Không thoái vốn nhà nước bằng mọi giá
|
Chuyên gia kinh tế TRẦN DU LỊCH |
Chuyên gia kinh tế TRẦN DU LỊCH, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, không nên vì áp lực dư luận mà vội vàng thoái vốn nhà nước bằng mọi giá.
Chủ trương lớn được Chính phủ đặt ra hiện nay là tập trung thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây có phải là thời điểm thích hợp để thực hiện thoái vốn không, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước giao cho DNNN là việc cần thiết, đáng lý phải được tiến hành từ lâu. Điều trước tiên cần phải làm hiện nay là xác định mục đích của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước là gì. Nếu mục đích của DNNN là thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào những lĩnh vực không hấp dẫn tư nhân, thì tiêu chí đánh giá sẽ khác, không phải dựa trên tiêu chí lợi nhuận, trong khi quy chế tài chính DNNN lại tính lương, thưởng của doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận.
Sau khi làm rõ nhiệm vụ của các DNNN, điều tiếp theo là phải tính đến nguồn lực, sau đó mới bàn đến chuyện tập trung vốn, trong đó, thoái vốn hay tăng vốn đều là cách tập trung vốn.
Như chúng ta đã thấy, để tái cơ cấu Vinashin, Nhà nước đã lập một ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách, thì việc tái cấu trúc cả hệ thống tập đoàn, DNNN cũng cần có một tổ chức chuyên biệt đảm nhiệm, ít ra cũng phải có một ban chỉ đạo tương đương Ban chỉ đạo Tái cơ cấu Vinashin.
Tóm lại, quan điểm của tôi là cần thiết thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các DNNN, nhưng không thể làm một cách vội vàng, mà phải có kế hoạch tổng thể, phải có lộ trình.
Lãi từ nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay là do đầu tư ngoài ngành. Vậy việc thoái vốn của các tập đoàn liệu có dẫn đến nguy cơ đổ vỡ, thưa ông?
Như tôi đã nói, cần xác định mục tiêu của các tập đoàn, DNNN là gì. Nếu đặt cho họ mục tiêu tài chính, thì nếu không cho đầu tư ngoài ngành, làm sao họ trụ nổi? Còn nếu đặt mục tiêu kinh tế, chính trị, thì cơ chế tiền lương, tiền thưởng và các cơ chế liên quan phải khác so với hiện nay.
Ông có cho rằng, ồ ạt thoái vốn trong lúc này sẽ khiến Nhà nước phải bán vốn với giá rẻ, còn thị trường thì không đủ lực để hấp thu?
Đúng vậy, trong bối cảnh thị trường chứng khoán như hiện nay, giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường của nhiều doanh nghiệp còn thấp hơn giá sổ sách, nên việc thoái vốn nhà nước cần phải được cân nhắc kỹ. Nếu Nhà nước ồ ạt thoái vốn hàng ngàn tỷ đồng, thì thị trường cũng khó có thể hấp thụ được. Vì vậy, tôi nhắc lại, cần có lộ trình cụ thể, không nên vì áp lực dư luận mà vội vàng thoái vốn ngoài ngành tại các DNNN.
Theo ông, trước mắt, nên tập trung thoái vốn tại những tập đoàn nào?
Theo tôi, nên tập trung vào những tập đoàn, những ngành mũi nhọn như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản… Trong đó, cần phải xác định rõ nhiệm vụ của từng doanh nghiệp và buộc các tập đoàn phải đưa ra chiến lược của ngành. Trên cơ sở đó, cơ chế, chính sách liên quan cũng phải thay đổi, không mâu thuẫn như hiện nay. Theo tôi, nhiệm vụ của DNNN là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường, chứ không phải sinh lời.
Hà Tâm
ĐẦU TƯ
|