Vì đâu Trái phiếu Chính phủ liên tục không bán được?
(Vietstock) – Tỷ lệ trúng thầu Trái phiếu Chính phủ trong tháng 8 đạt 49%, tháng 9 đạt 29.8%, nhưng chỉ đạt mức 1% trong nửa đầu tháng 10 và hầu hết là không thể bán được.
Thị trường Trái phiếu Chính phủ trầm lắng
Hoạt động đấu thầu trên thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp diễn ra khá trầm lắng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong thời gian từ đầu tháng 10 đến nay. Cụ thể:
(1) Tỷ lệ trúng thầu Trái phiếu Chính phủ liên tục giảm trong những tháng gần đây. Tỷ lệ trúng thầu Trái phiếu Chính phủ trong tháng 8 đạt 49%, tháng 9 đạt 29.8% nhưng chỉ đạt mức 1% trong nửa đầu tháng 10 và hầu hết là không thể bán được.
(2) Lãi suất đặt thầu liên tục được điều chỉnh tăng dần; và hiện lãi suất đặt thầu cho loại trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) kỳ hạn 3 năm trong khoảng 13% - 12.4%, kỳ hạn 5 năm là 12.65% - 12.4% nhưng không có đơn vị nào trúng thầu. Điều này cho thấy kỳ vọng của thị trường đã vượt mức lãi suất mời thầu (cũng có thể do bị khống chế bởi mức trần).
(3) Số đơn vị tham gia đấu thầu trong những phiên gần đây thấp kỷ lục và nhiều nhất chỉ có 3 tổ chức tham gia đấu thầu trái phiếu KBNN; trong khi đó, các phiên đấu thầu trái phiếu NH Chính sách Xã hội (NHCSXH) còn kém sôi động hơn.
Vì đâu Trái phiếu Chính phủ kém hấp dẫn?
Sau hàng loạt động thái của NHNN trên thị trường tiền tệ như áp trần lãi suất huy động 14%/năm, nâng lãi suất tái cấn vốn từ 14% lên 15%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14% lên 16%/năm… thì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nói chung và nhóm các ngân hàng yếu kém nói riêng trở nên căng thẳng hơn.
Thông qua thị trường OMO, NHNN đã liên tục bơm hút một lượng tiền lớn cho thị trường. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nguồn vốn này của nhóm ngân hàng yếu kém gần như bị loại trừ do không có trong tay các loại giấy tờ có giá để giao dịch. Bên cạnh đó, các ngân hàng yếu kém cũng “ngại” đi vay tái cấp vốn từ NHNN do lo sợ sự giám sát, kiểm tra từ cơ quan này.
Hệ quả của những diễn biến trên là lãi suất liên ngân hàng liên tục nhảy vọt lên mức cao kỷ lục và có lúc đạt mức 30%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.
Trong khi các ngân hàng nhỏ yếu kém phải “còng lưng” ra chống chọi để đảm bảo thanh khoản thì các “ông lớn” có cơ hội gia tăng hoạt động trên thị trường liên ngân hàng.
So với mức lãi suất khá “khiêm tốn” trên thị trường trái phiếu, thì việc các ngân hàng lớn tranh thủ kiếm lợi nhuận “khủng” từ thị trường liên ngân hàng là điều khá dễ hiểu. Và hệ lụy là thị trường trái phiếu sơ cấp không còn sức thu hút.
Ngoài ra, các diễn biến trên thị trường Trái phiếu Chính phủ cũng là chỉ báo quan trọng cho thấy kỳ vọng lãi suất có thể chưa thể hạ xuống, và bất ổn trên thị trường tiền tệ chưa chấm dứt trong tương lai gần.
Điều này cũng khiến cho nhiều ngân hàng tăng cường các hoạt động cho vay ngắn hạn hơn là dài hạn và chỉ nắm giữ tài sản có tính thanh khoản rất cao để phòng ngừa rủi ro.
Hoàng Vũ
|