Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2011, song không ít ngân hàng, đặc biệt những ngân hàng lớn cho biết, dư địa cho vay trong hạn mức cho phép 20% vẫn còn nhiều. Chính vì lý do trên, các nhà băng đang tích cực tiếp thị vốn vay, với các khoản tín dụng hàng ngàn tỷ đồng hoặc triệu USD với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh, khu vực nông thôn.
|
Tại Sacombank (STB), theo ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Ngân hàng, bên cạnh gói 2.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất 17 - 19%/năm cho các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn (trong đó đã giải ngân được 500 tỷ đồng), thì mới đây, Sacombank còn triển khai thêm gói vốn 50 triệu USD ưu đãi lãi suất cho riêng doanh nghiệp xuất khẩu và đến nay đã giải ngân được khoảng một phần hai số vốn này. Hiện Ngân hàng vẫn còn hơn một nửa của "room" tín dụng 20%. Tính đến cuối tháng 8/2011, tăng trưởng tín dụng của Sacombank mới chỉ đạt 6,4% so với cuối năm 2010. Dù còn nhiều "room" để mở rộng tín dụng và đang dành nhiều ưu đãi về lãi suất cho các doanh nghiệp, nhưng việc Sacombank lựa chọn doanh nghiệp cho thấy Ngân hàng không có ý định đẩy vốn cho vay bằng mọi giá, mà chủ trương tăng trưởng bền vững.
"Việc giảm lãi suất có thể sẽ theo một lộ trình từ từ trong thời gian tới, khi chi phí đầu vào tiếp tục giảm và thực tế các chính sách của NHNN đang từng bước hạ nhiệt lãi suất huy động. Đồng thời, khi sự đồng thuận giảm dần lãi suất cho vay của các ngân hàng được thực hiện quyết liệt thì lãi suất (cả huy động, cho vay) tiếp tục giảm", lãnh đạo Sacombank nói.
Ngân hàng ANZ Việt Nam cũng vừa cam kết dành khoản tín dụng 3.200 tỷ đồng (tương đương 160 triệu USD) cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, với thời hạn vay trong vòng 12 tháng tới. Với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam , các khoản tín dụng mà ANZ triển khai từ gói vốn trên chủ yếu sẽ là tín dụng ngoại tệ USD. Mức lãi suất cho vay thỏa thuận dao động từ 5% đến 6%/năm, tùy theo trường hợp vay cụ thể của khách hàng. Theo ANZ, đây là khoản tín dụng có lãi suất cạnh tranh dựa theo tiêu chí thẩm định cho vay thông thường, giúp cho các nhà xuất khẩu bổ sung nguồn vốn lưu động cũng như khoản tài trợ thương mại để hỗ trợ hoạt động mở rộng kinh doanh, đầu tư.
"Doanh nghiệp xuất khẩu là huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam , nhưng đã phải trải qua áp lực lãi suất cao trong thời gian dài vừa qua. Vì thế, khoản tín dụng mới này nằm trong gói dịch vụ tài chính dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ANZ, nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu Việt Nam . Ngân hàng chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các nhà xuất khẩu thuộc các lĩnh vực chủ chốt như thủy sản, cà phê, gạo, đồ gỗ và dệt may", ông Calvin Nguyễn, Giám đốc Dịch vụ tài chính dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của ANZ cho biết.
Lãi suất cho vay tiền đồng tại OCeanBank hiện cũng chỉ còn 16 - 17%/năm dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, OceanBank tiếp tục thực hiện gói chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức giảm lãi suất từ 1 - 3%/năm. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết, chương trình cho vay ưu đãi lãi suất nói trên của Ngân hàng nhằm giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn, qua đó nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay.
Các ngân hàng đều cho biết, việc thực hiện nhiều chính sách chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp như: cho vay hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với việc giảm lãi suất cho vay, giảm phí, thực hiện cơ chế linh hoạt về tài sản bảo đảm… Song điều cốt yếu vẫn là muốn kích hoạt tăng trưởng tín dụng, đón đầu nhu cầu vốn doanh nghiệp dịp cuối năm. Đồng thời, qua đó các nhà băng sẽ gia tăng được nguồn thu từ hoạt động cho vay - vốn là nguồn thu lớn nhất đóng góp vào lợi nhuận - để hoàn tất chỉ tiêu đã đưa ra cho cả năm 2011 cũng như đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Vì vậy, việc giảm dần lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhà băng là cần thiết trong những tháng còn lại của năm. Theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, nếu không giảm dần lãi suất, các ngân hàng cũng khó cho vay, mặc dù họ đang rất thận trọng trước nguy cơ nợ xấu có dấu hiệu gia tăng. Ông Dương cho rằng, với mặt bằng lãi suất cho vay dao động từ 17 - 19%/năm hiện nay, áp lực với các doanh nghiệp chưa hẳn đã giảm. Mặt khác, mức lãi suất ưu đãi trên chỉ được ngân hàng dành cho một số đối tượng khách hàng ưu tiên, thay vì áp dụng phổ biến cho tất cả doanh nghiệp.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|