Nới tín dụng, bất động sản cũng chẳng có "cửa"
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa một số loại tín dụng bất động sản ra khỏi lãnh vực phi sản xuất và khuyến khích các ngân hàng tiếp tục cho vay sau một thời gian siết chặt, nhưng theo nhận định của những người trong cuộc, việc làm này cũng chẳng giúp ngành bất động sản dễ thở hơn.
Nhóm bất động sản được đưa ra khỏi tín dụng phi sản xuất bao gồm: cho vay cá nhân dùng để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương; xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; và xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng vào đầu năm tới.
Đại diện một số công ty địa ốc cho rằng, thông tin này chỉ có tính tích cực cho thị trường trước về mặt tâm lý, trước chủ trương siết chặt tìn dụng ngành bất động sản trong những tháng qua.
Điều dễ dàng nhận thấy là đối tượng được NHNN mở van tín dụng quá hẹp và không nhằm vào đối tượng đang cần được nới lỏng chính sách tín dụng nhiều nhất - những dự án căn hộ trung và cao cấp.
Theo nhóm chuyên viên phân tích bất động sản của Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM, mặc dù đây là một động thái tích cực nhưng tác dụng trong thực tế là khá hạn chế vì chỉ tập trung vào lĩnh vực nhà ở dành cho người thu nhập thấp, phân khúc có rất ít chủ đầu tư tham gia. Ngoài ra, mức độ tác động của quyết định này còn phụ thuộc thuộc vào ‘sức khỏe’ của các ngân hàng, nghĩa là khả năng cho vay của các ngân hàng tại thời điểm hiện nay.
Bình luận về vấn đề này, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông, cho rằng việc một số loại tín dụng bất động sản được đưa ra khỏi danh mục tín dụng phi sản xuất, lĩnh vực bị hạn chế cho vay, là cần thiết. Vì cho vay để xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân, mua nhà để ở thì không phải là đầu tư, nên rủi ro khi cho vay vào các lĩnh vực này là thấp và cũng là để giải quyết nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang khó khăn về thanh khoản, nhất là ở những ngân hàng nhỏ, thì dù NHNN cho cho phép, các ngân hàng cũng chẳng còn tiền để cho vay. Hiện nay, có lẽ chỉ một số ngân hàng lớn là còn có khả năng cho các dự án bất động sản vay tiếp. Nhưng trong bối cảnh thị trường lao dốc như hiện nay, liệu có còn ngân hàng nào dám cho ngành này vay nữa hay không.
Một số ngân hàng, kể cả ngân hàng nước ngoài, cho biết hiện đã ngưng các khoản cho vay bất động sản và chỉ khởi đông lại vào quí 1 năm sau.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng, quyết định của NHNN phần nào giúp ngân hàng dễ thở hơn trong việc thực hiện yêu cầu đưa dư nợ bất động sản về mức 16% theo quy định. Còn với lãi suất hiện nay, cho dù ngân hàng có cho vay thì người mua nhà cũng không chịu nổi. Hơn nữa, xu hướng hiện nay người ta đang đợi thị trường lập đáy mới, nghĩa là chờ giá giảm thêm mới mua. Do vậy, thị trường bất động sản không thể ấm lên được.
Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán Bản Việt, mặc dù van tín dụng đã được nới hơn cho bất động sản tiêu dùng, nhưng để thực sự phát huy tác dụng còn đòi hỏi các ngân hàng phải đưa ra mặt bằng lãi suất hấp dẫn hơn so với mặt bằng lãi suất cao hiện nay. Do vậy, việc thận trọng cho vay với phân khúc căn hộ của các ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục.
Đình Dũng-Hồng Phúc
TBKTSG Online
|