'Cháy nhà' ra... nợ xấu
Với hệ thống ngân hàng Việt Nam, cuộc khủng hoảng thực sự là cơn hoả hoạn, "cháy nhà" ra... nợ xấu. Không dừng lại ở các báo cáo, nợ xấu trên thực tế còn trầm trọng hơn nhiều. Doanh nghiệp thua lỗ, đóng cửa, các hợp đồng tín dụng đổ bể đang thực sự đe dọa sự an toàn của các ngân hàng thương mại.
Cần có sự nhìn nhận đúng mức, khách quan về hiện tượng này. Lehman Brothers là bài học không nên bỏ qua.
Những con SỐ ĐẸP về NỢ XẤU
Chuyện DN nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm đang là đề tài nóng bỏng từ các văn phòng công sở, toà nhà cho thuê ra đến từng quán cóc vỉa hè. Cộng đồng doanh nghiệp đang sống trong "cơn lốc" về nợ. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang tăng từng ngày.
Báo cáo của Đảng ủy Khối DN Trung ương hôm 8/9 cho thấy, nợ xấu đang là vấn đề nóng bỏng, đáng chú ý là các ngân hàng có vốn Nhà nước. Trong đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) nợ xấu chiếm tới 3,47% tổng dư nợ. Tỷ lệ này tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là 6,67%... Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 7 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 3,04% trên tổng dư nợ cho vay. Con số này của năm 2010 là 2,16%.
Với những người am hiểu về lý thuyết nghiệp vụ ngân hàng có thể thấy, đó là những con số đẹp. Lý do, tỷ lệ nợ xấu là vậy, nhưng trong đó, không phải món nào cũng có khả năng mất vốn (Nhóm 5). Bởi, mỗi món nợ trước khi giải ngân đều có tài sản thế chấp, hay chí ít cũng là tài sản đảm bảo. Ngân hàng thương mại cho vay theo nguyên tắc: "Trông giỏ bỏ thóc". Trước khi hợp đồng tín dụng được ký đều đã có hệ thông chuyên gia thẩm định dự án, phương án kinh doanh, khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi. Rồi nữa, tài sản thế chấp đều được đánh giá thấp hơn giá trị thực ít nhất là 30%.
Ngân hàng thương mại bao giờ cũng nắm đằng cán. Khi có rủi ro, ngân hàng sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý giải chấp tài sản, chủ nợ "chạy lên giời".
Đó là chưa kể đến chuyện về mặt kế toán, ngân hàng bao giờ cũng có khoản dự phòng rủi ro. Một số ngân hàng thương mại trích lập đến dăm bảy phần trăm trong tổng số dư nợ. Khi có nguy cơ mất vốn, ngân hàng sẽ dùng khoản này để bù đắp vào các khoản vốn không có khả năng thu hồi, không thể nào mất được.
Và những phần chìm của tảng băng
Rõ ràng, với lý thuyết ấy, chuyện các ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu dăm ba phần trăm trong tổng dư nợ vẫn là những con số đẹp. Các nhà quản lý hoàn toàn có thể yên tâm.
Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Mới đây, trong một lần về quê, ghé qua Con Cuông, đi qua nhà máy sản xuất bột giấy một thời được tỉnh Nghệ An coi như là một điểm sáng về đầu tư. Khác với những thông tin hoành tráng hồi động thổ, khởi công là cảnh đìu hiu vắng vẻ. Không một tiếng động của hệ thống máy móc, không có cảnh ra vào tấp nập của các chuyến xe tải...
Cách khu văn phòng không xa là bãi chứa nguyên liệu rộng cỡ héc ta, trên đó bạt ngàn là cây gỗ nguyên liệu được xếp từng đống, từng đống trùng điệp. Cứ nhìn những cây gỗ bạc thếch có thể thấy chúng đã nằm ở đây một số năm không được ai đụng chạm đến.
Theo một công nhân ở đây, nhà máy được xây dựng trên diện tích 8,9 ha với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 1.300 tỷ đồng, với có công suất 45.000 tấn/năm. Cứ như dự tính ban đầu, nhà máy giấy này sẽ cho ra những sản phẩm bột giấy chất lượng cao được khử trắng từ 85 đến 95%... Nhà máy này không chỉ là điểm nhấn làm thay đổi bộ mặt của huyện miền núi Con Cuông mà còn là của cả phía Tây tỉnh Nghệ An.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó, thiết bị lại nhập từ Trung Quốc nên sản phẩm làm ra không như mong muốn ban đầu. Thị trường lại quá xấu nên nhà máy đắp chiếu đã được hơn năm nay, còn chủ đầu tư thì đã chuyển sang làm... khoáng sản.
Từ những dự án đẹp, từ những ý tưởng hoành tráng và lãng mạn của các chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại đã nhào vô, coi đây là cơ hội để tăng dư nợ, tăng doanh thu, tha hồ giải ngân, tha hồ mở rộng thị phần. Không chỉ có thế, đằng sau sự thẩm định, sự giải ngân là những lợi ích khác mà nhà đầu tư nào muốn tiếp cận ngân hàng đều không dám quên.
Với số vốn đầu tư như đã nói ở trên, chủ đầu tư chỉ có thể triển khai được khi dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Gọi điện cho một cán bộ của Agribank Nghệ An, anh này cho biết: Mấy năm trước đây, chủ đầu tư đã gửi hồ sơ cho Agribank tỉnh, nhưng do dự án quá lớn, lãnh đạo ngân hàng này đã giao cho một chi nhánh thẩm định và giải ngân. Số tiền cho vay lên đến gần ngàn tỷ đồng.
Lạm phát đồng lõa với nợ xấu
Chuyện nhà máy giấy ở Nghệ An như đã nêu ở trên chỉ là một trong số hàng trăm dự án trong cả nước, sau một thời gian vay vốn ngân hàng, dốc hầu bao đầu tư rồi đắp chiếu để đấy.
Mới đây, báo chí đã đưa tin về một số doanh nghiệp ở các tỉnh như Hải Dương, Phú Thọ cũng đang rơi vào cảnh sống dở chết dở. Trong đó đáng chú ý là Công ty TNHH Tasco Polycon, chuyên sản xuất vải bao và may xuất khẩu (Cụm công nghiệp Đồng Lạng). Đây là 1 trong 4 công ty Hàn Quốc đã vay khoảng 12 triệu USD của Agribank Phú Thọ nhưng không có khả năng trả nợ nên chủ đầu tư đã bỏ về nước mà chưa hẹn ngày trở lại.
Theo báo cáo của các địa phương trong cả nước, chỉ thống kê riêng các ông chủ đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, đã có hơn 200 dự án bị phá sản, giải thể do gặp khó khăn về tài chính. Trong đó, có hơn 20 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc và Đài Loan tại 12 địa phương còn nợ đọng ngân hàng không có khả năng trả nợ với số tiền gần 80 triệu USD. Riêng Phú Thọ gần 17 triệu USD; Hải Dương khoảng 50 triệu USD...
Trong trường hợp dự án nhà máy giấy ở Nghệ An, để giải chấp, thu hồi nợ không phải là đơn giản. Bởi, với chuyện thế chấp sổ đỏ 8,9ha đất ở Con Cuông, để bán đấu giá thu hồi vốn là vô cùng khó khăn. Bởi, Con Cuông không phải là Hà Nội hay Sài Gòn để tấc đất có thể biến thành tấc vàng. Rồi nữa, hệ thống dây chuyền sản xuất bột giấy được nhập từ Trung Quốc do NH bảo lãnh, khi dây chuyền này không hoạt động, giá trị của nó chỉ tương đương giá... sắt vụn.
Ngân hàng quốc doanh sẽ giải quyết chuyện này thế nào đây? Chuyện này không khó. Cũng như trước đây, khi xảy ra đổ bể khổng lồ ở vụ Epco, Minh Phụng. Nợ xấu sẽ được khoanh lại, tài sản sẽ được giao cho công ty quản lý nợ. Theo đà lạm phát, bất động sản liên tục tăng giá. Một số năm sau, nền kinh tế phục hồi, bán tài sản thế chấp sẽ khoả lấp những khoản nợ nần cũ.
Về mặt pháp lý, người ta chỉ tính những khoản thất thoát, thua lỗ của ngân hàng bằng một loại thước đo đó là "Việt Nam đồng" mà không tính đến sự thất thoát giá trị do lạm phát. Nhờ đó, về mặt sổ sách, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại vẫn liên tục tăng, vốn nhà nước giao vẫn được bảo toàn và phát triển, các nghĩa vụ nộp Ngân sách vẫn đảm bảo... Đó là những lý do mà các các NH thương mại quốc doanh dẫu nợ xấu tăng cao vẫn được tôn vinh.
Ở góc các ngân hàng thương mại, rõ ràng là lạm phát đang đồng loã với nợ xấu.
Tuy nhiên, nợ xấu không còn dừng lại ở việc thành tích bị ảnh hưởng nữa mà liên quan đến sự an toàn của các ngân hàng. Cũng như lạm phát, nợ xấu là kẻ thù của nền kinh tế. Nếu muốn có một sự phát triển bền vững không có cách nào khác phải kiểm soát được lạm phát và nợ xấu. Cuộc khủng hoảng tài chính vẫn như một bóng ma ám ảnh nền kinh tế toàn cầu. Với hệ thống ngân hàng, đây thực sự là một thử thách khắc nghiệt.
Ba năm trước, sự sụp đổ của Lehman Brothers sau hơn 150 năm tồn tại cũng chỉ bắt đầu bằng những khoản nợ xấu liên tục tăng mà không được xử lý kịp thời. Nhìn nhận nợ xấu, nếu chỉ căn cứ vào những phần nổi e không đủ. Khi không đánh giá hết sự những phần chìm khiến nợ xấu cứ âm thầm tăng cao là lúc mà những cái chết lâm sàng đang đến với hàng chục ngân hàng thương mại.
Phan Thế Hải
diễn đàn kinh tế việt nam
|