Thứ Ba, 25/10/2011 18:26

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Cần giải pháp và lộ trình hợp lý

Tái cơ cấu từ đâu và như thế nào để tránh gây sốc cho nền kinh tế, cho hệ thống ngân hàng là vấn đề cần được đánh giá, nghiên cứu cẩn trọng.

Đòi hỏi tất yếu để phát triển

Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại hiện đang được xem là một nhiệm vụ cấp bách đối với hệ thống ngân hàng. Ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIBBank) cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ngay từ bây giờ Ngân hàng Quốc tế đã đặt mục tiêu tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình phát triển phù hợp với sự phát triển của thông lệ quốc tế.

“Xu hướng của tất cả định chế tài chính trên thế giới cũng như của những nhà hoạch định chính sách của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới là muốn các định chế tài chính có một vốn cơ sở, hệ số an toàn vốn cao hơn. Việc đó không thể khả thi đối với tất cả các hệ thống ngân hàng nếu tính đến yếu tố về khả năng vốn của các cổ đông. Khi không đủ vốn cơ sở để đáp ứng cho việc xây dựng hạ tầng cũng như bộ máy quản trị sẽ có những tác nhân ảnh hưởng không tốt đến thị trường tài chính nói chung. Với góc độ như vậy, NHNN đã có động thái rất phù hợp khi đưa ra định hướng sáp nhập các tổ chức Ngân hàng đó”, ông Hàn Ngọc Vũ nói.

Có cùng quan điểm, ông Lê Công, Tổng Giám đốc NHTMCP Quân đội cho rằng: Hiện nay, số lượng tổ chức tín dụng của Việt Nam lớn hơn với quy mô của nền kinh tế. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện những cải cách cơ cấu  hệ thống ngân hàng, tài chính. Tái cấu trúc ở đây chính là hướng tới việc sắp xếp, nâng cao khả năng quản trị, điều hành của ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống.

Trên thực tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không phải là vấn đề mới, mà đã được NHNN đặt ra từ lâu, song khâu triển khai lại rất chậm. Một thời, rất nhiều ngân hàng thương mại được mở ra, nhiều ngân hàng nông thôn được nâng lên thành ngân hàng thành thị...

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế cho rằng: Không cần phải đặt ra mục tiêu số lượng sáp nhập, giải thể bao nhiêu ngân hàng, mà vấn đề quan trọng trước hết là phải đánh giá được hiệu quả, đóng góp của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế. Không nên chỉ nhìn vào số lượng lớn ngân hàng nhỏ mà đặt ra chỉ tiêu phải thu hẹp.

“Tôi đồng ý với việc phải giảm số lượng ngân hàng nếu họ hoạt động không tốt.  Họ phải tự tái tổ chức, sáp nhập với nhau, hoặc sáp nhập với ngân hàng lớn hơn. Ngân hàng thương mại chỉ là một phần của hệ thống tài chính, ngân hàng, nhưng hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng thương mại. Phải mở rộng hệ thống tổ chức tài chính không phải ngân hàng, các định chế tài chính phi ngân hàng. Khía cạnh sâu rộng của tái cơ cấu lại ngành tài chính không chỉ bao gồm các ngân hàng thương mại”, ông Nguyễn Quang A phân tích.

Hiện nay, tái cơ cấu đối với hệ thống tài chính nói chung, trong đó có hệ thống ngân hàng là vấn đề rất nhạy cảm. Vấn đề nhạy cảm ấy phải giải quyết trước hết bằng việc lành mạnh hoá tài chính, ngăn chặn nợ xấu, ngăn chặn đổ vỡ.

Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: Đừng “ảo tưởng” nhiều vào việc phải tạo ra những ngân hàng mạnh, ngân hàng lớn. Trước hết phải làm sao đừng để tình hình ngoài tầm kiểm soát. Tốt nhất trong thời điểm này không được để ngân hàng nào “đổ vỡ”. Việc đầu tiên cần làm là phải rà soát tổng thể hệ thống ngân hàng, đặc biệt là minh bạch hóa mọi thông tin liên quan đến hoạt động của loại hình doanh nghiệp đặc biệt này. Tùy từng ngân hàng mà có sự tái cơ cấu khác nhau.

Với vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng là nhân tố quan trọng đối với sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia và kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, không thể cơ cấu, sắp xếp lại các ngân hàng một cách ồ ạt, bởi việc này phụ thuộc vào từng ngân hàng và yêu cầu chung của công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và phân bổ vốn đầu tư.

Để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công cần đánh giá một cách khách quan hệ thống ngân hàng Việt Nam để khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới ở trình độ cao hơn./.

Văn Hiếu - Minh Hà - Cẩm Tú

VOV

Các tin tức khác

>   Lừng khừng lãi suất cho vay (25/10/2011)

>   Vỡ hàng loạt vụ tín dụng "đen": Lộ rõ nhiều yếu huyệt (25/10/2011)

>   Giá đôla tự do gần 'bắt kịp' ngân hàng (25/10/2011)

>   Hạ lãi suất cho vay xuống 15%, BIDV giảm kế hoạch lợi nhuận  (25/10/2011)

>   Ngân hàng bán vàng bình ổn: Lợi ích nhiều hơn trách nhiệm!? (25/10/2011)

>   Trần lãi suất và sức ép tái cấu trúc ngân hàng (25/10/2011)

>   Phác đồ trị 'bệnh' cho hệ thống ngân hàng (25/10/2011)

>   Nhà băng lại đua khuyến mại cho người gửi tiền (24/10/2011)

>   Tăng lãi suất, ngưng cho vay tiêu dùng (24/10/2011)

>   Gửi đôla giảm sức hấp dẫn (24/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật