Thứ Hai, 24/10/2011 07:00

Thời điểm để giảm dần vay nợ nước ngoài

Sau khi thảo luận tại tổ vào cuối tuần trước, tuần này, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là nợ chính phủ.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), Nguyễn Thành Đô (ảnh) khẳng định, nợ công của Việt Nam tuy cao nhưng rất an toàn.

Thưa ông, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại trước tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện ở mức quá cao?

Trên thế giới, không có chuẩn mực nợ công bao nhiêu được coi là an toàn. Hiện EU quy định, nợ công dưới 60% GDP là an toàn; Nhật Bản là dưới 200% GDP; các nước Nam Mỹ lại quy định mức an toàn trong nợ công là 40 - 50% GDP. Trong khi đó, Mỹ và một số nước khác không quy định tỷ lệ nợ công so với GDP, mà quy định mức trần nợ công.

Mặc dù chưa xây dựng được mức trần tối đa nợ công, nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chuẩn về nợ chính phủ, nợ nước ngoài, với mức trần là 50% GDP. Căn cứ vào tiêu chí này có thể thấy, nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn, vì tính đến cuối năm 2011, nợ chính phủ mới tương đương 45,3% GDP và nợ nước ngoài tương đương 42,8% GDP.

Nhưng nếu tính cả khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, thì nợ công của Việt Nam chắc chắn rất cao…

Theo Luật Quản lý nợ công, thì nợ công của Việt Nam gồm nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Chúng ta không tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công như Thái Lan, Pháp và một số nước khác là do, cũng như doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước vay nợ phải theo nguyên tắc tự vay, tự trả. Hơn nữa, kể từ ngày 1/7/2010, tất cả doanh nghiệp nhà nước đã chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Nhà nước cấp vốn chủ sở hữu cho doanh nghiệp và doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm trước các khoản nợ trong phạm vi vốn chủ sở hữu đã được cấp.

Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt bình quân 7%/năm, nhưng dư nợ nước ngoài đã tăng gấp đôi. Điều này cho thấy việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả?

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong 5 năm qua, các nước ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình là 5,6%/năm, trong đó Thái Lan tăng 3,6%/năm, Malaysia tăng 4,5%/năm, Indonesia tăng 5,7%/năm, Philippines tăng 4,9%/năm, Singapore tăng 6,5%/năm. Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7%/năm là cao. Có kết quả này là do chúng ta sử dụng nguồn vốn vay cả trong và ngoài nước để tập trung đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Vấn đề là tốc độ tăng dư nợ lại cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế?

Tôi cho rằng, việc so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng dư nợ là khập khiễng, vì quy mô của nền kinh tế nước ta năm 2011 ước khoảng 106 tỷ USD, gấp 3 lần dư nợ vay nước ngoài. Hơn nữa, trong thời kỳ đầu phát triển kinh tế, nguồn lực tài chính trong nước có hạn, nên việc tích cực vay nợ nước ngoài để đầu tư phát triển cũng là bình thường. Trên thế giới, nước nào cũng tận dụng cơ hội vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chứ không riêng gì Việt Nam.

Nợ nước ngoài sẽ tăng đến khi nào, thưa ông?

Cho đến khi các dự án đầu tư đưa vào khai thác, thực hiện thu hồi vốn để trả dần nợ gốc thì nợ nước ngoài bắt đầu giảm xuống. Ngoài ra, sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế trong nước đã có tích lũy, giờ là thời điểm chúng ta giảm dần việc vay nợ nước ngoài, thay vào đó là vay nợ trong nước để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỷ giá. Định hướng vay nợ trong thời gian tới là nguồn vốn nước ngoài vẫn được coi trọng, nhưng vốn trong nước mới đóng vai trò quyết định để bảo đảm phát triển bền vững.

Mạnh Bôn

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Đầu tư công: Chọn mặt nào của tấm huy chương? (22/10/2011)

>   Tái cơ cấu, một góc nhìn khác (22/10/2011)

>   Kinh tế 2011: Được vừa vừa, lo nhiều thứ (22/10/2011)

>   Công bố dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài (22/10/2011)

>   Chưa rõ cơ sở cho mục tiêu lạm phát dưới 10% (21/10/2011)

>   Sẽ giám sát việc vay nợ (21/10/2011)

>   Quên tái cấu trúc nhân lực? (21/10/2011)

>   Làm đường Việt Nam đắt gấp 3 lần Mỹ (21/10/2011)

>   Cơ quan Quốc hội lo an toàn nợ công (20/10/2011)

>   Tỷ trọng đầu tư công năm 2012 giảm khá mạnh (20/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật