Thứ Sáu, 07/10/2011 15:26

Đằng sau câu chuyện ngân hàng tăng cường huy động vàng

Các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động vàng dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi kể từ đầu tháng 10/2011, thay vì giảm mạnh lãi suất huy động vàng như trước đây. Họ đã đón đầu chính xác, bởi vào ngày hôm qua, NHNN đã cho phép dùng vàng huy động để bình ổn giá vàng trong nước.

Trên thực tế, với Thông tư số 11/2011/TT-NHNN quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng kể từ ngày 1/5/2011, lãi suất huy động vàng đã được ngân hàng giảm dần xuống mức thấp, còn 0 - 0,5%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng còn tính đến việc giữ hộ vàng cho khách hàng và có thu phí.

Thế nhưng, mãi lực vàng ở thị trường nội địa tăng lên khi giá vàng thế giới giảm mạnh, kéo theo giá trong nước đi xuống, từ đỉnh cao xấp xỉ 50 triệu đồng/lượng xuống còn hơn 44 triệu đồng/lượng. Cung vàng trên thị trường nội địa khan hiếm, trong khi hạn ngạch NHNN cho phép nhập khẩu vàng có hạn, khiến giá bán luôn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, không ít thời điểm có mức chênh lệch 3 - 4 triệu đồng/lượng. Vì thế, để có nguồn bán can thiệp thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời với thông tin 5 ngân hàng (DongA Bank, ACB, Techcombank, Eximbank và Sacombank) cùng SJC được NHNN cho phép bán vàng bình ổn giá trong buổi sáng ngày 6/10/2011 đã thôi thúc các ngân hàng tăng huy động vốn bằng vàng.

Kể từ ngày 4/10, VietABank áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng (theo Thông tư 11, hoạt động này sẽ chấm dứt kể từ 1/5/2012) cho kỳ hạn 3 tháng là 2%/năm. Các kỳ hạn còn lại từ 1 - 11 tháng, mức lãi suất dao động từ 1,7 - 1,9%/năm, tăng mạnh so với mức lãi suất cũ trước đây chưa tới 1%/năm. Tại HDBank, lãi suất huy động vàng được điều chỉnh lên mức 2%/năm áp dụng đối với chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng kỳ hạn 364 ngày, các kỳ hạn khác có mức lãi suất thấp hơn. Các ngân hàng lớn cũng vào cuộc đua huy động vàng bằng cách tăng lãi suất tiết kiệm vàng. Chẳng hạn, ở Eximbank, lãi suất áp dụng đối với chứng chỉ huy động vàng được nâng lên mức cao nhất 1,5%/năm kể từ ngày 3/10 và áp dụng đồng đều cho tất cả các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng. Tại ACB, lãi suất huy động vàng là 1,3%/năm cho kỳ hạn 11 tháng.

Theo một lãnh đạo cấp cao của Eximbank, việc các ngân hàng nâng lãi suất đối với chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm bằng vàng là nhằm thu hút vàng trong dân để bán ra can thiệp thị trường, nhất là khi giá trong nước cao hơn giá thế giới.

Bên cạnh đó là do có thông tin NHNN cho phép một số ngân hàng được mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài để mua/bán cân đối với số vàng giao dịch ở trong nước, tránh tình trạng chênh lệch giá. Đồng thời, có thông tin rằng, NHNN sẽ tính đến việc áp trần lãi suất huy động vàng sau khi siết lãi suất tiền đồng và USD. Do đó, việc tăng huy động vàng của các ngân hàng gần đây là nhằm đón đầu những quy định mới từ NHNN.

Giá vàng thế giới ngày 5/10 có diễn biến giảm đầu phiên, tăng cuối phiên. Giá vàng tăng vào cuối phiên do lực săn hàng giá rẻ của các nhà đầu tư và 2 yếu tố hỗ trợ là sự hồi phục của giá dầu và sự điều chỉnh của chỉ số US Dollar Index. Ngày 6/10, giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, đầu giờ chiều đạt 1.646 USD/ounce.

Thế nhưng, giá vàng trong nước lại điều chỉnh giảm khi một lần nữa NHNN tuyên bố “ổn định thị trường vàng bằng mọi biện pháp”. Theo Sacombank - SBJ, với việc can thiệp của NHNN, kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng giảm dần, sát với giá vàng thế giới. Chênh lệch kỳ vọng từ 200 - 400.000 đồng/lượng.

Trong tháng 9 vừa qua, nhập khẩu vàng của Việt Nam đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu kim loại quý này trong 9 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ USD, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư CTCK Kim Eng Việt Nam nhận định, do nhu cầu mua quá lớn, nhiều công ty không còn vàng bán, hạn ngạch nhập khẩu vàng cũng đã dùng hết.

Một nguồn tin cho biết, số đơn vị đưa vàng nguyên liệu đến gia công thành vàng miếng SJC tại SJC đã giảm hẳn. Điều này cho thấy, không ít công ty đã dùng hết hạn ngạch nhập khẩu vàng được cấp. Đây là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới.

Nhiều công ty cho biết, họ có vàng trong kho, nhưng không thể bán. Số vàng này là vốn tự có của doanh nghiệp, họ phải tuân thủ nguyên tắc cân đối trạng thái, có mua vào mới bán ra, số mua phải ngang với số bán. Nếu bán nhiều hơn mua, giá vàng thế giới bất ngờ tăng, nếu không kịp nhập khẩu để cân bằng trạng thái vốn vàng thì coi như đứt vốn.

Thùy Vinh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Giá USD tự do tăng vọt, cam kết nào cho tỷ giá? (07/10/2011)

>   Ngân hàng nội: Những nút thắt cần gỡ bỏ (07/10/2011)

>   Sẽ xử lý hình sự việc HDBank cố tình vi phạm trần lãi suất (07/10/2011)

>   NHNN yêu cầu báo cáo tình hình cho vay có bảo đảm bằng vàng  (07/10/2011)

>   TS Trần Hoàng Ngân: Để USD ổn định, phải dẹp nạn đầu cơ (07/10/2011)

>   USD chợ đen: Sao lại lỏng tay? (07/10/2011)

>   Tăng lãi suất tái cấp vốn lên 15%, cho vay qua đêm lên 16% (06/10/2011)

>   Lãi suất chỉ giảm với những doanh nghiệp hiệu quả (06/10/2011)

>   Tiếp tục tăng mạnh tỷ giá USD/VND liên ngân hàng (06/10/2011)

>   Thị trường USD lại biến động, ngân hàng kêu khổ (06/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật