QE 2.5 và những ảnh hưởng
Chương trình hỗ trợ kinh tế mới của Chính phủ Mỹ sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế và các thị trường tài chính thế giới?
|
Chương trình QE 2.5 của FED đã tác động mạnh đến giá vàng trên thị trường. |
Tuần qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức công bố chương trình hỗ trợ kinh tế mới mang tên “Operation Twist” hay còn được giới đầu tư gọi là QE 2.5 có thời hạn thực hiện đến tháng 6-2012. Chương trình này vốn đã được giới phân tích dự báo từ hồi tháng 8, và cũng đã được FED sử dụng một lần vào giai đoạn 1961-1965 trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế ở thời kỳ đó. Nội dung chính của chương trình này là bán trái phiếu chính phủ Mỹ (TPCP) ở kỳ hạn ngắn (có thời gian đáo hạn dưới 3 năm) và mua lại TPCP ở kỳ hạn dài (thời gian đáo hạn từ 6-30 năm). Nghĩa là FED không làm tăng cung tiền và mở rộng bảng cân đối kế toán của mình mà sử dụng nguồn có sẵn.
Mục đích của QE 2.5
Hành động “bán ngắn mua dài” của FED là một trong những nỗ lực “nắn” (twist) đường cong lãi suất giữa ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, thông thường lãi suất tại Mỹ ở kỳ hạn ngắn thấp hơn kỳ hạn dài do các tổ chức tín dụng thường khuyến khích người gửi tiền gửi ở kỳ hạn dài hơn kỳ hạn ngắn và nó cũng mang lại an toàn cho các tổ chức này hơn. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư lo ngại lạm phát gia tăng theo thời gian và đồng đô la Mỹ tiếp tục đà sụt giảm cũng làm cho lãi suất dài hạn cao hơn. Tuy nhiên với chương trình QE 2.5 khi đó giá của TPCP dài hạn sẽ có xu hướng gia tăng (do FED mua) trong khi lãi suất dài hạn không đổi sẽ làm cho lợi tức của trái phiếu này giảm đi và lợi tức của trái phiếu ngắn hạn tăng lên (do FED bán).
Vì sao là QE 2.5?
Nếu nhìn lại QE1 (Quantitative Easing 1 - vốn có ý nghĩa là nới lỏng có định lượng) đến QE2 với mức độ “bơm” tiền ngày càng giảm thì rõ ràng việc FED đưa thêm QE3 là không khả thi khi hai gói cứu trợ trước mang lại hiệu quả thấp, vì nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm chạp mà lạm phát bắt đầu tăng nhanh. QE1 và QE2 khi đó chỉ giúp mỗi vàng là gia tăng ấn tượng, trái với mong muốn của FED. Bởi thế, FED đã không thực hiện hành động này thêm một lần nữa.
Cụ thể, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính lên tới đỉnh cao vào năm 2008 thì năm 2009, FED đưa ra QE1 với nhiều hình thức “bơm” tiền. Chuyển sang QE2 năm 2010, FED chỉ dùng tiền để mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Bây giờ FED đưa ra chương trình “Operation Twist” với ý nghĩa hoàn toàn khác với QE.
“Operation Twist” thực tế không phải “nới lỏng có định lượng” nên không được gọi là QE3 nhưng mục đích vẫn là hỗ trợ nền kinh tế nên vẫn được xem là mang lại một nửa ý nghĩa của QE nên được giới đầu tư gọi là QE 2.5. |
Hiện nay, các loại lãi suất của các tổ chức tín dụng hay các đối tượng cho vay khác tại Mỹ thông thường căn cứ theo lợi tức TPCP dài hạn cộng trừ (+/-) tỷ lệ biên độ để áp dụng cho lãi suất cho vay của mình. Điều này có nghĩa là mong muốn của FED là các doanh nghiệp về dài hạn sẽ tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp mà FED không cần mở rộng cung tiền. Như vậy các doanh nghiệp có thêm vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần kích thích kinh tế tăng trưởng. Bản thân các doanh nghiệp huy động được vốn với chi phí thấp mà FED cũng không phải trả giá quá nhiều để kích cầu kinh tế.
Như vậy khi lợi tức TPCP dài hạn giảm xuống sẽ giúp lãi suất vay của Mỹ về lâu dài sẽ giảm, qua đó hỗ trợ nền kinh tế. Chưa kể, hành động này không làm tăng cung tiền nên sẽ không làm gia tăng lạm phát và ngăn cản đà mất giá của đô la Mỹ, giúp đồng tiền này lấy lại sức mạnh của nó.
Tác động của QE 2.5 đến nền kinh tế và thị trường tài chính
Trước mắt, QE 2.5 đã tác động mạnh đến thị trường tài chính đồng thời đã phần nào đưa thị trường đi đúng mục đích của FED.
Chỉ số giá đồng đô la (USD Index/USDX) đã tăng rất mạnh sau động thái này của FED và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2011 đến nay, đẩy các sản phẩm định giá bằng đồng tiền này lao dốc. Vàng, bạc, dầu, ngoại hối và TTCK Mỹ cũng không phải ngoại lệ, thậm chí chỉ số Dow Jones công nghiệp 30 của Mỹ cũng đã xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Vàng
QE 2.5 là sự thất vọng lớn của các nhà đầu tư khi họ kỳ vọng gói QE 3 sẽ giúp vàng lên 2.000-3.000 đô la Mỹ/oz trong 1-2 năm nữa. Giới đầu cơ đã thể hiện sự kỳ vọng này trong suốt năm nay khi đẩy giá vàng lên sát mốc 2.000 đô la Mỹ/oz bất chấp đồng đô la chỉ biến động trong biên độ hẹp (USDX chỉ giao động ở mức 72-75 điểm) chứ không xuống sâu.
Sự thất vọng này đã đẩy giá vàng và bạc rớt không phanh ngay sau khi FED công bố chương trình. Thậm chí trong một ngày sau đó giá vàng rơi tự do đến hơn 100 đô la Mỹ, mức giảm tính theo ngày lớn nhất suốt 30 năm qua và có mức biến động trong ngày lớn nhất trong lịch sử.
Trong dài hạn, giá vàng và bạc sẽ bị tổn thương vì hành động của FED. Mặc dù FED chưa thắt chặt tiền tệ hay tăng lãi suất nhưng rõ ràng động thái ngưng “bơm” tiền nữa cho thấy chính sách tiền tệ bắt đầu thay đổi. Nghĩa là, đến lúc nào đó FED sẽ phải sử dụng công cụ để “hút” trở lại tiền trong lưu thông. Bởi thế các nhà đầu tư đã mạnh tay bán vàng, bạc cùng các loại hàng hóa khác để mua lại đồng đô la do kỳ vọng đồng tiền này sẽ tiếp tục mạnh lên.
Ngoại hối
Khủng hoảng tại châu Âu cho thấy sự bất ổn của đồng euro, vốn là đồng tiền thanh khoản tốt thứ hai thế giới sau đô la Mỹ. Giới đầu tư thấy rõ rằng sau nhiều năm và trải qua nhiều thăng trầm, đồng đô la Mỹ vẫn luôn giữ vững sức mạnh của nó trong khi đồng euro bị phụ thuộc vào quá nhiều nước tham gia và nhiều yếu tố tác động làm việc kiểm soát nó thiếu sự nhất quán. Ngoài ra việc các nền kinh tế lớn đòi rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung hoặc đẩy các nền kinh tế nhỏ, sức khỏe yếu ra khỏi khu vực Eurozone cũng cho thấy sự bất ổn của đồng tiền này và đã có các tin đồn về ngày sụp đổ của đồng euro, vì vậy đô la Mỹ lại có cơ hội lên tiếng.
Đô la Mỹ mạnh lên sẽ thu hút nhà đầu tư giữ đồng tiền này góp phần đẩy các đồng tiền khác giảm giá. Điều này trong dài hạn sẽ làm nhiều quốc gia đang “than thở” đồng tiền của mình quá mạnh, ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ như Úc, Thụy Sỹ, Brazil, Nhật Bản sẽ có điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển đồng thời các quốc gia đang phát triển cũng được hưởng lợi phần nào.
Hàng hóa và năng lượng
Giá năng lượng trên thế giới sẽ phần nào ổn định và dễ chịu hơn nhờ sự tăng giá của đồng đô la. Đây cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh. Chưa kể giá cả hàng hóa ổn định cũng góp phần đưa lạm phát vào tầm kiểm soát, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Phan Dũng Khánh
Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Kim Eng Việt Nam
TBKTSG Online
|