Thứ Sáu, 21/10/2011 10:34

"Vốn hóa" vàng trong dân, tại sao không? 

Việc huy động vàng trong dân để làm tăng dự trữ vàng của Nhà nước, cũng như để vốn hóa lượng vàng khổng lồ phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh là điều hợp lý. NHNN sẽ giữ vai trò là người quản lý và người cân bằng giá cả thị trường... Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia khi trao đổi với phóng viên báo chí.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa đưa ra kiến nghị nên cấm hoàn toàn việc kinh doanh vàng miếng để hạn chế vàng hóa nền kinh tế. Ông bình luận gì về kiến nghị này?

Việc cấm hoàn toàn là không hợp lý bởi nhu cầu mua, bán và cất trữ vàng của dân chúng và nhà đầu tư là có thật. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và lợi ích cho người dân, cũng như trong giao dịch thì vàng phải chuẩn. Đó là vàng miếng do các công ty kinh doanh được NHNN cho phép đúc dập để đảm bảo tài sản này được cất giữ, giao dịch một cách ổn định, thuận lợi và chuẩn xác. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Có nghĩa việc kinh doanh vàng miếng là được phép, song cần quản lý chặt?

Đúng vậy! Thực ra lâu nay, việc sản xuất, kinh doanh vàng miếng vẫn do NHNN cấp phép. Có thể sắp tới diện doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh vàng miếng sẽ thu hẹp hơn và điều kiện để được sản xuất, kinh doanh vàng miếng sẽ nghiêm ngặt hơn, và NHNN sẽ kiểm soát chất lượng vàng miếng. Mục đích là chuẩn hóa vàng miếng được giao dịch trên thị trường cả về khối lượng, hàm lượng để đảm bảo cho nhà đầu tư và dân chúng mua bán vàng vừa thuận lợi vừa an toàn. Các doanh nghiệp không được phép kinh doanh vàng miếng thì chỉ được kinh doanh vàng trang sức, không được sử dụng vàng miếng trong việc giao dịch hàng ngày như hiện nay. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ giám sát chặt việc xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Hiện lượng vàng trong dân là khá lớn. Để khơi thông nguồn lực này phục vụ cho nền kinh tế cũng như để bình ổn thị trường vàng, NHNN đang đề xuất giải pháp ủy thác cho một số NHTM huy động vàng. Tuy nhiên VAFI cũng đề nghị nên cân nhắc việc làm này?

Việc huy động vàng trong dân để làm tăng dự trữ vàng của Nhà nước, cũng như để vốn hóa lượng vàng khổng lồ phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh là điều hợp lý. Trung Quốc với sự hỗ trợ của Hội đồng Vàng thế giới đang thực hiện đề án huy động vốn bằng vàng trong dân rất thành công.

Ở Việt Nam khối lượng vàng trong dân theo thống kê của nhiều cơ quan trong nước và quốc tế là rất lớn, nên việc vốn hóa để phục vụ cho nền kinh tế lại càng quan trọng. NHNN cũng có thể sử dụng số vàng này để bình ổn thị trường vàng trong nước.

Theo đó, NHNN có thể ủy thác cho một số NHTM huy động vàng. Số vàng huy động được có thể coi là một dự trữ của Nhà nước và NHNN có thể kiểm soát khối lượng vàng này và phát hành các chứng chỉ vàng cho người gửi; trong trường hợp cần thiết NHNN mua số lượng vàng này để làm vàng dự trữ của Nhà nước. Các chứng chỉ vàng này dân chúng có thể được phép cầm cố vay vốn hoặc chuyển nhượng mà không cần sử dụng vàng vật chất. Điều này cũng tạo tiền đề cho việc hình thành sàn giao dịch vàng hiện đại trong tương lai. NHNN sẽ trả phí cho việc huy động này.

Để hỗ trợ cho giải pháp này, có nên cho phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài để phòng tránh rủi ro?

Điều này cũng có thể thực hiện được. Một số NHTM được lựa chọn được phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài và thậm chí có thể giao dịch vàng tài khoản. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để giá vàng trong nước và quốc tế liên thông và cân bằng với nhau. Vừa có tác dụng phòng tránh rủi ro về vàng, vừa có tác dụng hạn chế việc đầu cơ chênh lệch giá để giá vàng trong nước theo sát với giá vàng quốc tế. Việc cho phép mở tài khoản vàng đối với một số ngân hàng được lựa chọn cũng là tiền đề để có thể hình thành một sàn giao dịch vàng trong tương lai.

Vậy theo ông, để quản lý hiệu quả thị trường vàng, cần có thêm giải pháp gì?

Để việc quản lý vàng vừa tập trung vừa thuận lợi trong tương lai cần phải có sàn giao dịch vàng được liên thông với thị trường vàng quốc tế. Đây là biện pháp quản lý hữu hiệu nhất. Song NHNN phải giữ vai trò là người quản lý và NHNN phải là người cân bằng giá cả thị trường trong những thời điểm xuất hiện các chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Điều này có tác dụng rất quan trọng làm cho thị trường vàng trong nước biến động theo xu thế chung của thị trường vàng thế giới tránh cú sốc không bình thường trên thị trường nội địa.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

sbv

Các tin tức khác

>   Giá vàng quay đầu tăng trên 43 triệu đồng (21/10/2011)

>   Vàng giảm giá, vác bao tải tiền đi mua (21/10/2011)

>   NHTW Nga sẽ tăng cường dự trữ vàng (21/10/2011)

>   Vàng giảm phiên thứ tư liên tiếp, đồng lao dốc hơn 6% (21/10/2011)

>   “Bấn loạn” kim ngạch xuất, nhập khẩu vì vàng (20/10/2011)

>   Giá vàng xuống sát 43 triệu đồng (20/10/2011)

>   Vàng giảm hơn 2% sau 3 phiên rớt giá liên tiếp (20/10/2011)

>   Bán thêm 5 tấn vàng ra thị trường (20/10/2011)

>   10 nước sản xuất vàng nhiều nhất thế giới (19/10/2011)

>   Vàng trong nước xuống dưới 44 triệu đồng (19/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật