Thị truờng bất động sản Trung Quốc căng thẳng thanh khoản
Tổ chức Standard & Poor’s (S&P) ngày 28-9 cho biết tình hình phát triển bất động sản tại Trung Quốc sẽ đối mặt với áp lực thanh khoản gia tăng trong vòng 6-12 tháng tiếp theo, cùng với việc các điều kiện tín dụng bị thắt chặt, bất động sản có thể sẽ giảm giá trong thời gian tới.
S&P cũng cho biết đây không chỉ là tình trạng riêng của Trung Quốc mà còn là diễn biến chung trên toàn cầu.
Các nhà đầu tư thị trường bất động sản cao cấp tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thuợng Hải có lẽ cảm thấy bất an nhất vì loại tài sản này chỉ thích hợp với túi tiền của một số ít nhóm nhà đầu tư khác. Các công ty đang dễ bị tác động nhất có thể kể đến SRE Group, Shanghai Zendai, SPG Land, Coastal Greenland…
Hai năm nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm làm dịu bớt thị trường bất động sản quá nóng đã có một số tác động nhất định đến các thành phố lớn. Theo số liệu của chính phủ, thị trường nhà ở đã mất giá liên tục.
Đa số trong 30 công ty phát triển địa ốc của Trung Quốc đuợc S&P đánh giá chỉ có thể chấp nhận mức giảm giá 10% vào năm 2012. Tuy nhiên đến nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy nhà đầu tư sẽ chấp nhận được việc thị trường tiếp tục trượt giá vào năm 2012, trong khi họ đầu tư rất nhiều vào bất động sản suốt hai năm qua và số lượng bất động sản tồn ngày càng tăng.
Báo cáo cho biết một số chính sách như hạn chế mua nhà trong thành phố, hạn chế giá bán bất động sản và thắt chặt hơn dòng tín dụng đối với người mua và nhà đầu tư sẽ kích thích các công ty bất động sản giảm giá bán và tìm kiếm các nguồn vốn thay thế như trái phiếu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các nguồn này có thể sẽ không có sẵn khi các nhà đầu tư cần do rủi ro tín dụng tăng cao và bất ổn trong thị trường vốn toàn cầu.
Trung Quốc đã áp dụng chính sách hạn chế mua nhà trên 40 thành phố, hạn chế số luợng căn hộ mà một người có thể mua hay không cho người ngoại tỉnh mua nhà. Nhiều công ty phát triển địa ốc của Hồng Kông đang định hướng lại và một số trong đó vay tín chấp như là nguồn hỗ trợ tài chính trong giai đoạn thiếu các nguồn vốn như hiện nay.
Với điều kiện thị trường ngày một xấu đi, ngành công nghiệp bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến hiện tượng các công ty nhỏ sẽ biến mất khỏi thị truờng hoặc bị các công ty lớn hơn nuốt chửng, S&P phân tích. Hiện, Trung Quốc có hơn 80.000 công ty phát triển địa ốc, trong đó ba công ty lớn nhất chiếm hơn 5% thị phần trên toàn thị trường bất động sản.
Thế Hiệp (Theo ibtimes)
TBKTSG
|