Nới tín dụng BĐS: Lối thoát hẹp cho thị trường
Quyết định của NHNN cho phép các NHTM loại 4 nhóm nhu cầu vay vốn liên quan đến BĐS ra khỏi nhóm tín dụng phi sản xuất đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của người dân cũng như nhiều DN hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực BĐS.
ĐTCK trích đăng ý kiến của một số thành viên thị trường.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thế kỷ - CenGroup:
Nếu chỉ mua đất rồi để đấy không làm gì thì đó là hoạt động đầu cơ và bị coi là phi sản xuất, nhưng đối với các công trình, dự án xây dựng nhà ở đang được triển khai thì không thể xếp vào phi sản xuất được.
Nếu nguồn vốn vay cho BĐS bị thắt chặt cũng đồng nghĩa với việc bóp chết hàng loạt hoạt động sản xuất khác và làm cho đời sống của rất nhiều lao động gặp khó khăn.
Việc NHNN đưa 4 nhóm BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất và tiếp tục được vay vốn sẽ có tác động tích cực cho thị trường BĐS, bởi nhu cầu nhà ở thật sự của người dân phải luôn được quan tâm và đáp ứng.
Bên cạnh đó, quy định này đã đúng theo quy luật tiền - hàng - tiền, vì nếu không được vay vốn để hoàn thiện, nhiều dự án sẽ ở dạng sản phẩm dở dang, một loại sản phẩm không thể chuyển hóa thành tiền được. Đây chính là một yếu tố quan trọng tạo ra lạm phát vì tiền đã bỏ vào các công trình nhưng không thu hồi được. Tuy nhiên, mốc thời gian áp dụng quy định này quá ngắn, chỉ áp dụng cho những dự án sẽ bàn giao nhà trước ngày 1/1/2012. Hy vọng rằng, những quy định này khi áp dụng tạo ra hiệu quả tốt thì sẽ được các cơ quan chức năng xem xét để nới rộng thêm thời gian thực hiện nhằm tháo gỡ cho nhiều dự án BĐS khác.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc Công ty Kinh doanh BĐS Viglacera:
Quy định này ra đời rất đúng lúc vì nhiều đối tượng đăng ký mua nhà thu nhập thấp nhưng đến hạn nôp tiền lại không có tiền để nộp. Quy định về cho vay với các dự án sắp hoàn thành thực sự là một động thái tích cực cho thị trường. Theo quy định hiện hành, dự án chưa hoàn thiện thì không được phép huy động đủ 100% giá mua căn hộ từ khách hàng mà chỉ đến khi bàn giao nhà cho khách hàng xong mới được thu đủ 100% giá trị căn hộ. Vì vậy, sẽ có một khoảng trống về vốn mà DN rất cần đến sự hỗ trợ, tiếp sức của ngân hàng để hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, thời gian áp dụng quy định quá ngắn, chỉ đối với những dự án sẽ hoàn thiện, bàn giao cho khách trước ngày 1/1/2012, sẽ khó áp dụng trong thực tế.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành:
Theo tôi, việc NHNN phát thông điệp mở tín dụng BĐS cho 4 nhóm đối tượng về cơ bản là tốt cho người có nhu cầu nhà ở, tốt cho thị trường.
Tuy nhiên, quy định nguồn vốn vay để hoàn thiện các dự án phát triển nhà chỉ áp dụng đối với các dự án nhà ở được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trước 1/1/2012 là điều phi lý. Bởi lẽ, từ nay đến ngày 1/1/2012, chỉ còn hơn 1 tháng. Nếu quả thực có những dự án kiểu này thì cũng là những dự án dường như đã xây dựng xong, chỉ còn lại một số việc lau chùi, dọn dẹp, hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng. Những dự án dạng này thì đâu cần vốn làm gì nữa hoặc nếu cần thì khoảng thời gian này chưa đủ để làm thủ tục, chứ nói chi đến chuyện vay.
Theo tôi, Nhà nước đã mở thì nên tạo điều kiện để DN có thể tiếp cận được. Có thể áp dụng với các dự án xây dựng dở dang ở mức hoàn thành 70% hoặc những dự án có mức độ xây dựng thấp hơn nhưng khả thi và thời gian nên kéo ra ít nhất là hết năm 2012.
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Việt Nam:
Việc NHNN phát thông điệp mở tín dụng BĐS cho 4 nhóm đối tượng là tín hiệu tích cực không chỉ cho thị trường BĐS mà cho nhiều ngành nghề khác. Trước hết, việc mở tín dụng này phần nào tháo gỡ được vấn đề tâm lý của DN, NĐT về việc Nhà nước không phân biệt đối xử BĐS là lĩnh vực phi sản xuất.
Ngoài ra, việc mở tín dụng này, khả năng đến cuối năm nay, dư nợ tín dụng có thể đạt 16% theo quy định, vì tín dụng cho vay thuộc 4 nhóm đối tượng này chiếm tỷ lệ khá cao. Từ đây, các ngân hàng có thể linh hoạt hơn trong hoạt động tín dụng và thanh khoản của ngân hàng sẽ cải thiện, kích thích hàng loạt ngành nghề có liên quan khác như xây dựng, sắt, thép, xi măng… phát triển. Thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn, có thể chưa tháo gỡ hoàn toàn, nhưng theo tôi đây là động thái rất quan trọng góp phần ổn định tình hình kinh tế vĩ mô.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần:
Quyết định của NHNN giúp các ngân hàng có tiền cho vay. Các ngân hàng cũng rất quan tâm tới tín dụng tiêu dùng và muốn tăng tỷ trọng của loại hình này. Tuy nhiên, điều mà các ngân hàng quan tâm là nhóm mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công thì liệu họ có chấp nhận mức lãi suất 19 - 20%/năm như hiện nay không? Tôi tin các ngân hàng sẽ tung ra sản phẩm cho vay mua nhà, sửa nhà dù đối tượng khách hàng tiếp cận trong giai đoạn này thấp.
Với 3 kênh mở cho DN, gồm xây nhà ở thu nhập thấp; xây nhà ở cho công nhân; cho vay các dự án sắp hoàn thiện sẽ rất tốt cho các DN BĐS vì hiện nhu cầu vay vốn để trả cho nhà thầu, cho bên bán nguyên vật liệu rất lớn. Theo quy định, khi bàn giao nhà cho khách hàng, DN mới thu nốt được 30% từ khách hàng. Vì thế, quy định này sẽ hỗ trợ rất lớn cho DN BĐS.
Cũng có một điểm đáng chú ý là, để giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất hiện rất khó, ngân hàng chỉ có cách tăng dư nợ tín dụng, vì thế, họ sẽ đẩy tín dụng cho 4 loại hình vừa mở để giảm tỷ trọng phi sản xuất xuống.
DN lo ngại về thời hạn còn chưa đầy 2 tháng để có thể làm thủ tục vay tiền, nhưng đây là biện pháp hỗ trợ cho những DN đang có nhu cầu về vốn thực sự cấp bách và DN cũng nên chú y, quy định thoáng ở chỗ căn cứ để xem xét cho vay vốn với các DN BĐS là dựa trên hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán nhà ở trước ngày 1/1/2012, chứ không phải dựa trên tiến độ công việc thực tế.
Đầu tư chứng khoán
|