Thứ Năm, 06/10/2011 07:24

Xác lập lại kỷ cương thị trường tiền tệ

Gần đây NHNN đã đưa ra loạt các chính sách tiền tệ và ngân hàng để giảm lãi suất và ổn định tiền tệ ngân hàng. Đáng chú ý là trong các giải pháp, có bao gồm cả giải pháp phi thị trường (áp dụng trong ngắn hạn). Như vậy, về mặt trung hạn đang đặt ra là cần phải xác lập lại và duy trì kỷ cương thị trường tiền tệ, ngân hàng (market discipline) nhằm ổn định lại khu vực này trên nguyên tắc thị trường hơn.

Thông lệ hoạt động ngân hàng quốc tế là lãi suất tái cấp vốn của ngân hàng Trung ương cho các NHTM vay phải được coi là lãi suất phạt đối với các NHTM vì việc quản trị rủi ro yếu kém của họ.

Lãi suất phạt !

Tại VN, có một thời gian (2008 - 2009) lãi suất này thấp đáng quan tâm là 7% (thấp hơn lãi suất Trái phiếu Chính phủ). Đến nay, NHNN đã nâng lãi suất tái cấp vốn lên 14%/năm bằng lãi suất OMO (lãi suất nghiệp vụ thị trường mở)  và cao hơn lãi suất tái chiết khấu giấy tờ có giá (13%). Dù vậy, các NHTM vẫn còn coi việc vay tái cấp vốn từ NHNN là việc rất bình thường. Rõ ràng, tình trạng đó dẫn đến văn hóa ở khu vực ngân hàng là cứ tìm mọi cách tận dụng được vốn từ NHNN càng nhiều càng tốt và các NHTM cứ cho vay và chấp nhận rủi ro với mọi giá (!). Như vậy, để đảm bảo kỷ cương của lãi suất tái cấp vốn, NHNN cần phát đi tín hiệu rằng, những NHTM nào đó mà “bị” tái cấp vốn thì đó là những ngân hàng bị phạt (chẳng hạn như hiện nay, có thể áp dụng mức lãi suất tái cấp vốn cao hơn 17%). Có như thế thì kỷ luật thị trường tiền tệ mới được lập lại và qua đó các NHTM mới tăng cường quản trị thanh khoản, không để mất thanh khoản và không tham gia vào cuộc đua lãi suất cao. Và khi đó, những ngân hàng nào đua lãi suất cũng được coi và hiểu là những ngân hàng có vấn đề về quản lý thanh khoản.

Bên cạnh đó, lãi suất là giá của đồng vốn và qua đó phản ánh cung cầu trên thị trường và cũng phản ánh quan hệ tiền tệ tín dụng đặc thù nên nó phải phản ánh được đầy đủ các bản chất kinh tế (nhất là rủi ro) của các quan hệ đó. Tuy nhiên, đã lâu ở VN nó đã bị bóp méo và khá lệch lạc theo một nghĩa phi kinh tế thị trường và điều đó cũng phản ánh tình trạng mất kỷ cương của thị trường.

Hiện tại, lãi suất huy động của các NHTM đang ở mức 14%/năm cho tất cả các kỳ hạn và ở tất cả các ngân hàng (bình thường, những ngân hàng có mức độ rủi ro hơn phải trả lãi cao hơn);  Hình thức này nên cho tồn tại trong thời gian ngắn và đó là giải pháp phù hợp trong ngắn hạn để dập tắt các cuộc đua lãi suất khi người gửi tiền không biết ngân hàng nào yếu, ngân hàng nào mạnh. Rất có thể nếu khi NHNN công khai quan điểm về việc cho rằng NHTM nào kém (yếu hay hạng thấp) là những ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao, và khi đó mức phí bảo hiểm tiền gửi cũng tăng lên (hoặc giảm số lượng tiền được bảo hiểm xuống thấp hơn hiện hành).

Giới thạo ngân hàng cũng cho rằng, lãi suất có thể coi là chỉ báo ngân hàng có vấn đề. Khi ngân hàng thiếu thanh khoản (tình trạng căng thẳng) ngân hàng thường đưa ra các chiêu lãi suất rất lạ. Để ý ở VN mấy tháng qua cho thấy, khi NHNN quy định trần lãi suất huy động 14%/năm, một số ngân hàng đã đưa ra các lãi suất tính theo ngày và áp dụng thống nhất 14%/năm. Theo cách đó thực tế lãi suất có thể lên 15%/năm - 16%/năm. Như vậy, nếu lãi suất huy động “quá lạ” cũng có thể coi là dấu hiệu để thanh tra ngân hàng xem xét đây có phải là ngân hàng đang có vấn đề, hoặc chỉ báo cho người gửi tiền là đây là nơi có thể mất tiền !

Không thể ở chung một giỏ

Với đầu ra, lãi suất cho vay cao phản ánh dự án rủi ro. Đã từ lâu, lãi suất cho vay dường như cũng ở chung một giỏ. Mọi DN đều có khuynh hướng đòi vay với lãi suất thấp và giống nhau là mức 17-19%/năm. Điều này dẫn đến văn hóa sử dụng nguồn tài chính thiếu cẩn trọng và lãng phí, làm mài mòn chức năng quản lý của khu vực tài chính.

Lãi suất tới đây, NHNN chỉ nên quy định, đối với khách hàng, dự án loại tốt nhất (ví dụ loại AAA) thì định hướng các NHTM áp dụng lãi suất cho vay là 17%/năm.  Các mức bù rủi ro khác phản ánh mức độ rủi ro của dự án... Trong một chính sách như vậy, kỷ cương về tín dụng sẽ được lập lại và các DN  mới nỗ lực nâng cao uy tín của mình, sử dụng vốn một cách cẩn trọng.

Với việc Thông tư số 30 của NHNN có hiệu lực từ 1/10, lãi suất huy động VND các kỳ hạn cực ngắn trên thị trường đã giảm mạnh.

Thực tế thời gian qua ở VN cho thấy, các ngân hàng luôn tìm mọi cách đẩy chi phí vào khu vực sản xuất thực. Điều này là dễ hiểu vì với điều kiện tăng trưởng kinh tế nhanh như VN hiện nay (nền kinh tế luôn ở tình trạng thiếu vốn), các ngân hàng thường ở thế trên (thế người cho vay, hay thế độc quyền cao hơn) và do đó, việc ngân hàng đẩy chi phí vào khu vực sản xuất thực rất dễ diễn ra. Tình trạng độc quyền này thường dẫn đến tình trạng là chênh lệch lãi suất (cho vay và huy động) ở mức rất  lớn.

Kết quả kinh doanh của các NHTM 6 tháng và 8 tháng năm 2011 vừa qua cho thấy các NHTM lãi rất nhiều trong khi các DN lãi rất khó khăn và lỗ đáng kể. Các ngân hàng VN cũng tăng nhân viên, mở chi nhánh tràn lan những năm qua mà  không hề cân nhắc cẩn trọng đến chi phí tăng nhanh (có ngân hàng tăng vốn chỉ phục vụ cho việc mở chi nhánh, đầu tư mua sắm tài sản mà không quan tâm đến cho vay nền kinh tế). Thông tin gần đây một số ngân hàng lớn ở Mỹ đã giảm rất nhiều nhân viên và cắt giảm các chi  phí, chứng tỏ cách ứng xử với khó khăn  khác hoàn toàn với các ngân hàng VN. Các chuyên gia kinh tế gọi là tình trạng ngân hàng ứng xử kém hay chơi không đẹp (bank bad behavior). Để kiểm soát điều này, Chính phủ cần kiểm soát chi phí của các ngân hàng một cách chặt chẽ theo hướng hạn chế tăng lương quá nhanh và quá cao ở các NHTM hiện nay (nhất là ngân hàng lớn), hạn chế mở chi nhánh quá mức trong khi nền kinh tế còn khá khó khăn .

Một kỷ cương hay ứng xử đẹp của ngân hàng với lãi suất là (mà DN vay vốn cũng thường đặt ra câu hỏi), lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay phải giảm. Tình trạng giá xăng, dầu nhập khẩu giảm nhưng DN bán xăng dầu lại không giảm giá bán cho người dân là một trong những ví dụ về “xấu chơi” (bad price behavior) của DN xăng dầu mà các ngân hàng cần coi là tham chiếu.

Ths Lê Văn Hinh

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Năm 2012 có thể không cào bằng chỉ tiêu tín dụng (06/10/2011)

>   ATM của Agribank: “Liệt” và quan liêu (06/10/2011)

>   Tin Vietinbank có 3.000 - 4.000 tỷ đồng nợ xấu là thất thiệt (05/10/2011)

>   Cán cân thanh toán tổng thể chuyển sang thặng dư (05/10/2011)

>   Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay (05/10/2011)

>   Họp nhóm ngân hàng “G12 + 1”: Nhiều vấn đề phải xử lý! (05/10/2011)

>   Đôla tự do 'nhảy' giá từng giờ (05/10/2011)

>   Lại có ngân hàng bị “gài bẫy” vượt trần lãi suất? (05/10/2011)

>   Doanh nghiệp dự phòng tỷ giá biến động (05/10/2011)

>   VIBank tiếp tục giải ngân 2,000 tỷ đồng với lãi suất 17.5%/năm (05/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật