Thứ Hai, 24/10/2011 11:43

“Mổ xẻ” căn cơ để đẩy lùi lạm phát

Trong các nguyên nhân gây lạm phát cao thì tiền tệ được xem là nguyên nhân trực tiếp và bộc lộ ra cuối cùng của lạm phát. Hiện tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP, 10 năm qua dư nợ tín dụng cao gấp trên 13,7 lần, trong khi GDP chỉ tăng trên 2 lần. Hệ số giữa tốc độ tăng của tín dụng và của GDP lên đến trên 6,2 lần, đây là hệ số rất cao.

Tuần này, Quốc hội tập trung thảo luận việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, kế hoạch 2012 và giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu đưa lạm phát về một con số ngay từ 2012 và kéo giảm xuống mức 5-7% trong các năm tiếp theo là vấn đề được Quốc hội quan tâm.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thừa nhận, tiền tệ là một nguyên nhân căn bản gây lạm phát cao ở Việt Nam. Ủy ban này cũng đánh giá, sự mất giá của tiền đồng Việt Nam khiến người dân có tâm lý cất giữ bằng vàng và đôla. Đồng thời, giá vàng trong nước biến động kéo tỷ giá tăng theo, tác động đến tâm lý, lòng tin của người dân vào tiền đồng Việt Nam.

Biểu đồ lạm phát 35 năm

Với mức tăng giá cả như hiện tại, Việt Nam được đánh giá nằm trong top đầu các nước có chỉ số lạm phát cao nhất thế giới. Nhìn lại, trong 35 năm qua, kể từ năm 1976, lạm phát tại Việt Nam diễn biến khá phức tạp: chỉ có 1 năm giảm (2000), 12 năm tăng 1 chữ số, 20 năm tăng 2 chữ số, 3 năm tăng 3 chữ số. Có thể chia ba giai đoạn chính của tình hình lạm phát. Giai đoạn trước đổi mới (1976-1985), lạm phát thường xuyên mức 2 con số. Giai đoạn 5 năm sau đổi mới (1986-1991), đây được xem là thời kỳ đỉnh cao của lạm phát, có ba năm liên tục lạm phát 3 con số, kỷ lục tới 402,1%. Nguyên nhân do nền kinh tế thời kỳ đầu chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường, cung cầu hàng hóa và tâm lý, cùng việc đổi tiền… đẩy lạm phát lên cao.

Thời kỳ 1992 tới nay, tình hình lạm phát không còn 3 con số nhưng biểu đồ vẫn cho thấy sự lên xuống thất thường. Điều đặc biệt, có 7 năm, từ 1996 - 2003, chỉ số lạm phát rất thấp, các năm chỉ ở mức một con số, là thời kỳ giá cả ổn định nhất. Vì vậy, sức mua của đồng tiền năm 2003 so với năm 1995 không quá biến động, nhất là lương thực, thực phẩm. Từ năm 2004 đến nay, lạm phát cao trở lại theo chu kỳ cứ 2 năm tăng cao thì có 1 năm tăng thấp hơn (năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%, năm 2006 tăng 6,6%. Năm 2007 tăng 12,63%, năm 2008 tăng 19,89%, đến năm 2009 chỉ còn 6,52%). Năm 2010 tăng 11,75%, năm 2011 sau 9 tháng đã tăng 15,68%. Dự báo cả năm phải phấn đấu tích cực mới ở mức 18%. Nếu theo quy luật trên, thì năm 2012 về mức một con số là khả thi.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, năm 2012 không có nhiều tác động bất lợi từ khách quan bởi giá cả nguyên, nhiên liệu thế giới sẽ ít biến động. Đây là điều kiện để đưa lạm phát về mức một con số. Tính xa hơn, từ 2013-2015, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp đã đề ra, có cơ sở để đưa về mức an toàn, từ 5-7%. Cần lưu ý rằng, trong các giai đoạn trước, hằng năm Quốc hội thường giao chỉ tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng GDP và chỉ ở ngưỡng này mới được coi là an toàn. GDP năm nay khoảng 6%. Như vậy, chỉ số lạm phát an toàn là phải khống chế dưới mức 6%.

Hồi tháng 9, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước tập trung nghiên cứu một cách căn cơ, tại sao lạm phát ở Việt Nam đứng ở mức cao.

Biểu đồ lạm phát 10 năm gần đây cho thấy chỉ số lạm phát Việt Nam cao hơn các nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Về bản chất, lạm phát là sự mất giá của đồng tiền so với hàng hóa, dịch vụ, nguyên nhân tổng quát là mất cân đối giữa tổng cung và tổng cầu, tiền nhiều hơn hàng. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là sự mất cân đối cung cầu, tỷ trọng nhập siêu quá lớn. Trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó đáng lưu ý là ta nhập cả những sản phẩm vốn là thế mạnh trong nước như: thực phẩm, lương thực, muối, đường, sữa… Vì vậy, hệ số tiêu dùng/GDP của Việt Nam cao và tăng lên.

Tâm lý chuộng hàng ngoại, coi nhẹ hàng nội là áp lực đẩy nhập siêu tăng cao, phụ thuộc vào bên ngoài. Nhập siêu tăng lên qua các thời kỳ (19,1 tỷ USD thời kỳ 2001-2005 lên gần 62,8 tỷ USD thời kỳ 2006-2010). Nguyên nhân tiềm ẩn, sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp. Hiệu quả đầu tư thấp thể hiện ở hệ số ICOR cao và tăng lên qua các thời kỳ (thời kỳ 1996-2000 là 5 lần, thời kỳ 2001-2005 lên 5,2 lần, thời kỳ 2006-2010 lên 6,2 lần, cao gấp đôi nhiều nước trong khu vực).

Trong các nguyên nhân gây lạm phát cao thì tiền tệ được xem là nguyên nhân trực tiếp và bộc lộ ra cuối cùng của lạm phát. Hiện tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP, 10 năm qua dư nợ tín dụng cao gấp trên 13,7 lần, trong khi GDP chỉ tăng trên 2 lần. Hệ số giữa tốc độ tăng của tín dụng và của GDP lên đến trên 6,2 lần, đây là hệ số rất cao. Cùng với đó là tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, trong khi tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam lại phụ thuộc quá lớn vào vàng, ngoại tệ. Tình trạng "vàng hóa" và "đôla hóa" tác động tiêu cực đối với lạm phát, hút lượng vốn lớn của xã hội mà không được đầu tư trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm để cân đối với tiền.

Chống lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm

Chính phủ xác định, năm 2012, việc ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011 - 2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách.

Để kéo giảm lạm phát, Chính phủ chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng hàng năm không vượt quá mức đề ra trong Nghị quyết 11. Giữ mặt bằng lãi suất hợp lý. Điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, không để biến động lớn.

Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; bảo đảm vốn cho sản xuất; kiểm soát chặt cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán; kiểm soát nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phấn đấu giảm bội chi ngân sách.

Tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên. Rà soát, sắp xếp lại danh mục đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và chuyển một phần đầu tư Nhà nước sang đầu tư từ các nguồn vốn khác.

Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn. Tăng cường quản lý Nhà nước về giá. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán. Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm...

"Nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của tình trạng lạm phát cao hiện nay xuất phát từ hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa đạt được kết quả. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhất là cắt giảm đầu tư công chưa nhiều và chưa công khai các công trình kém hiệu quả, chủ yếu là điều chuyển vốn đầu tư giữa các dự án. Năm 2013 và 2014 kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 6% - 7% và từ 5% đến dưới 7% vào năm 2015, làm cơ sở kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong kế hoạch 5 năm tiếp theo dưới 5%/năm như các nước có nền kinh tế phát triển ổn định khác…"

Đ.Trường

công an nhân dân

Các tin tức khác

>   CPI cả nước tháng 10 tăng 0.36% (24/10/2011)

>   Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước (24/10/2011)

>   Thời điểm để giảm dần vay nợ nước ngoài (24/10/2011)

>   Đầu tư công: Chọn mặt nào của tấm huy chương? (22/10/2011)

>   Tái cơ cấu, một góc nhìn khác (22/10/2011)

>   Kinh tế 2011: Được vừa vừa, lo nhiều thứ (22/10/2011)

>   Công bố dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài (22/10/2011)

>   Chưa rõ cơ sở cho mục tiêu lạm phát dưới 10% (21/10/2011)

>   Sẽ giám sát việc vay nợ (21/10/2011)

>   Quên tái cấu trúc nhân lực? (21/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật