Thứ Sáu, 07/10/2011 15:20

Ngân hàng nội: Những nút thắt cần gỡ bỏ

Mặc dù lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đã "mở cửa" từ vài năm nay, nhưng các ngân hàng nội vẫn còn một khoảng cách rất xa trong lộ trình hội nhập với hệ thống ngân hàng thế giới. Trao đổi với ĐTCK, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam đã chỉ ra những nút thắt tạo ra khoảng cách này.

Theo ông, đâu là những nút thắt tạo ra khoảng cách giữa các ngân hàng Việt Nam với hệ thống ngân hàng thế giới?

Những vấp váp trong giai đoạn đầu hội nhập thì hệ thống ngân hàng nước nào cũng phải trải qua và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Điều kiện tiên quyết để ngành ngân hàng có thể hoạt động tốt là một hệ thống quy định rõ ràng và dễ hiểu, cộng với việc thực thi một cách nghiêm túc các quy định này. Một nhân tố quan trọng nữa là việc cần đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn vốn và cơ chế kiểm soát rủi ro đủ mạnh. Đây là những vấn đề Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mạnh tay hơn trong việc siết chặt thực thi và tuân thủ các các quy định. Cùng với đó là việc thiết lập một diễn đàn trao đổi cởi mở và thường xuyên giữa NHNN với các ngân hàng trong và ngoài nước. Theo tôi, điều này cần tiếp tục duy trì chặt chẽ.

Đến năm 2020, lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn theo theo quy định của WTO. Cuộc cạnh tranh nội - ngoại vào thời điểm này liệu có gay gắt, thưa ông?

Theo tôi, thời điểm năm 2020 cũng vẫn tiềm ẩn nhiều thử thách nếu các ngân hàng nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam một cách mạnh mẽ (trừ trường hợp thông qua việc mua lại ngân hàng nội). Các ngân hàng hiện đã có mặt trên thị trường ngày càng lớn mạnh và đẩy nhanh việc mở rộng thị phần cũng sẽ khiến cho các ngân hàng mới gặp nhiều khó khăn hơn khi miếng bánh nhỏ đi. Tất nhiên, là có những ngoại lệ với các phân khúc đặc biệt trên thị trường. Rất nhiều ngân hàng trong nước mà tôi có cơ hội gặp gỡ, đã và đang chuẩn bị rất tốt cho các kế hoạch phát triển. Mặc dù vậy, tôi cũng thấy một vài ngân hàng sẽ gặp phải một số thách thức khi sự cạnh tranh lớn hơn.

Việc vay và cho vay của các ngân hàng Việt Nam trên thế giới hiện vẫn bị hạn chế. Ông có khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam trong việc gỡ nút thắt này?

Đây cũng là một vấn đề không chỉ riêng của Việt Nam. Điểm mấu chốt để tăng cường các hoạt động vay và cho vay từ thị trường thế giới là cần ủng hộ khối ngân hàng cổ phần tăng cường tiềm lực. Một số ngân hàng cổ phần trong nước đã bắt đầu có kế hoạch mở rộng hoạt động tại các thị trường nước ngoài. Đây chính là bước khởi đầu cho việc phát triển các hoạt động vay và cho vay từ thị trường thế giới.

Hầu hết ngân hàng Việt Nam đang nhận được sự bảo hộ của các cơ quan chức năng, trong đó có NHNN, điều này được cho là ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài. Theo ông, để tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn, cơ quan quản lý cần phải làm gì?

Là một ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam, ANZ cũng phải tuân theo các quy định giống như các ngân hàng khác. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các ngân hàng nước ngoài không phải là các quy định. Điều quan trọng nhất chính là ở khâu quản lý việc thực thi các quy định đó. Hiện nay, NHNN đã có nhiều bước tiến trong khâu này, thể hiện trong các quyết định dứt khoát trong thời gian qua.

Để hội nhập thì việc phát triển công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng là rất quan trọng. Mặc dù các ngân hàng Việt Nam đã nâng cấp rất mạnh trong lĩnh vực này, nhưng có vẻ như chưa "đạt" ở nhiều yếu tố và có tính bề nổi nhiều hơn. Nhận xét này có đúng không, thưa ông?

Công nghệ thường là cái đầu tiên người ta nghĩ tới khi có vấn đề xảy ra. Nhưng với kinh nghiệm của tôi, công nghệ thường không phải là nguyên nhân chính. Điều quan trọng là công nghệ được áp dụng như thế nào. Chúng ta cần phải dành thời gian suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định đầu tư cho một công nghệ nào đó. Đồng thời, cần cân nhắc các tác động tới nhân viên, khách hàng… và quy trình áp dụng công nghệ đó để đảm bảo khoản đầu tư đó mang lại lợi ích thực sự. Sự tham gia và ủng hộ từ phía khách hàng và các nhân viên là điểm thiết yếu để hệ thống công nghệ được áp dụng thành công.

Minh bạch thông tin cũng được cho là một trong những nút thắt trong quá trình hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Để cải thiện tình trạng này, theo ông, cần có những giải pháp nào?

Sự minh bạch về thông tin là khó khăn chung cho ngành ngân hàng tại nhiều thị trường, ngay cả đối với hệ thống ngân hàng đã phát triển và được cho là rất minh bạch. Các tổ chức đánh giá quốc tế có thể giúp một phần trong việc đánh giá mức độ minh bạch, nhưng điều này chưa đủ. Một hệ thống quy định chặt chẽ của từng ngân hàng và trên toàn hệ thống được thực thi một cách nghiêm túc sẽ là giải pháp cho vấn đề này. Trong những cuộc khủng hoảng gần đây, không có ngân hàng lớn nào tại Úc hay Canada phải yêu cầu chính phủ cứu trợ, đó là hiệu quả của việc thực thi các quy định một cách chặt chẽ.

Ngành ngân hàng của Việt Nam hiện đang ở bước đầu hội nhập và mức độ minh bạch hiện đã tốt hơn nhiều so với vài năm trước. Cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, khi các bên tham gia hệ thống nhận thấy được rõ ràng lợi ích của việc minh bạch thông tin thì tự bản thân hệ thống sẽ có được mức độ minh bạch tốt hơn. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định của Chính phủ, vấn đề quản trị công ty với một ban điều hành tốt là rất quan trọng. Ví dụ, ngân hàng cần có mối liên hệ chặt chẽ và chia sẻ cởi mở với các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và cộng đồng… về chiến lược, tiến trình và triển vọng của DN.

Hồng Dung

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sẽ xử lý hình sự việc HDBank cố tình vi phạm trần lãi suất (07/10/2011)

>   NHNN yêu cầu báo cáo tình hình cho vay có bảo đảm bằng vàng  (07/10/2011)

>   TS Trần Hoàng Ngân: Để USD ổn định, phải dẹp nạn đầu cơ (07/10/2011)

>   USD chợ đen: Sao lại lỏng tay? (07/10/2011)

>   Tăng lãi suất tái cấp vốn lên 15%, cho vay qua đêm lên 16% (06/10/2011)

>   Lãi suất chỉ giảm với những doanh nghiệp hiệu quả (06/10/2011)

>   Tiếp tục tăng mạnh tỷ giá USD/VND liên ngân hàng (06/10/2011)

>   Thị trường USD lại biến động, ngân hàng kêu khổ (06/10/2011)

>   Xác lập lại kỷ cương thị trường tiền tệ (06/10/2011)

>   Năm 2012 có thể không cào bằng chỉ tiêu tín dụng (06/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật