Thứ Bảy, 22/10/2011 15:48

Bình ổn thị trường vàng, có hay không lợi ích nhóm?

Với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank (EIB), ACB, DongABank, Techcombank, Sacombank (STB) và sau đó có thêm hai ngân hàng nữa là Phương Nam (SouthernBank) và Việt Á (VietABank) được mua và bán vàng huy động ra cho dân theo giá niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Giới thạo tin nhận định, nhóm ngân hàng này đang nắm giữ khoảng 100 tấn vàng huy động, gần 80% lượng vàng mà tất cả các ngân hàng thương mại đang nắm giữ. Lượng vàng mà các ngân hàng bán ra vừa qua ước tính trên dưới 10 tấn, được đánh giá là không đáng kể đối với nhóm này, nhưng đã giúp thị trường hạ nhiệt nhanh chóng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã được thu hẹp nhanh và sâu, từ gần 4,5 triệu đồng/lượng xuống trên dưới 400.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước lựa chọn các ngân hàng được phép bán vàng ra đã và đang tạo nên luồng dư luận lo ngại về lợi ích nhóm. Vậy đâu là bản chất của câu chuyện này và vì sao nhóm ngân hàng trên được chọn?

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chia sẻ: "Lưu động hóa một lượng vàng tồn kho lớn tại các ngân hàng thương mại có thế mạnh về vàng để bán ra, nhằm kéo chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế xuống là một chủ trương đúng. Thực tế, việc lãi hay lỗ hiện nay chưa tính toán được, vì Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép nhập khẩu vàng về và yếu tố tỷ giá cũng tác động lớn trong tính toán này".

Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng trong nhóm được bán vàng nhận xét, Ngân hàng Nhà nước đã có "ý" khi chọn ra những ngân hàng có tiềm lực về vốn, về huy động… để cho bán vàng. Tất nhiên, chính sách đưa ra không thể làm thỏa mãn tất cả mọi người, bởi đơn giản trong thị trường không thể "đánh đồng" các doanh nghiệp với nhau.

Vị lãnh đạo trên nói: "Nếu Ngân hàng Nhà nước thấy việc bán vàng ra thông qua nhóm ngân hàng này chưa đạt hiệu quả thì sẽ tiếp tục mở rộng danh sách cũng là động thái bình thường, mang tính tình huống, kỹ thuật. Nhưng có thể thấy rằng, Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng bởi đánh trúng vấn đề người dân đang lo lắng".

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhiều năm làm việc ở nước ngoài cho rằng, thị trường vàng cần có nguồn cung nhiều hơn nữa và việc Ngân hàng Nhà nước cho phép một số ngân hàng thương mại bán vàng đã huy động, đồng thời cho nhập vàng cũng như mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài để cung ứng vàng trong nước là điều tốt để quân bình cung - cầu trên thị trường. Nếu nói có "lợi ích nhóm" là không chính xác, bởi những ngân hàng đó không tự liên kết với nhau để tạo ra các đặc quyền, mà thực hiện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước theo các mục tiêu được đề ra.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước nên công khai các tiêu chí trong việc lựa chọn ngân hàng có thể tham gia vào việc bán vàng như: vốn điều lệ cao, quy mô hoạt động tốt, có nguồn nhân lực…, để những ngân hàng nào có thể đáp ứng được tiêu chí có quyền đề nghị được tham dự.

"Thông tin được công bố minh bạch sẽ đảm bảo tính công bằng, trong một giới hạn nhất định sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước tránh được những dư luận không hay", TS. Hiếu nói.

Ông Phước cho biết thêm, gần một năm nay những ngân hàng trong nhóm trên phải chịu một lượng tồn kho lớn và chi phí huy động cao, vì chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là hạn chế cho vay vàng cho nên các ngân hàng trên đã phải chịu những thiệt hại nhất định. Nay họ đem một phần lượng vàng huy động đó bán trên thị trường với mức giá từ 43 - 44 triệu đồng/lượng, nếu muốn có lợi nhuận thì phải mua lại tại thị trường trong nước với mức giá thấp hơn, còn nhập khẩu thì chưa được phép. Do đó, việc kết luận các ngân hàng này lãi lớn qua bán vàng can thiệp thị trường là không chính xác.

Hầu hết chuyên gia kinh tế khi trao đổi với ĐTCK đều chung nhận định, những bước đi đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong việc nỗ lực bình ổn thị trường vàng là đúng đắn, phù hợp trong chủ trương chung, tăng khả năng sử dụng lượng vàng trong dân để phục vụ các yêu cầu phát triển nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ qua việc tính đến thời điểm hiện nay, chênh lệch giá vàng mặc dù vẫn còn trên dưới 400.000 đồng/lượng nhưng so với thời điểm trước ở xấp xỉ 4,5 triệu đồng/lượng thì đã là rất khả quan. Đương nhiên, để bình ổn thị trường một cách bền vững thì còn cần nhiều giải pháp. Ví dụ như, để những ngân hàng có thể tung một nguồn lực vàng bán ra thị trường trong nước mà không cần phải nhập khẩu thì cần cho phép họ mở tài khoản vàng.

Mở tài khoản vàng quốc tế về bản chất là một công cụ bảo hiểm - có nghĩa là bán trong nước và mua ở nước ngoài, còn việc có nhập khẩu hay không là còn tùy thuộc vào một số điều kiện ràng buộc. Ví dụ như, tỷ giá hối đoái phải được kiềm chế như thế nào, sức cung và sức cầu của thị trường ngoại hối, sức cung và sức cầu của thị trường vàng...

"Giá vàng trong nước tăng cao đột biến so với quốc tế thời gian vừa qua là hậu quả của việc đóng tài khoản vàng ở nước ngoài. Tôi cho rằng, chúng ta đã nhận được bài học: việc mở tài khoản vàng ở nước ngoài là hợp lý và đó là cách tiếp cận thỏa đáng cho bài toán bình ổn thị trường vàng ở Việt Nam", một chuyên gia kinh tế nhận định.

Tiếp theo, chủ trương của Chính phủ là thông qua Ngân hàng Nhà nước để giữ hộ vàng trong dân, nhằm khai thác một nguồn lực tài chính khoảng 300 - 500 tấn vàng trong xã hội. Để thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước có thể phát hành các tín phiếu vàng. Người mua tín phiếu vàng là các ngân hàng thương mại có huy động vàng, thông qua cách này, việc tập trung vàng vào các ngân hàng thương mại để chuyển về Ngân hàng Nhà nước mở ra khả năng có thể hoán đổi số vàng này thành ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối như chỉ đạo của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cần phát hành tín phiếu vàng sớm (khoảng đầu năm 2012) và có thể trong tháng 11 tới đây, cần cho phép các ngân hàng thương mại huy động vàng, đồng thời hạn chế việc cho vay vàng trong nền kinh tế. Đặc biệt, nghị định về quản lý thị trường vàng cần sớm được ban hành để chuẩn hoá hoạt động của thị trường này.

Hồng Dung

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cuối tuần giá vàng tăng mạnh, vượt 44 triệu đồng (22/10/2011)

>   Vàng trượt 2.8%/tuần xuống gần 1,630 USD/oz (22/10/2011)

>   Vàng “nội” tăng giá mạnh, bất chấp thế giới giảm (21/10/2011)

>   "Vốn hóa" vàng trong dân, tại sao không?  (21/10/2011)

>   Giá vàng quay đầu tăng trên 43 triệu đồng (21/10/2011)

>   Vàng giảm giá, vác bao tải tiền đi mua (21/10/2011)

>   NHTW Nga sẽ tăng cường dự trữ vàng (21/10/2011)

>   Vàng giảm phiên thứ tư liên tiếp, đồng lao dốc hơn 6% (21/10/2011)

>   “Bấn loạn” kim ngạch xuất, nhập khẩu vì vàng (20/10/2011)

>   Giá vàng xuống sát 43 triệu đồng (20/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật