá hợp đồng thì tiền phạt lớn hơn số tiền đóng tiếp theo và bản thân chủ đầu tư cũng không cho rút vào thời điểm thị trường đang xuống như thế này” - chị P. cho biết.

Đến quý II-2012 bàn giao nhà mà cứ chậm đóng tiền thì bị phạt tiền lãi chậm trả phát sinh từ khoản tiền đến hạn thanh toán theo lãi suất 1,5%/tháng (bằng 18%/năm) khiến chị P lo lắng.

Nhiều khách hàng tại dự án PV Landmark (Q2, TPHCM) đang tiếc hùi hụt vì mất một khoản không nhỏ đầu tư mua căn hộ giá tiền tỷ mà chỉ trong vòng 1 tháng, chủ đầu tư là Cty Cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) tuyên bố giảm giá 35% khiến nhà đầu tư không trở tay kịp.

Anh M - khách hàng PVL cho hay: “Mới tháng trước tôi mua với giá 23 triệu/m2 tháng sau đã hạ xuống còn 15,5 triệu/m2 thì những khách hàng mua trước như chúng tôi quá thiệt thòi. Hợp đồng mua bán nào cũng quy định những điều có lợi cho chủ đầu tư cả, chúng tôi không được phép rút lại vốn nhưng nếu cứ đóng tiền theo tiến độ tiếp thì rõ ràng chúng tôi lỗ cả một đống tiền”.

Anh M. cùng nhiều khách hàng đang có ý định hủy hợp đồng, chấp nhận nộp phạt vì không thể chịu lỗ hơn được nữa. “Khi chào bán đại hạ giá mà PVL cũng chỉ bán được có 6 căn hộ thì chúng tôi có chấp nhận chịu lỗ cũng không thể bán được vào thời điểm này. Tính đi tính lại phần thiệt vẫn thuộc về chúng tôi. Thị trường bây giờ đảo lộn hết cả, người mua trước tưởng được giá rẻ ai ngờ càng mua sau giá rẻ hơn nhiều” - anh M nói.

Sợ nhận nhà

Cả tuần nay, anh T. (Đông Anh, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa khi chủ đầu tư gọi điện đóng tiền đến bàn giao căn hộ Penhous 140m2 tại Khu đô thị mới Xa La vào cuối tháng 12-2011. Anh T. cho biết: “Tôi không dám nhận nhà vì khi nhận phải đóng 20% giá trị hợp đồng nữa. Bản thân tôi mua để đầu tư, nay cùng lúc phải đóng tiền nhiều căn nên không còn tiền để đóng nữa. Giá căn hộ hiện nay dưới 15 triệu/m2 nhưng vì diện tích căn hộ lớn, tính ra hơn 2 tỷ đồng nên nhiều khách hàng cũng không dám xuống tiền”.

Ông Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, nếu trong hợp đồng mua bán nhà giữa khách hàng với chủ đầu tư quy định rõ các điều khoản về việc rút vốn, và mức phạt cụ thể thì khi khách hàng rút vốn thực hiện theo hợp đồng. Còn nếu trong hợp đồng không ghi rõ thì theo Luật Dân sự, khách hàng và chủ đầu tư có thể thoả thuận mức phạt và phạt không quá 30% giá trị hợp đồng.

Theo anh T., thị trường BĐS đang trầm lắng, căn hộ Penhouse trước giá trên 4 tỷ chỉ dành cho giới đại gia bởi ngoài diện tích sàn thì khách hàng sẽ được hưởng trọn diện tích vườn trên tầng áp mái, nhưng nay giá chỉ vào khoảng 2 tỷ cũng khó bán.

Hồi đầu năm 2011, khi mua được căn biệt thự hơn 500m2 của chủ đầu tư Veglacera tại Hoàn Sơn (Tiên Du - Bắc Ninh), anh H mừng vui khi chỉ phải mua giá chênh 1 triệu đồng/m2. Tính ra, cả biệt thự (hai tầng, diện tích xây dựng gần 300 m2) và đất giá 5,6 tỷ đồng. Nay chủ đầu tư mời lên nhận nhà, anh đành tìm cách lẩn, vì nếu nhận anh phải nộp nốt 600 triệu đồng.

“Mình nhận thì cũng có về ở đâu, bởi cách Hà Nội hơn 20km. Trong khi không thể xoay xở được tiền đóng nốt”, anh H. nói. Anh H. đã chấp nhận rao bán 5 tỷ (lỗ 600 triệu) để rút vốn ra trả ngân hàng, nhưng chưa có khách hỏi mua.

Dự án chung cư Sông Nhuệ (Sails Tower - Kiến Hưng, Hà Đông) đã xây xong phần thô nhưng hàng chục khách hàng cũng nhấp nhổm không yên khi chủ đầu tư căng biển trước công trình giảm giá gốc từ 18,5 triệu/m2 xuống còn 16,8 triệu/m2 (bao gồm thuế VAT).

Một khách hàng lo ngại: “Nếu cứ theo đà thị trường thì giá sẽ còn giảm nữa, như vậy khách hàng mua trước như chúng tôi lỗ rất lớn. Làm sao chúng tôi có thể cạnh tranh với chủ đầu tư khi họ xuống mức giá quá thấp, bản thân chúng tôi chỉ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, chỉ có thể chấp nhận lỗ ở mức vừa phải. Nếu không bán được chắc tôi cũng không dám đóng tiền tiếp để nhận nhà bàn giao vào năm sau”.

Thuận mua, vừa bán, tuy nhiên lâu nay khi thị trường sốt giá, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng lấy lý do giá vật liệu tăng, lạm phát tăng để tăng giá bán hoặc bắt khách hàng trả bằng tiền đô la Mỹ. Nhưng nay thị trường xuống giá, nhiều người méo mặt vì lật giở hợp đồng, không có điều khoản nào bắt buộc chủ đầu tư phải xuống giá cho những hợp đồng góp vốn trước đó.

Nhưng những người nhận được nhà còn là may, bởi nhiều người mua nhà bằng các hợp đồng góp vốn cả năm trước, nhưng nay chủ đầu tư mới chỉ khởi công qua loa, không biết bao giờ mới có nhà, trong khi cả đống tiền khách hàng nằm chết, muốn rút ra cũng không dễ.

Ngọc Mai

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Sân golf trong sân bay: “Không có gì phải lo lắng” (18/11/2011)

>   Hướng đi nào cho các dự án chờ rà soát? (18/11/2011)

>   HUD xin lập quy hoạch 2 đô thị vệ tinh của Hà Nội (18/11/2011)

>   Giá đất năm 2012 tại TPHCM: Mức cao nhất là 81 triệu đồng/m2 (18/11/2011)

>   Tín dụng bất động sản: Nới kiểu... nửa vời? (18/11/2011)

>   Thị trường căn hộ: Kêu lỗ nhưng vẫn lời (18/11/2011)

>   Tai họa liên tiếp giáng xuống “đầu“ giới địa ốc“ (18/11/2011)

>   Thị trường BĐS: Gia tăng sức ép chuyển nhượng dự án (18/11/2011)

>   Địa ốc Đà Nẵng hết thời làm giá (18/11/2011)

>   Nới tín dụng, bất động sản cũng chẳng có "cửa"  (17/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật