Doanh nghiệp dự phòng tỷ giá biến động
Tỷ giá đã được thống đốc ngân hàng Nhà nước khẳng định là sẽ không biến động quá 1% đến cuối năm. Song không vì thế mà doanh nghiệp không tính toán dự phòng biến động tỷ giá.
Ngày 4.9, giá đôla Mỹ trên thị trường tự do đã tăng thêm 150 đồng so với hai ngày trước đó, lên mức 21.450 đồng/USD. Trong lúc đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức 20.628 đồng/USD suốt 35 ngày vừa qua, và giá đôla Mỹ trong ngân hàng thương mại vẫn đứng ở mức mua vào – bán ra chỉ có 20.830 – 20.834 đồng/USD.
E ngại giá đôla Mỹ biến động, công ty Saigon Foods đã cho nhập nguyên liệu sản xuất thực phẩm chế biến cho mùa tết từ đầu tháng 9, sớm hơn dự kiến hai tháng… chấp nhận tăng chi phí lưu kho và trả lãi cho ngân hàng. Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Saigon Foods, khoảng trả lãi vay trong hai tháng cũng như phí lưu kho có thể coi là một cách đề phòng tỷ giá có thể biến động.
Dự phòng tỷ giá điều chỉnh
“Rất khó lập kế hoạch dự phòng cho giá đôla”, ông Nguyễn Văn Sinh, chủ tịch hội đồng quản trị Dapha Group nói. Theo ông Sinh, ngoài biến động tỷ giá, doanh nghiệp lo nhất là cảnh nguồn cung từ ngân hàng “hôm nay có, ngày mai không có, rồi lại giới thiệu nơi có nguồn đôla cho doanh nghiệp đi mua hoặc mua giùm doanh nghiệp với giá thoả thuận”. Một khó khăn khác, khá phổ biến là việc hạch toán khoảng chênh khi mua đôla bên ngoài. Ông Sinh nói: “Công ty trả nhưng khó hạch toán trong sổ sách”.
“Mỗi người tự có cách tính giá dự phòng khác nhau, riêng cá nhân tôi tính giá dự phòng dựa trên giá đôla do Nhà nước quy định, cộng với chênh lệch tỷ giá và mức trượt giá tiền đồng”, ông Đào Văn Dung, tổng giám đốc công ty thời trang Đa Gia cho biết. Với lối suy nghĩ đó, ông Dung cho rằng tỷ giá đôla Mỹ cuối năm có thể cao hơn mức hiện nay. Không ít doanh nghiệp tiết lộ trong tính toán giá hàng bán dịp cuối năm 2011, tỷ giá được xác lập ở mức trên 22.000 đồng cho mỗi USD. So với tỷ giá niêm yết chính thức, mức chênh khoảng 7%.
Tính hết vào giá sản phẩm
Tuy doanh nghiệp có thể dự phòng rủi ro tỷ giá biến động được tính vào giá thành nhưng trong bối cảnh sức mua không được tốt như các năm trước, sản phẩm của họ có thể khó tiêu thụ hơn. Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc công ty thực phẩm Hancofoods cho biết: “Dự trù tăng giá của doanh nghiệp chỉ chừng 5 – 7%, có tối đa cũng chỉ đến 10%. Điều đáng ngại là giá nguyên phụ liệu tăng có khoảng thời gian báo trước, còn giá đôla thì thường tăng bất ngờ…”
Công ty Bibica đang ước tính giá bán lẻ cho các sản phẩm tết nguyên đán sắp tới sẽ tăng từ 10 – 15% tuỳ loại, do giá đầu vào tăng. Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc công ty Bibica (BBC) cho biết: “Giá đôla có biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 20% nguyên liệu đầu vào công ty nhập trực tiếp từ nước ngoài, và ảnh hưởng gián tiếp do các loại bơ, sữa, bột mì, hương liệu, bao bì… của các nhà cung cấp trong nước cũng nhập từ nước ngoài”. Trong trường hợp tổng giá thành đầu vào tăng trên 5% trong dịp cuối năm, công ty mới tính đến chuyện điều chỉnh giá, còn dưới mức 5% thì sẽ giữ nguyên giá đã công bố.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhập độc quyền những thương hiệu bánh kẹo, bơ sữa, sôcôla, hoá mỹ phẩm… đã điều chỉnh giá tăng cho hàng bán dịp cuối năm và tết. Người phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hương liệu thực phẩm ở quận 5 cho biết: “Do giá đôla thị trường tự do đã là 21.450 đồng, dự phòng thêm 550 đồng nữa để khỏi điều chỉnh giá trong tháng 10 hoặc 11. Tuy nhiên, nếu giá đôla tăng trên 23.000 đồng/USD thì chúng tôi cũng sẽ phải điều chỉnh tiếp”.
Bích Thảo
sài gòn tiếp thị
|