Nhân dân tệ định giá cao, thương mại toàn cầu ra sao?
Thương mại toàn cầu được gì và mất gì từ chính sách định giá đồng nhân dân tệ (NDT) cao của Bắc Kinh?
Mỹ hưởng lợi từ đồng một NDT mạnh?
|
Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ thực sự giảm nếu đồng NDT được định giá cao? |
Các nhà lập pháp ở Mỹ hiện cân nhắc thông qua một dự luật trừng phạt Trung Quốc để gây sức ép buộc Bắc Kinh tăng giá đồng NDT, vốn bị định giá thấp hơn giá trị thực trong suốt thời gian qua.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson, trụ sở Washington, là người luôn kiên định trong quan điểm phê bình chính sách tiền tệ của Trung Quốc, cũng là người đề xuất mạnh mẽ biện pháp trừng phạt thẳng tay, buộc Bắc Kinh đưa đồng NDT về đúng giá trị của nó, nhằm cân bằng lại lợi thế thương mại quốc tế của các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Ông ước tính tăng 20% giá trị đồng NDT sẽ làm giảm mức thâm hụt tài sản vãng lai của Mỹ 50 tỉ USD. Thậm chí, ông còn tính đến khả năng đồng tệ tăng giá 40% thì con số giảm thâm hụt của Mỹ sẽ là 200 tỉ USD.
Hơn nữa, Mỹ còn có thể tăng 6.000 việc làm trên mỗi lần giảm 1 tỉ USD chênh lệch trong cán cân thương mại. Như vậy, giảm thâm hụt 100 tỉ USD sẽ tạo ra đến 600.000 công ăn việc làm, giúp hạ 2/5 tỉ lệ thất nghiệp hiện tại ở Mỹ.
Tuy nhiên, một số các nhà kinh tế khác lại lập luận rằng đồng NDT định giá cao hơn chỉ đơn giản là chuyển ngành sản xuất sang các nước có chi phí sản xuất thấp như Bangladesh hay Việt Nam mà thôi. Và Mỹ vẫn sẽ không cạnh tranh lại các thị trường láng giềng của Trung Quốc về vấn đề nhân công.
Ông Eswar Prasad, một cựu quan chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện đang giảng dạy chính sách thương mại tại Đại học Cornell ở New York, Mỹ cho rằng: “Tăng giá NDT so với USD thực sự sẽ làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, nhưng không có mấy hiệu quả về tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ”.
Quan điểm của ông tương tự với những bình luận của Tân Hoa Xã hôm thứ ba 4.10 rằng “không có bằng chứng nào chứng minh tỉ giá hối đoái NDT tác động đến tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ”.
Trung Quốc: được và mất
|
Đồng NDT được định giá cao sẽ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp, giảm tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc. |
Đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một đồng NDT mạnh hơn sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng tỉ lệ thất nghiệp.
Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Jun Ma, thuộc Ngân hàng Deutsche, trong tháng 6.2010, tại thời điểm Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng NDT định giá cao lên 10% sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội thực tế 0,6%, một con số tương đối khiêm tốn trong nền kinh tế tăng trưởng hơn 9% mỗi năm.
Số liệu của Ma cho thấy đồng NDT mạnh hơn sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp 0,4%, tương đương khoảng ba triệu trên tổng số 780 triệu việc làm bị mất; xuất khẩu thực tế giảm 2,5% trong khi nhập khẩu sẽ tăng 1%. Còn nếu tăng 20% đồng NDT thì GDP Trung Quốc giảm 12%, theo ông Xiaohe Zhang, thuộc Đại học Newcastle, Úc.
Đối với Bắc Kinh, giá trị của đồng NDT không chỉ là vấn đề chính sách tài khóa, nó còn là nhân tố quan trọng góp phần đối với ổn định xã hội. Đó là lý do khiến Trung Quốc vẫn trì hoãn đầy mạnh tốc độ tăng giá đồng NDT.
Tuy vậy, Trung Quốc có lợi khi định giá cao NDT. Nó sẽ giúp giảm mức lạm hiện là 6.2% trong năm nay tính đến tháng 8.2011, cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% hàng năm của Bắc Kinh. Nó cũng sẽ thúc đẩy sức tiêu dùng của các hộ gia đình, nhằm phát triển một nền kinh tế theo định hướng tiêu dùng ngày một nhiều hơn.
Ai thực sự hưởng lợi?
Các nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế đã phát hành một báo cáo: một đồng NDT mạnh hơn thực chất sẽ mở rộng thâm hụt thương mại Mỹ-Trung Quốc, bởi sự gia tăng trong giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ cao hơn lợi nhuận thu từ xuất khẩu hàng hoá.
Nhưng một điều có thể chắc chắn, đó là một số nước láng giềng của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nếu đồng NDT đã tăng đáng kể. Các quốc gia dựa vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ có cơ hội tăng tốc độ phát triển kinh tế của mình khi lợi thế cạnh tranh thương mại của Trung Quốc giảm xuống.
Tuy vậy, chính Trung Quốc cũng đã và đang đóng vai trò là đối tác thương mại quan trọng của các nước châu Á khác. Quốc gia này là điểm đến xuất khẩu hàng đầu cho Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia và thậm chí là cả Mỹ.
Đó là lý do tại sao một số nhóm doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự luật trừng phạt Trung Quốc Thượng viện Mỹ thông qua hôm 3.10.
Tuyết Hạnh (Theo Reuters)
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|