Quyết liệt với vốn trái phiếu
Rất nhiều báo cáo, đánh giá của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục trong 10 ngày gần đây cho thấy cần phải áp dụng hàng loạt các biện pháp “cưỡng chế” mạnh vì vốn trái phiếu chính phủ đã vượt xa sức chịu đựng của nền kinh tế.
Bước nhảy vọt của vốn trái phiếu
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đưa ra những con số giật mình: trái phiếu chính phủ (TPCP) năm nay dự kiến phát hành 45.000 tỉ đồng. Nhưng tổng hợp nhu cầu vốn cho giai đoạn 2011-2015 (tính cả trượt giá) là 500.000 tỉ đồng. Điều này là không thể trong điều kiện nền kinh tế tập trung hàng đầu cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Thế nhưng báo cáo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh công bố hôm 30-9 tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy dòng vốn này đã có những dấu hiệu “nước tràn đê”, hơn cả những gì ông Đam đã công bố.
Số liệu của báo cáo được Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội dẫn ra cho thấy, tổng mức vốn TPCP cho giai đoạn 2003-2010 được phê duyệt là 63.064 tỉ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh danh mục, tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn đã lên đến 641.770 tỉ đồng vào cuối năm nay, gấp 10,17 lần con số đề ra. Và thực tế, trong bảy năm (2003-2010) đã bố trí 236.770 tỉ đồng, tức là mức chi thực tế đã gấp 3,75 lần dự tính. Kết quả ra sao? Dự kiến đến hết năm nay có 1.952 dự án và tiểu dự án được hoàn thành, nhưng số dự án còn dở dang lại lớn hơn: 2.343 dự án.
Và chỉ để hoàn thành các dự án trong danh mục nêu trên, không tính thêm các dự án mới, trong năm năm tới (2011-2015) cần bố trí thêm 405.000 tỉ đồng nhu cầu vốn. Nếu tính cả trượt giá sau năm năm là tròn 500.000 tỉ đồng. Mỗi con số ngày một xa cái đích ban đầu. Nhớ lại, hồi tháng 10-2010, Chính phủ đã trình một danh mục vốn trái phiếu năm năm và được Quốc hội cho phép phát hành 315.000 tỉ đồng tiền vốn, nay dự kiến đội thêm 185.000 tỉ đồng nữa. Như vậy là nới lỏng đầu tư công, trái với yêu cầu của Nghị quyết 11.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách đã thống nhất với Chính phủ chỉ bố trí vốn TPCP cho giai đoạn 2011-2015 tối đa là 225.000 tỉ đồng (bằng 40% nhu cầu), tương ứng với 45.000 tỉ đồng/năm. Quyết định trên yêu cầu phải được thực hiện nghiêm vì các cân đối vĩ mô còn rất căng thẳng, tình hình nợ công ngày một cao. Theo cơ quan này, không thể cân đối đủ nguồn cho nhu cầu vốn như vậy và nó có thể gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.
Phải đóng cửa hàng loạt dự án
Tình hình sử dụng vốn trái phiếu căng thẳng quá mức dẫn đến việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phải đề xuất đưa nguồn vốn TPCP vào cân đối ngân sách hàng năm, bắt đầu từ năm 2013. Lộ trình đề xuất dường như hơi trễ vì Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ năm 2010 đã ghi rõ: “Quốc hội quyết định tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm của Chính phủ gắn với dự toán ngân sách ”.
Với tình hình sử dụng vốn trái phiếu hiện nay, người ta có quyền đặt câu hỏi là kỷ luật ngân sách có được thực thi nghiêm túc không khi mà việc rà soát các dự án đầu tư từ trái phiếu, theo Nghị quyết 11, thực chất chỉ là giãn tiến độ các dự án. Trong số nhiều dự án mới khởi công, có đến 333 dự án không thuộc danh mục dùng vốn năm nay đã “lọt cửa”. Nhiều dự án được điều chỉnh mục tiêu, tăng quy mô và tổng mức đầu tư trong khi không được phép.
Ủy ban Tài chính ngân sách yêu cầu Chính phủ phải báo cáo rõ về số dự án này, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, địa phương và thu hồi toàn bộ vốn trái phiếu đã bố trí sai trong năm 2011 về cho ngân sách. Song, Chính phủ chỉ đề xuất việc thu hồi vốn và không đề cập đến các vấn đề còn lại (Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2011). Vậy ai sẽ là người thực hiện yêu cầu thu hồi vốn? Ai sẽ là nơi làm rõ trách nhiệm của các địa phương, tổ chức, cá nhân cấp vốn sai mục đích? Điều này là không thể bỏ qua.
Danh mục các loại dự án không được bố trí vốn TPCP thời gian tới
1. Các dự án mở rộng, cải tạo sân bay chưa cần thiết, các dự án hạ tầng chưa thật sự cấp bách (đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông...) 2. Các dự án nhóm B, nhóm C thời hạn thực hiện quá hai năm so với quy định. 3. Các dự án được Thủ tướng Chính phủ giao vốn thực hiện trong nhiều năm nhưng kế hoạch 2011 không được các bộ, ngành bố trí vốn. 4. Các dự án không giải phóng được mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng quá ba năm. 5. Các dự án có tổng mức đầu tư từ 1.000-2.000 tỉ đồng nhưng mới bố trí được dưới 15% tổng mức đầu tư. 6. Các dự án có khả năng chuyển đổi hình thức đầu tư để thu hồi được vốn như BOT, BT, PPP (phần vốn TPCP đã đầu tư và vốn doanh nghiệp bỏ thêm để hoàn thành) đối với các dự án giao thông, bệnh viện, ký túc xá sinh viên ở những nơi phát triển như Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu... (Nguồn: Đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Theo một báo cáo hôm 23-9 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, về “Nguyên nhân lạm phát và các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới”, lần đầu tiên bộ chỉ thẳng lạm phát do cầu kéo, xuất phát từ việc bội chi ngân sách (tính cả vốn trái phiếu), không phải là những con số đẹp như đã từng công bố.
Nếu tính cả vốn trái phiếu chính phủ thì tỷ lệ bội chi cao hơn nhiều. Năm 2008, bội chi công bố là 4,6% (nếu tính cả vốn trái phiếu lên đến 6,4%), năm 2009: 6,9% (thực tế 10,1%); năm 2010: 5,6% (thực tế 8,7%). Tổng cầu cao như vậy ngoài việc gây áp lực lên mặt bằng giá còn ảnh hưởng đến toàn thị trường, đẩy lãi suất tăng cao trong vài năm gần đây. |
Ngọc Lan
tbktsg
|