Luẩn quẩn giữa vàng và ngoại tệ
Việc ngân hàng nhập khẩu hay mua vàng trong nước đều góp phần đẩy tỉ giá ngoại tệ leo thang. Khi thị trường vàng có xu hướng ổn định thì tỉ giá lại “nóng” lên.
Ngày 23-10, giá vàng SJC bán ra hơn 44 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 1.642 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỉ giá USD/VNĐ thì giá vàng thế giới thấp hơn trong nước trên 1 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này đã tồn tại hơn 2 tuần qua.
Vàng làm “nóng” giá ngoại tệ
Giới kinh doanh vàng cho biết: Trong 3 ngày gần đây, sức mua có tăng nhưng chủ yếu diễn ra tại trụ sở Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), số vàng mà công ty này bán ra lên tới 30.000 lượng. Tuy nhiên, thực tế các giao dịch số lượng lớn vẫn thuộc về đối tượng “lướt sóng” và giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng với nhau. Do giá vàng thế giới, tỉ giá USD/VNĐ tự do biến động khó lường nên không ít người “lướt sóng” vàng nôn nóng sớm mua được vàng để chốt lời hoặc cắt lỗ bởi đã có trường hợp chưa nhận được hàng thì giá đã giảm. Từ đó, dẫn đến hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng tại SJC.
Trên thị trường ngoại tệ, từ đầu tháng 9-2011 đến nay, tỉ giá liên ngân hàng (NH) đã tăng trên 0,5%, kéo tỉ giá USD/VNĐ tại các NH thương mại tăng theo tương ứng, bán ra 20.955 đồng/USD. Giá USD tự do cũng đã lên 21.800 đồng/USD. Nhiều ý kiến cho rằng tỉ giá USD leo thang là do cầu ngoại tệ tăng cao, trong đó chủ yếu là nhu cầu nhập khẩu vàng. Số liệu thống kê cho thấy tháng 9-2011, kim ngạch nhập khẩu kim loại quý, đá quý và sản phẩm (chủ yếu là vàng) đã tăng gần 56% so với tháng trước, đạt gần 770 triệu USD.
Áp lực thanh khoản
Tính đến giữa tháng 10-2011, bảy NH được phép bán vàng tồn quỹ đã tung ra thị trường khoảng 15 tấn vàng, rồi ký quỹ 12% mua bù lại số vàng đã bán qua tài khoản ở nước ngoài để cân đối số vàng ra vào (thanh khoản), tính ra một lượng ngoại tệ rất lớn đang bị chôn chặt ở nước ngoài. Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân gần như không bán vàng nên các NH không thể mua vàng trong nước, rồi bán vàng tài khoản thu về lại ngoại tệ.
Điều mà nhiều người quan ngại là đến một thời điểm nào đó, người dân sẽ rút vàng tiết kiệm. Khi đó, các NH phải chuẩn bị từ xa bằng cách nhập khẩu vàng hoặc mua vàng trong nước để chi trả cho khách hàng. Điều đó đồng nghĩa cầu USD sẽ tăng đột biến, tạo áp lực đẩy tỉ giá leo thang, kéo giá vàng trong nước đi lên. Trường hợp không được nhập khẩu vàng, các NH buộc phải mua vàng trong nước bằng mọi giá. Thế nhưng, nếu người dân vẫn không bán vàng, thị trường sẽ kích thích đối tượng nhập lậu hoạt động, điều này cũng sẽ đẩy tỉ giá ngoại tệ tự do tăng lên, tác động không tốt đến tỉ giá hối đoái chính thức. Trong bối cảnh giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới 1 triệu đồng/lượng, không ai bảo đảm không có nguồn cung vàng lậu. Từ đó, thị trường vàng, ngoại tệ luôn rơi vào vòng luẩn quẩn. Khi cơn sốt vàng có xu hướng hạ nhiệt thì tỉ giá lại “nóng” lên.
Theo trưởng đại diện của một hãng kinh doanh vàng nước ngoài tại Việt Nam, giải pháp tung vàng ra thị trường đang tạo ra một khoản lợi nhuận cực lớn cho các đơn vị bán vàng tồn quỹ và mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài. Đến nay, giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng thế giới 1 triệu đồng/lượng, các đơn vị đó mua lại vàng trong nước hay nhập khẩu vàng đều thắng lớn. Điều này phần nào lý giải vì sao giá vàng trong nước luôn được “neo” ở mức cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới.
Dành quá nhiều ngoại tệ cho vàng
Dư luận cho rằng khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, người giàu mua vàng phòng thân thì nền kinh tế luôn thiệt hại vì phải dành quá nhiều ngoại tệ cho vàng. Thị trường vàng Việt Nam thường bị chi phối bởi một số ngân hàng và số ít doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu, trong đó SJC chiếm 90% thị phần. Việc giá vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với giá vàng thế giới hầu như ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, nhất là khi các doanh nghiệp bán vàng tồn quỹ đã đồng thuận giá vàng thu mua và bán ra giữa các đơn vị chênh lệch nhau không quá 20.000 đồng/lượng. |
Thy Thơ
người lao động
|